Công tác TGPL nói chung, công tác TGPL cho người nghèo nói riêng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm. 100% người nghèo có yêu cầu TGPL đều được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí có chất lượng tốt bằng nhiều hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải.
Căn cứ vào nội dung của các kế hoạch triển khai công tác TGPL của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã xác định công tác TGPL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành; các sở, ban, ngành, đoàn thể đã xác định được trách nhiệm trong việc triển khai công tác TGPL nhằm giúp người được TGPL nói chung, người nghèo nói riêng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa và hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở tỉnh gồm các ngành thành viên: Tư pháp, Tài chính, Công an, VKSND tỉnh, TAND tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự. Đến nay, công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tăng cường được mối quan hệ phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, các cấp, góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế oan sai, tăng cường pháp chế và mang lại những tác động tích cực trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp.
Từ khi thành lập Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hàng trăm cuộc TGPL lưu động, có hàng nghìn người thuộc diện TGPL và nhân dân, cán bộ cơ sở tham dự. Qua các buổi TGPL lưu động, chính sách, pháp luật về TGPL của Đảng, Nhà nước được tuyên truyền đến người dân một cách trực tiếp, sâu rộng, dễ tiếp cận nhất. Qua hoạt động này đã tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc diện TGPL nói chung và người nghèo nói riêng được thụ hưởng dịch vụ TGPL ngay tại cơ sở, đồng thời hướng dẫn, giải đáp và tư vấn pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân. Trong 10 năm (2006 -2016) đã tổ chức được 563 cuộc TGPL lưu động. Riêng năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức thành công gần 70 cuộc TGPL với hàng nghìn lượt người tham dự, thực hiện TGPL miễn phí cho hơn 300 người có yêu cầu TGPL, trong đó có người nghèo…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian vừa qua việc thực hiện TGPL cho người nghèo trên địa bàn tỉnh còn gặp phải một số khó khăn. Đó là sự phối hợp giữa các ngành, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách TGPL nói chung và TGPL cho người nghèo nói riêng chưa thực sự thường xuyên. Tuy TGPL lưu động về cơ sở đã được chú trọng nhưng số cuộc TGPL lưu động còn ít. Một số địa phương khi tổ chức TGPL lưu động còn e ngại, không thông báo rộng rãi cho nhân dân, có địa phương chỉ triệu tập cán bộ thôn, làng, các đoàn thể, ban, ngành nên các cuộc TGPL nơi đây còn mang nặng tính “hình thức, chiếu lệ”. Các đối tượng người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ mới thoát nghèo có điều kiện kinh tế khó khăn, hiểu biết pháp luật hạn chế, thường xuyên phát sinh vướng mắc pháp luật, tranh chấp trong các quan hệ dân sự, có nhu cầu TGPL lớn song chưa được đáp ứng do chưa thuộc diện TGPL theo quy định hiện hành.
Để hoạt động TGPL cho người nghèo đạt hiệu quả, ngoài việc thực hiện TGPL của Trung tâm TGPL cần phải có sự phối kết hợp của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của toàn xã hội. Tăng cường năng lực TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL, cộng tác viên TGPL. Tập trung thực hiện vụ việc TGPL, trong đó, chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng cho các đối tượng nghèo. Đảm bảo 100% người nghèo có yêu cầu TGPL đều được TGPL. Tăng cường truyền thông về TGPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với hình thức phù hợp... Có như vậy hoạt động TGPL mới thực sự đi vào cuộc sống.