Vĩnh Phúc: Triển khai Làng văn hóa kiểu mẫu để nối dài những làng quê đáng sống…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đau đáu với câu hỏi: “Người dân Vĩnh Phúc được hưởng gì từ những thành quả của sự phát triển?”, cùng với việc triển khai chương trình nông thôn mới theo chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung nguồn lực xây dựng đề án Làng văn hóa kiểu mẫu để nối dài những làng quê đáng sống….
Việc xây dựng thí điểm mô hình LVHKM ở Gò Nọi, xã Định Trung, TP Vĩnh Yên góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Ảnh: Trà Hương
Việc xây dựng thí điểm mô hình LVHKM ở Gò Nọi, xã Định Trung, TP Vĩnh Yên góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Ảnh: Trà Hương

Người dân là đối tượng được hưởng lợi

Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có chủ trương và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án xây dựng thí điểm Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) theo Quyết định 2680/QĐ-UBND ngày 29/12/2022 (Đề án 2680). Đến nay, Đề án 2680 đã triển khai trên phạm vi 30 làng. Bước đầu đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa tốt trong xã hội, có sự đồng thuận của người dân, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị.

Trên cơ sở kết quả thí điểm, ngày 16/3/2023 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU về xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Nghị quyết xác định xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh đến 2025 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó xác định lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng LVHKM; Lấy người dân là chủ thể, là trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng LVHKM..

Nghị quyết 19-NQ/TU đã nhấn mạnh mục tiêu xây dựng các LVNKM trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; Giữ vững cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc. Cùng với đó, sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Nghị quyết cùng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của LVHKM do cấp có thẩm quyền ban hành.

Cuộc sống người dân thôn Giã Bằng, huyện Yên Lạc

Cuộc sống người dân thôn Giã Bằng, huyện Yên Lạc

Ngày 05/05/2023, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 06/2023/NQ-HĐND ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND thông qua Đề án xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030.

Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã tái khẳng định mục tiêu chung xây dựng LVHKM theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Đồng thời đưa ra mục tiêu cụ thể: Đến hết năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của LVHKM do cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 30 làng và đến năm 2027 hoàn thành 60 làng.

Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND cũng đưa ra Bộ tiêu chí cụ thể của LVHKM và dự trù kinh phí của Đề án là 2.610 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 2.475 tỷ đồng; nguồn ngân sách cấp huyện xã và nguồn xã hội hóa là 135 tỷ đồng…

Quyết liệt triển khai…

Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đến thời điểm hiện tại, có 14 sở, ban, ngành của tỉnh đã ban hành Kế hoạch, Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc triển khai thực hiện xây dựng LVHKM; Có 13 sở, ngành đã ban hành Hướng dẫn triển khai các Tiêu chí, chính sách hỗ trợ thuộc lĩnh vực phụ trách.

Các sở ngành đã thành lập các tổ xuống trực tiếp thôn được phân công phụ trách để phối hợp, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chính sách theo Nghị quyết của HĐND tỉnh; triển khai thực hiện các mô hình đã đăng ký tại 30 LVHKM được phê duyệt.

Tại các huyện, thành phố, đến nay đã có 09/09 Huyện ủy/Thành ủy, UBND các huyện, thành phố đã ban hành Kế hoạch thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc để triển khai thực hiện xây dựng LVHKM trên địa bàn đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Triển khai các hạng mục LVHKM tại huyện Yên Lạc

Triển khai các hạng mục LVHKM tại huyện Yên Lạc

Tính đến ngày 07/7/2023, trên địa bàn tỉnh có 27/28 LVHKM (không bao gồm 02 tuyến phố đi bộ của TP Vĩnh Yên) đã khởi công, xây dựng công trình, thuộc 09 huyện, thành phố, gồm: Huyện Bình Xuyên (03/03 Làng); Huyện Sông Lô (03/03 Làng); Huyện Yên Lạc (03/03 Làng); TP Vĩnh Yên: (01 Làng là Tổ dân phố Gò Nọi, phường Định Trung); Huyện Tam Đảo (05/05 Làng); TP Phúc Yên (02/03 Làng); Huyện Vĩnh Tường (04/04 Làng); huyện Lập Thạch (03/03 Làng); Huyện Tam Dương (03/03 Làng).

