Tiềm năng của du lịch nông nghiệp là một điều không thể phủ nhận. Những sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp các vùng miền trải dài từ bắc tới nam đã được hình thành, thu hút cả du khách trong và ngoài nước.
Ở nước ta, các tour du lịch nông nghiệp điển hình như tour: tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), tour tham quan nông trường Mộc Châu (Sơn La), tour tham quan làng rau Trà Quế (Quảng Nam), tour du lịch canh nông Đà Lạt (Lâm Đồng), tour du lịch miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long... được khách du lịch trong nước và quốc tế đón nhận.
Vĩnh Phúc là một tỉnh có nền nông nghiệp là chủ yếu, được biết đến với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: thanh long ruột đỏ, su su Tam Đảo, đầm sen, rắn Vĩnh Sơn, trà hoa vàng, na Bồ Lý ở Tam Đảo, cá thính Lập Thạch; bò sữa; các vùng rau và hàng hóa ở Vĩnh Tường, Yên Lạc...
Cùng với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Vĩnh Phúc cũng hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đây được xem là những lợi thế rất lớn để phát triển du lịch canh nông.
Mặc dù có tiềm năng lợi thế nhưng hiện nguồn lao động nông nghiệp qua đào tạo tại tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nhu cầu của khách du lịch. Ngoài ra, du lịch nông nghiệp còn là một loại hình khá mới mẻ, tỉnh chưa có quy hoạch định hướng phát triển phù hợp.
Do vậy, đến nay số lượng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá ít ỏi. Cơ sở vật chất tại các mô hình chưa đầy đủ và chưa chuẩn hóa để phục vụ du lịch. Các mô hình chưa có sự chuyên môn sâu, tạo được nét riêng biệt.
Nói về vấn đề này, ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: “Du lịch canh nông là sản phẩm du lịch có nhiều triển vọng phát triển.
Loại hình du lịch này hứa hẹn là một kênh quan trọng để quảng bá, tiêu thụ nông sản của tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển du lịch canh nông vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, phần lớn là do nhận thức của người dân còn hạn chế”.
Nông nghiệp có thể nói là “mảnh đất vàng” để khai thác sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch tại tỉnh nhà.
Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm xây dựng quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch với sản xuất nông nghiệp. Đồng thời chú trọng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân nhân lực, tăng cường quảng bá về các sản phẩm du lịch canh nông./.