Vĩnh Phúc phấn đấu sớm hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

(PLO) - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, bộ mặt nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc có sự thay đổi rõ nét như được khoác lên mình “tấm áo” mới, sức sống mới để sớm “về đích” vào năm 2020.
Diện mạo nông thôn mới huyện Bình Xuyên (VP).
Diện mạo nông thôn mới huyện Bình Xuyên (VP).

Trước khi có chủ trương về xây dựng NTM, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020; HĐND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; UBND tỉnh cụ thể hóa việc thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch, đề án, quyết định.

Do đó, khi triển khai Chương trình xây dựng NTM đã được kế thừa kết quả sau hơn 04 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư, nâng cấp, nhiều tiêu chí NTM của các xã đã đạt chuẩn hoặc cơ bản đạt chuẩn ở giai đoạn này.

Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống tinh thần, vật chất của người dân được nâng cao.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, đến hết tháng 6 năm 2017, Vĩnh Phúc có 2 huyện (Yên Lạc, Bình Xuyên); 74/112 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, dự kiến trong tháng 7/2017 xét, công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn NTM. Có 91,29% đường liên xã, trục xã, 76,6% đường trục thôn, ngõ xóm và 64,28% đường giao thông nội đồng được cứng hóa; 100% kênh loại I, II và 94,18% kênh loại III đã kiên cố hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 348/390 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt 89,2%); 92/112 xã có trung tâm văn hóa thể thao xã đạt chuẩn; 1.015/1.072 thôn có nhà văn hóa. Kết cấu hạ tầng thương mại từng bước hoàn thiện và đồng bộ, 62/100 chợ nông thôn trong quy hoạch được đầu tư, trong đó, có 34 chợ được xây mới, 28 chợ cải tạo, nâng cấp. Hỗ trợ kinh phí xóa 5.348 nhà tạm cho hộ nghèo, cải tạo nâng cấp 108/112 trạm y tế; 15 công trình xử lý nước thải khu dân cư, 400 nghĩa trang và hơn 600 km rãnh thoát nước thải được xây mới, nâng cấp...

Để đạt được những kết quả trên, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, Tỉnh ủy, UBND, MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội  đã chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn về chương trình xây dựng NTM với nhiều nội dung và hình thức khác nhau gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị; tổ chức Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”.

Qua thực hiện phong trào đã tạo khí thế thi đua mạnh mẽ, rộng khắp, đến nay, nhân dân trong tỉnh đã tự nguyện hiến 818,343m2 đất, góp 250, 3214 ngày công lao động, 422, 403 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM.  Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao đời sống của người dân, nhờ đó, nông nghiệp Vĩnh Phúc liên tục tăng trưởng, sản xuất phát triển toàn diện, đúng hướng; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực, đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh hoặc thâm canh cao với phương thức sản xuất tiên tiến, theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Tốc độ tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân ước đạt 3,4%/năm. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cũng được tỉnh triển khai tích cực, đã tạo việc làm mới cho hàng trăm nghìn lao động, các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vay vốn, phát triển sản xuất, hỗ trợ tiền điện, mua thẻ BHYT...Từ những hoạt động đó, đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực vùng nông thôn, thu nhập đầu người năm sau cao hơn năm trước, ước đạt trên 28 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,5%.

Năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc có 9 xã và thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên đăng ký về đích xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, tất cả các địa phương đang tập trung mọi nguồn lực phấn đấu về đích NTM đúng hẹn, giúp tỉnh hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2020 có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số đơn vị chưa làm hết trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người dân chung sức xây dựng NTM hoặc có tuyên truyền nhưng chưa trọng tâm, trọng điểm, nội dung và hình thức tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả. Việc huy động nguồn lực cho xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn, vốn ngân sách nhà nước (kể cả vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác) còn thấp so với yêu cầu; vốn huy động trong dân rất hạn chế; vốn huy động từ các doanh nghiệp không nhiều.

Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới; xây dựng sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh công tác giảm nghèo và an sinh xã hội; phát triển giáo dục - đào tạo ở nông thôn; chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân; phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn, hướng tới mục tiêu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Đọc thêm