Còn 01 khu thiết chế văn hóa - thể thao thuộc LVHKM chưa khởi công xây dựng công trình thuộc thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, TP Vĩnh Yên.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên, ông Hoàng Đình Thuật, chủ trương xây dựng LVHKM được bà con rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, khi triển khai phải theo trình tự và phải mời thầu theo đúng quy định. “Ban quản lý dự án thành phố “làm ngày, làm đêm” rất vất vả và vừa rồi mới khởi công được LVHKM- Tổ dân phố Gò Nọi. Còn 2 tuyến phố đi bộ đường Trần Quốc Tuấn (phường Ngô Quyền) và đường Hai Bà Trưng (phường Khai Quang) do có một số tiêu chí LVHMKM khi áp dụng không phù hợp, hiện Thành phố đang lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định. Dự kiến phải đến tháng 12 mới khởi công được…”- Lãnh đạo TP Vĩnh Yên cho hay.

Có 03 làng nằm trong đề án LVHKM là làng Man Để (thị trấn Tam Hồng), làng Tri Chỉ (xã Đồng Cương), và làng Thụ Ích (xã Liên Châu), lãnh đạo UBND huyện Yên Lạc tự tin khẳng định cả 3 LVHKM này sẽ khánh thành trước ngày trước ngày 2/9 năm nay.

Trao đổi PLVN, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Nguyễn Lê Huy cho biết, sở dĩ Yên Lạc “về đích sớm” LVHKM là do có sự chuẩn bị từ trước khi Tỉnh ban hành Nghị quyết, người dân rất đồng tình ủng hộ và sự quyết liệt triển khai của các cấp ủy, chính quyền địa phương…

“Khi mới có chủ trương xây dựng LVHKM bà con rất phấn khởi. Trước chỉ nghĩ thành phố mới chỗ vui chơi, giải trí, thể dục thể thao…, thì nay cả làng quê cũng có nên bà con từ già tới trẻ, ai cũng vui mừng phấn khởi nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ cả về vật chất…”- ông Huy cho hay.

Chánh văn phòng UBND huyện Yên Lạc ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ: “Đây là chủ trương lớn, là tâm huyết của Bí thư Tỉnh ủy, hợp với lòng dân nên chúng tôi đã chuẩn bị nhân lực vật lực, đất đai để khi Tỉnh có Nghị quyết là Yên Lạc đã chuẩn bị xong các hồ sơ thủ tục, bắt tay vào “làm ngày, làm đêm”,..”

Cũng theo Chánh văn phòng Nguyễn Văn Thanh, Huyện cũng phân công mỗi lãnh đạo huyện phụ trách một làng, lập nhóm Zalo về tiến độ các dự án, thường xuyên báo cáo lãnh đạo huyện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, Bản thân Bí thư, Chủ tịch trực tiếp xuống hiện trường, hôm nào không xuống được thì yêu cầu quay video về tiến độ triển khai…

Nhà văn hóa thôn Phúc Lập Trong, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường

Nhà văn hóa thôn Phúc Lập Trong, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, trong 2 năm Vĩnh Phúc đã hình thành 1800 câu lạc bộ văn hoá, 2700 câu lạc bộ thể thao, trên 1000 nhà văn hoá thôn, tổ dân phố hoạt động hết tối đa công suất

Từ chỗ hàng ngàn nhà văn hoá thôn, nhà văn hoá xã xây dựng xong không biết làm gì thì đến nay công suất sử dụng tối đa, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, dân ca dân nhạc dân vũ , vui chơi giải trí của dân diễn ra hàng ngày tại nhà văn hoá…..

Việc triển khai xây dựng LVHKM (Giai đoạn I khoảng 2.600 tỷ đồng; Giai đoạn II khoảng 3.000 tỷ đồng) chính là hiện thực hóa mục tiêu lấy người dân là chủ thể, là trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả phát triển của Vĩnh Phúc.

Đọc thêm