Trên đường trở thành Trung tâm dịch vụ số của Châu Á
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, mở ra cơ hội mới cho tất cả các quốc gia để có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước khác. Việt Nam cũng đang có một cơ hội lớn để bứt phá sánh ngang bằng với các nước đang phát triển. Trong đó, các tập đoàn công nghệ có vai trò chủ lực trong bối cảnh toàn nền kinh tế Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ.
Mới đây, tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, với chủ đề: “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cũng nhấn mạnh, cơ hội hóa rồng cho Việt Nam đang đến với cuộc CMCN 4.0 dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số ICT, lĩnh vực mà người Việt Nam có nhiều tiềm năng.
Xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ ở các quốc gia phát triển mà còn ở các quốc gia đang phát triển. Hiểu rõ những vận hội đó của đất nước, với vai trò là một Tập đoàn Viễn thông – Công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, ngay từ đầu năm 2017, VNPT đã sớm xây dựng chiến lược VNPT 4.0 trong đó định vị VNPT phải trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm dịch vụ Số (Digital Hub) của Châu Á vào năm 2030.
Chia sẻ về hành trình chuyển đổi số của VNPT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phạm Đức Long cho hay: “VNPT xác định phải giữ vai trò chủ đạo trong cách mạng số tại Việt Nam, nghĩa là chúng tôi sẽ phải tham gia với vai trò chủ lực trong việc xây dựng chính quyền số và nền kinh tế số tại Việt Nam”.
Chuyển đổi số - trước tiên phải từ doanh nghiệp
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, VNPT đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, áp dụng, cải tiến các cơ chế quản trị, tổ chức triển khai Chiến lược VNPT 4.0. Tập đoàn đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận, đột phá về năng lực cạnh tranh, xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng chuyển đổi số.
VNPT đã sẵn sàng xây dựng Hạ tầng số trong nền kinh tế số tại Việt Nam. Cụ thể, xác định mạng viễn thông, đặc biệt mạng 4G/5G chính là nhân tố thúc đẩy chuyển đổi số, VNPT đã đầu tư hạ tầng số cho nền kinh tế số, trong đó bao gồm: Hạ tầng thiết bị (máy tính điện tử, hạ tầng tính toán, điện toán đám mây, IoT); Hạ tầng kết nối (mạng cáp quang, không dây, 4G/5G,…); Hạ tầng dữ liệu; Hạ tầng ứng dụng; Hạ tầng nhân lực.
Đến nay, VNPT sở hữu 05 tuyến cáp quang quốc tế với dung lượng đang khai thác đạt 3.8 Tbps internet quốc tế, đảm bảo an toàn và dự phòng cùng mạng IP Core (lõi) kết nối 63 tỉnh/thành phố với tổng dung lượng truyển tải 48 Tbps, đáp ứng khoảng 12 triệu thuê bao băng rộng di động (3G/4G) và 30 triệu thuê bao thoại (2G/3G) truy nhập đồng thời.
VNPT cũng sở hữu mạng truy nhập quang OLT GPON với 7200 OLT, tổng dung lượng cung cấp tương đương 10 triệu cổng FTTH/GPON. Tổng thuê bao băng rộng cáp quang của VNPT là 5.4 triệu thuê bao FTTH và 1.2 triệu thuê bao IPTV.
VNPT đang sử dụng băng tần 1.800MHz để triển khai mạng 4G LTE, trong đó 25.000 trạm 2G, 33.000 trạm 3G, 27.000 trạm 4G. Số thuê bao di động hiện có là 31.7 triệu. Với mạng 2G, VNPT phủ sóng 89% diện tích, 97% dân số, với mạng 3G, VNPT phủ sóng 82% diện tích, 93% dân số và với mạng 4G, VNPT phủ sóng 78% diện tích, 87% dân số.
VNPT được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ Hội nghị truyền hình phục vụ phiên họp trực tuyến từ phòng họp chính tại trụ sở Chính phủ tới Văn phòng UBND 63 tỉnh/TP và 774 quận/huyện trong cả nước. |
Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho biết, khi được cấp phép băng tần 2.600MHz, Tập đoàn sẽ triển khai thêm cho hạ tầng đô thị có mật độ dân số cao và khi được cấp phép thêm băng tần 700MHz, VNPT sẽ triển khai diện rộng để tạo vùng phủ 4G trên toàn Việt Nam. Đại diện VNPT cho biết, doanh nghiệp này đã được cấp phép và sẽ sớm thử nghiệm 5G trong năm 2019.
Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng, VNPT còn tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ 4.0 phục vụ chuyển đổi số. Theo đó, Tập đoàn này đã hoàn thành hệ thống nhận dạng khuôn mặt và chứng minh nhân dân, ứng dụng trong triển khai quy định của Nhà nước về quản lý thuê bao viễn thông.
