Theo thông tin từ VKSND tỉnh Hải Dương, trong 05 năm (giai đoạn 2016 - 2020) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã cử 25 công chức học lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, 02 công chức học lớp đào tạo nghiệp vụ thống kê, 11 công chức học Cao học Luật, 09 công chức học Cao cấp lý luận chính trị, 27 công chức học Trung cấp lý luận chính trị; 189 lượt công chức tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, 02 công chức bồi dưỡng quản lý nhà nước chương trình Chuyên viên cao cấp, 40 công chức bồi dưỡng quản lý nhà nước chương trình Chuyên viên chính,12 công chức bồi dưỡng quản lý nhà nước chương trình Chuyên viên, 01 công chức bồi dưỡng nghiệp vụ thống kê, 04 công chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, 02 công chức bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu cơ bản và 04 công chức tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng viết tin bài tuyên truyền và quản trị, bảo mật thông tin.
Một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của VKSND tỉnh Hải Dương |
Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành, của địa phương tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại địa phương như: Bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho 192 công chức; tập huấn chuyên sâu các đạo luật, Nghị quyết mới về tư pháp và bồi dưỡng kỹ năng về lấy lời khai, hỏi cung bị can, khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông, kỹ năng thu thập dữ liệu, phương tiện điện tử cho 372 lượt công chức nghiệp vụ kiểm sát; bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính cho 95 công chức (lớp bồi dưỡng đã được truyền hình trực tuyến đến các đơn vị Viện KSND tỉnh và Viện KSND cấp huyện thuộc 4 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và thành phố Hải Phòng); bồi dưỡng kỹ thuật hình sự cho 154 Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên nghiệp vụ kiểm sát; bồi dưỡng kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự đối với 79 công chức; bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự, án hành chính, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đối với 88 công chức; bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng đối với 84 công chức; bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư, lưu trữ đối với 17 công chức làm nhiệm vụ văn thư, lưu trữ của Viện kiểm sát hai cấp.
Việc chọn cử công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng như tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoài Ngành (chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh…) đều đảm bảo đúng chỉ tiêu, đối tượng theo quy định Đảng, của Nhà nước và của Ngành.
Toàn ngành hiện có 196 công chức, trong đó 177 công chức nghiệp vụ kiểm sát. Về trình độ chuyên môn: có 01 Tiến sỹ Luật (0,56%), 30 Thạc sỹ Luật (16,94%), 146 Cử nhân Luật (82,5%). Về trình độ lý luận chính trị: có 38 người trình độ cao cấp (21,5%), 104 người trình độ trung cấp (58,8%); về quản lý Nhà nước: 02 người được bồi dưỡng chương trình chuyên viên cao cấp (1,10%), 66 người được bồi dưỡng chương trình chuyên viên chính (37,3%); về bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng: 84 công chức (là lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, cán bộ quản lý cấp phòng và công chức trong nguồn quy hoạch lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, cán bộ quản lý cấp phòng) đã được bồi dưỡng; cơ bản lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, cán bộ quản lý cấp phòng đã được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh.
Trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho công chức, đảng viên; tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội mở tại địa phương các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để thực hiện nghiêm túc chế độ bồi dưỡng bắt buộc 05 ngày/ năm; xây dựng các chuyên đề tập huấn, rút kinh nghiệm nghiệp vụ; phối hợp tổ chức các phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính để rút kinh nghiệm chung.