Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc
2018 là năm VNPT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu tổ chức hoạt động theo Quyết định số 2129-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác cổ phần hóa Công ty mẹ. Cơ cấu tổ chức của VNPT tiếp tục được cải tổ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung tối ưu nguồn lực.
Cụ thể, trong năm 2018 VNPT đã hoàn thành việc tái cấu trúc khối CNTT, thành lập Công ty VNPT-IT. Đây là trụ cột của VNPT về sản xuất phần mềm và các ứng dụng CNTT, tạo sức mạnh cho VNPT bứt phá mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số trong những năm tiếp theo.
Năm 2018, lợi nhuận của VNPT đạt 6.445 tỷ đồng, vượt 9,4% kế hoạch và tăng 25% so thực hiện năm 2017. Đây là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. Mức tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua của VNPT là 24,7%.
Tổng nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 4.476 tỷ đồng, đạt 117,5% kế hoạch, tăng 18% so với thực hiện năm 2017. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 10,2%, đạt 109,6% kế hoạch, tăng 23% so với thực hiện năm 2017.
Thực hiện nghiêm túc theo đúng quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, VNPT đã và đang tiếp tục triển khai thoái vốn tại 41 đơn vị cổ phần. Ông Phạm Đức Long - Tổng Giám đốc VNPT - cho hay, năm 2018 VNPT đã bán/thoái vốn/thu hồi vốn được 04 danh mục, với tổng vốn thu được 767,36 tỷ đồng/520,85 tỷ đồng vốn đầu tư. Hoạt động cổ phần hóa cũng được thực hiện nghiêm túc, theo đúng yêu cầu của Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tại buổi lễ bàn giao chính thức quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại VNPT về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp diễn ra hồi tháng 11 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đánh giá cao sự tích cực của VNPT trong việc thực hiện công tác chuẩn bị cho hoạt động cổ phần hóa, đặc biệt là công tác kiểm kê tài sản, định giá đất đai, thuê tư vấn định giá doanh nghiệp.
Khởi động chiến lược VNPT 4.0
Năm 2018 cũng là năm đầu tiên tập đoàn này triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Chiến lược VNPT 4.0). Theo đó, VNPT sẽ chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.
Để đạt được mục tiêu đó, ngay từ giai đoạn tái cơ cấu đầu tiên VNPT đã định hướng đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ số. VNPT đã định hướng xây dựng các giải pháp, dịch vụ số theo mô hình hệ sinh thái dựa trên các nền tảng dịch vụ số mà VNPT đang xây dựng như nền tảng media và dịch vụ truyền hình, nền tảng Chính phủ điện tử, nền tảng tích hợp Đô thị thông minh, nền tảng IoT… Hệ sinh thái giải pháp của VNPT đang ngày càng phong phú và hoàn thiện với các giải pháp ở nhiều lĩnh vực như xây dựng Chính phủ điện tử, Y tế, Nông nghiệp, Giáo dục, các giải pháp xây dựng đô thị thông minh khác…
Trước làn sóng CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, VNPT đã sớm bắt tay vào nghiên cứu các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng này. VNPT đã tự thiết lập/hợp tác với các công ty công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng các Lab nghiên cứu về AI, Blockchain, IoT, Cyber Security, điện toán đám mây. Hiện VNPT đã làm chủ được công nghệ và đang tập trung phát triển các ứng dụng, giải pháp cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam cũng như đưa các công nghệ đó vào các giải pháp sẵn có của mình để đáp ứng một cách thông minh nhât nhu cầu của khách hàng.
Giải pháp IoT Nông nghiệp thông minh do Công ty VNPT Technology tự nghiên cứu và phát triển trên nền tảng IoT Smart Connected Platform |
Đối với hạ tầng ICT, VNPT đang đẩy mạnh cập nhật công nghệ, nâng cao năng lực mạng lưới và tiến tới ảo hóa hạ tầng. Trong đó, việc ảo hóa hạ tầng, cả hạ tầng kết nối và hạ tầng IDC chính là cơ sở để VNPT không chỉ tối ưu hóa doanh thu – chi phí mà còn tạo ra sự linh hoạt trong mô hình kinh doanh và cung cấp dịch vụ.
Năm 2019, phấn đấu tăng trưởng lợi nhuận từ 10% – 15% so với năm 2018
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 diễn ra ngày 25/12, ông Trần Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT – cho hay, năm 2019, VNPT phấn đấu tăng trưởng lợi nhuận từ 10% đến 15% so với thực hiện năm 2018. Doanh thu toàn Tập đoàn phấn đấu tăng trưởng từ 7% đến 9% so với thực hiện năm 2018. Dự kiến, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu phấn đấu tăng từ 10-15% so với thực hiện năm 2018.
Theo ông Trần Mạnh Hùng, từ nay tới năm 2025, Tập đoàn có thể dành ra 1 tỷ USD dành cho hoạt động M&A các doanh nghiệp công nghệ. “Trong chiến lược VNPT 4.0, tập đoàn đã đặt ra mục tiêu này, có chiến lược rõ ràng. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là việc thực hiện các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A). M&A là một trong những giải pháp giúp VNPT hiện thực hóa chiến lược mở rộng thị trường quốc tế nhanh nhất. VNPT không thể tiến nhanh nếu đi một mình, phải hợp tác. Trước kia các thế hệ đi trước đã có các hợp đồng hợp tác BCC với các nhà khai thác quốc tế như NTT, France Telecom để có thể phát triển thị trường” – ông Trần Mạnh Hùng nói.
Đánh giá cao các kết quả mà VNPT đạt được trong năm 2018, bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - cho rằng: "Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mong muốn, trong chiến lược phát triển của VNPT trong năm tới, ngoài việc tăng cường cạnh tranh trong nước, VNPT cần có những lĩnh vực cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Đây là thị trường đem lại nhiều lợi nhuận, lợi ích lớn. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ luôn cố gắng, đồng hành cùng cán bộ, nhân viên Tập đoàn VNPT giải quyết những khó khăn, tồn tại, chính sách pháp luật để tập đoàn luôn phát triển và hoàn thành nhiệm vụ được giao” – bà Nguyễn Thị Phú Hà nói.