VNPT cũng nghiên cứu AI, Machine learning (ML), Khai phá dữ liệu (Data Mining) trong xây dựng Chính quyền điện tử, Du lịch, Y tế, Giáo dục, Nội dung số, Quảng cáo và truyền thông,… Bên cạnh đó, VNPT tiến hành nghiên cứu ứng dụng Blockchain trong các dịch vụ: Chính quyền số, Y tế, Giáo dục, Đô thị thông minh…
Dấu ấn VNPT trong chuyển đổi số quốc gia
Trên cơ sở hạ tầng mạnh như vậy, VNPT đã tham gia sâu rộng và đóng góp thiết thực vào việc xây dựng Chính phủ điện tử, Thành phố thông minh với những giải pháp số cho hầu hết mọi lĩnh vực quan trọng.
Bộ giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT đã được triển khai sâu rộng tới 61/63 tỉnh, thành trên cả nước. Hệ sinh thái công nghệ thông tin (CNTT) chuyên ngành Y tế (VNPT-HIS) của VNPT đã được triển khai tới 7.278 cơ sở y tế các tuyến, tại 60/63 tỉnh, thành phố. Mạng giáo dục vnEdu của VNPT cũng đã được triển khai tới hơn 12.000 trường với gần 4 triệu học sinh, tại 63/63 tỉnh, thành phố.
Trong triển khai Thành phố thông minh, VNPT cũng đã tiếp cận, giới thiệu, triển khai mô hình xây dựng thành phố thông minh (Smart City) tại 28 tỉnh/thành phố, trong đó đã có 4 đề án được phê duyệt: Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc – Kiên Giang, Lâm Đồng, Hà Giang.
Với lĩnh vực Du lịch thông minh, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai cho 34 tỉnh, thành phố, trong đó đã có 13 tỉnh thành đã hoàn thành đưa vào sử dụng... với bộ ba sản phẩm: Cổng thông tin du lịch, Mobile app du lịch và Phần mềm quản lý lưu trú.
Bên cạnh đó, Hệ thống văn bản điện tử đã được VNPT triển khai cho hơn 43 tỉnh/thành phố với hơn 3.052 cơ sở triển khai (sở/quận/huyện/xã), trong đó 20 đơn vị đã triển khai trên quy mô toàn đơn vị (Bộ Bưu chính Viễn thông Lào, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Nghệ An, Cao Bằng, Tiền Giang, Lào Cai, Hà Giang, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Kon Tum…).
Với doanh nghiệp, VNPT cung cấp hệ sinh thái các giải pháp để có thể giúp số hóa hoàn toàn một doanh nghiệp. Đó là: Hệ thống xác thực và định danh điện tử eKYC; Hệ thống quản lý kho hàng (VNPT Inventory); Hệ thống kế toán doanh nghiệp (VNPT FMS); Hệ thống quản trị nguồn nhân lực (VNPT HRM); Hệ thống quản lý kênh phân phối (VNPT DMS); Chữ ký số, Hóa đơn điện tử…
Bên cạnh đó, VNPT cũng cung cấp các dịch vụ số cá nhân mà gần đây nhất là dịch vụ ví thanh toán (VNPT Pay) cho phép người dân có thể dễ dàng thanh toán online nhiều dịch vụ. Tới đây, ngay khi được cấp phép, VNPT sẽ cung cấp ra thị trường dịch vụ Mobile Money cho phép thanh toán qua tài khoản di động. Nếu làm tốt, Mobile Money có thể sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong thói quen sử dụng tiền mặt tại Việt Nam.
Để có thể triển khai những công nghệ mới nhất thế giới tại Việt Nam trong thời gian ngắn, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã tăng cường hợp tác với các Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Tập đoàn Sumitomo, Nissho Electronics của Nhật Bản, Siemens của Đức hay Ericsson của Thụy Điển…
Trên cơ sở các hợp tác đó, VNPT sẽ cùng các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ 4.0 như: trí tuệ nhân tạo, thực tại tăng cường, Blockchain, Fintech…
Tập đoàn cũng sử dụng các nền tảng đã phát triển được như nền tảng IoT (Internet of Thing). Tất cả những việc đó nhắm tới mục tiêu là tăng cường hàm lượng công nghệ mới trong dịch vụ số mà VNPT cung cấp ra thị trường. Điều đó cũng sẽ tạo ra khác biệt về dịch vụ số của doanh nghiệp này.
Chủ động trong cả nghiên cứu công nghệ, xây dựng hạ tầng, phát triển ứng dụng phục vụ nền kinh tế số tại Việt Nam, VNPT đang khẳng định quyết tâm thực hiện sứ mệnh mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã khẳng định khi thăm và làm việc với Tập đoàn đầu năm 2019: “VNPT phải giữ vai trò và vị trí dẫn dắt trong lĩnh vực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số tại Việt Nam”.