VND khó tăng giá thêm?

Sự sụt giảm của lãi suất cho vay VND và tỉ giá VND/USD đã khiến cho dòng vốn chuyển sang VND mà không quá lo ngại về sự trượt giá của VND đang được coi là tín hiệu tích cực trên thị trường.

 

Sự sụt giảm của lãi suất cho vay VND và tỉ giá VND/USD đã khiến cho dòng vốn chuyển sang VND mà không quá lo ngại về sự trượt giá của VND đang được coi là tín hiệu tích cực trên thị trường.

Ngày 4.5, tỉ giá VND/USD tại Vietcombank là 18.940 - 18.940 - 18.990VND/USD mua vào - chuyển khoản - bán ra; trên thị trường tự do ở mức 18.940 - 18.980VND/USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, VND khó có thể tăng giá thêm.

Tỉ giá VND/USD chiều bán ra từ 1.1 đến 30.4. (Nguồn: TSC)
Tỉ giá VND/USD chiều bán ra từ 1.1 đến 30.4. (Nguồn: TSC)

Sự ổn định của đồng VND so với USD có được tiếp tục duy trì như trong thời gian qua hay không phụ thuộc vào sự phục hồi của xuất khẩu và niềm tin vào VND.

Vốn đã chuyển qua VND


Trong bản báo cáo về thị trường trái phiếu được phát hành cuối tháng 4, CTCK HSC cho rằng, thị trường ngoại hối tiếp tục cho thấy thanh khoản đồng USD ở mức cao với tỉ giá liên NH hiện tại đang ở trong biên độ quy định. Thậm chí, đồng VND còn lên giá nhẹ. Cả 2 thị trường đã biến động thuận chiều.

Điều này cho thấy các biện pháp được NHNN thực hiện trong 5 tháng qua nhằm ổn định tỉ giá đã thành công. Với kim ngạch xuất khẩu tăng cùng với đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng, thì niềm tin của thị trường đã được cải thiện, giúp tăng nguồn USD do các nhà xuất khẩu thường xuyên xoay vòng nguồn USD của mình.

“Chúng tôi đã thấy có những dấu hiệu cho thấy các đối tượng gửi tiền đã chuyển từ USD sang VND để hưởng lãi suất huy động cao hơn mà không quá lo ngại về việc VND trượt giá. Các Cty xuất khẩu sẵn sàng bán USD cho NH ngay sau khi nhận được nguồn ngoại tệ này từ xuất khẩu và sau đó gửi tiền VND vào NH và điều này tạo ra một chu trình liên hồi, giúp tăng cung USD trong hệ thống NH. Chúng tôi cũng hy vọng điều này sẽ tiếp tục diễn ra cho tới cuối quý III” - HSC nhận định.

Ông Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế trưởng của CTCK Thăng Long - cho rằng, tháng 4 chứng kiến sự lên giá liên tục của VND so với USD, đặc biệt là trên thị trường chợ đen. Điều này, theo ông Phạm Thế Anh, bên cạnh sự sụt giảm của nhập khẩu còn bắt nguồn từ sự phá giá VND trong tháng 2 đã khiến cho kỳ vọng về một sự phá giá tiếp theo xuống thấp.

Hơn nữa, vốn đã chuyển qua VND khi lãi suất cho vay USD (khoảng 6%/năm) thấp hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay VND (khoảng 13-16%/năm), đã khiến các DN khi có cơ hội sẽ lựa chọn vay USD và bán lại khoản USD dự trữ có sẵn của mình trên thị trường phi chính thức để lấy VND cho sản xuất kinh doanh.


Bền vững mức 19.000VND/USD


Theo HSC, trong năm nay vẫn có rủi ro về một đợt phá giá VND ở mức độ thấp: “Chúng tôi nhận thấy lãi suất hợp đồng kỳ hạn giao ngay, giao kỳ hạn 12 tháng đã tăng lên. Và mặc dù gần đây VND đã trượt giá nhẹ, thì một nền kinh tế có mức USD hoá cao với tỉ trọng xuất khẩu trong GDP chiếm gần 70% sẽ luôn chịu rủi ro biến động tỉ giá”.

Do đó, theo nhận định này thì sự ổn định tạm thời của tỉ giá hiện tại kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: Một là sự tiếp tục phục hồi của nền kinh tế thế giới giúp đẩy mạnh xuất khẩu của VN, hai là niềm tin vào các tài sản bằng VND.

Nhưng theo ông Thế Anh, thị trường xuất khẩu đang dần phục hồi, tuy nhiên xuất khẩu cao cũng đi kèm với nhập khẩu cao do sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên - vật liệu và thiết bị nhập khẩu. Do đó, sự giảm sút của nhập khẩu chỉ mang tính chất tạm thời và không sớm thì muộn sẽ tăng trở lại khi các DN bắt đầu cần nguyên - vật liệu cho chu kỳ sản xuất mới.

Quan trọng hơn nữa, quan sát nguồn vốn FDI cam kết trong những năm qua, chuyên gia này cho rằng phần lớn lượng FDI tập trung vào lĩnh vực xây dựng và BĐS (hơn 45% trong năm 2009); vào nhà hàng và khách sạn (hơn 30% năm 2009).

“Hai lĩnh vực này rõ ràng sẽ không mang lại nhiều giá trị xuất khẩu, nhưng lại tạo ra một lượng nhập khẩu cao trong tương lai. Do vậy, ngay cả khi giải ngân FDI năm nay cao cũng chưa chắc đảm bảo cho sự cải thiện của cán cân thanh toán hay sự lên giá của VND so với USD” - ông Phạm Thế Anh nói.

Tính tới cuối tháng 4 và những ngày đầu tháng 5, tỉ giá VND/USD trên thị trường tự do dao động trong khoảng 18.970-18.990VND/USD (chào bán), thấp hơn từ 10-30VND/USD so với tỉ giá tương ứng của Vietcombank. Tuy nhiên, nhập khẩu được kỳ vọng vẫn tăng dần trong những tháng tới và chính sách tiền tệ hiện nay đang hướng tới giảm lãi suất nội tệ. Do vậy, chuyên gia của CTCK Thăng Long cho rằng, rất khó cho đồng USD tiếp tục mất giá so với VND (hay nói cách khác là VND khó có thể tiếp tục tăng giá hơn nữa). “Mức tỉ giá khoảng 19.000VND/USD là khá bền vững trong tháng tới” - ông Thế Anh nhận định.

Các khoản vay ưu đãi dài hạn từ nhiều nhà tài trợ đa quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tỉ giá. Trong đó, NH Thế giới vừa phê duyệt cho VN vay một khoản vay kỷ lục trị giá 682 triệu USD để đổi mới ngành năng lượng, xoá đói giảm nghèo và cải thiện y tế. Và theo dự báo của NH Thế giới, quỹ dự trữ ngoại hối của VN sẽ tăng 15% - lên 17,5 tỉ USD trong năm nay.

Nguồn: Lao Động

Đọc thêm