Vĩnh Phúc xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị triển khai Đề án thí điểm xây mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Đề án thí điểm xây mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt ở Quyết định số 2680/QĐ-UBND ngày 29/12/2022.
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Theo Đề án, từ năm 2023, mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thí điểm tối đa 3 mô hình (riêng huyện Vĩnh Tường lựa chọn 4 mô hình), không chọn 2 mô hình trên một xã được chọn thí điểm. Ưu tiên lựa chọn các làng có quỹ đất phù hợp để có thể tích hợp được tất cả các hạng mục đầu tư ở gần nhau và có lợi thế so sánh về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, văn hóa, làng nghề, môi trường.

Mỗi mô hình làng văn hóa kiểu mẫu sẽ được đầu tư xây dựng công trình thiết chế văn hóa- thể thao bao gồm các hạng mục: nhà văn hóa thôn và sân bãi, tối thiểu 800 m2; khu thể dục, thể thao tối thiểu 800 m2; khu vườn hoa, vườn dạo, cây xanh tối thiểu 500 m2. Hệ thống hạ tầng, kỹ thuật, kết hợp linh hoạt, hợp lý các khu trưng bày, quảng bá, tập kết, mua sắm sản phẩm địa phương tiêu biểu; gắn kết với các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng của làng.

Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ dành ngân sách hỗ trợ cho các huyện, thành phố 20 tỷ đồng/mô hình, trong đó không quá 15 tỷ đồng phục vụ đầu tư cơ sở vật chất; không quá 5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại để tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Đề án được xây dựng với mục tiêu hình thành các thiết chế văn hóa-thể thao, sinh hoạt cộng đồng của làng nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp. Qua đó cải thiện thu nhập của người dân; bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là truyền thống giữ làng, giữ nước; nâng cao năng lực của bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở nhất trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc định hướng, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế.

Tỉnh Vĩnh Phúc khuyến khích sự tham gia đóng góp kinh phí, hiện vật, công lao của người dân, cộng đồng xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 1.237/1.237 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao (đạt 100%); trong đó có 1.072 thôn đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. Diện tích đảm bảo từ 500 m2 trở lên, có các công trình như nhà văn hóa thôn, sân tập luyện thể thao đơn giản, thiết bị hoạt động đảm bảo tiêu chí nông thôn mới.

Tuy nhiên, đối chiếu với quy định về xã nông thôn nâng cao, xã nông thôn kiểu mẫu theo Quyết định 318/QĐ-TTg và Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/3/2022 thì cơ sở vật chất văn hóa ở các địa phương hiện nay vẫn còn đơn điệu, chưa phát huy được công năng và đặc biệt, đời sống văn hóa tinh thần người dân ngày một nâng cao nên thiết chế văn hóa hiện nay không theo kịp sự phát triển chung của xã hội.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, các công trình văn hóa, thể thao chưa được xây dựng đồng bộ, liên hoàn, chưa có tính liên kết giữa các công trình; Nhiều nhà văn hóa thôn ít hoạt động, đóng cửa dài ngày; việc quản lý, khai thác chưa phát huy hiệu quả; Trang thiết bị nhà văn hóa, dụng cụ thể dục thể thao chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là ở các thiết chế thể thao xã, thôn, tổ dân phố. Khả năng kết nối các công trình tâm linh (hiện có)..., gắn với phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm thế mạnh tại địa phương nhằm nâng cao thu nhập của các tầng lớp nhân dân trong các thôn chưa được thực hiện.

Đọc thêm