Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm nay thu hút sự tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trên cả nước. Sau hơn 9 tháng phát động triển khai và trải qua nhiều vòng xét chọn, thẩm định, Chương trình đã chọn ra 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022.
Tại Lễ Công bố tối ngày 2/11, VNPT đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu vinh dự nhận biểu trưng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam lần thứ 8 năm 2022 với các dịch vụ bao gồm: Dịch vụ di động VinaPhone, truyền hình tương tác MyTV, VNPT Money và Phần mềm quản lý giáo dục vnEdu, thiết bị đầu cuối mạng viễn thông thế hệ mới iGate, Bộ giải mã tín hiệu truyền hình, bộ tích hợp truyền thông đa phương tiện Smartbox… Đây đều là những sản phẩm dịch vụ nổi bật, đáp ứng các tiêu chí của Chương trình xét tuyển “Chất lượng – Đổi mới, Sáng tạo – Năng lực tiên phong”.
Với VinaPhone, đây là dịch vụ viễn thông hàng đầu của VNPT, sở hữu hơn 30 triệu thuê bao tại Việt Nam. Dịch vụ Vinaphone trong nhiều năm qua luôn nhận được sự tin yêu của khách hàng bởi độ phủ sóng rộng, đường truyền mạnh và ổn định cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng đảm bảo 24/7.
VNPT nhận danh hiệu Thương hiệu Quốc gia nhờ các sản phẩm dịch vụ chất lượng. |
Được ra mắt vào tháng 9/2009 và là dịch vụ truyền hình tương tác IPTV đầu tiên tại Việt Nam, Dịch vụ truyền hình MyTV của VNPT cũng đã trở thành món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu với hàng triệu gia đình Việt. MyTV sở hữu số lượng kênh phong phú, kho VOD khổng lồ, nhiều phim truyện, phim bộ độc quyền và các gói nội dung bổ sung hấp dẫn, được cập nhật thường xuyên và liên tục.
Bên cạnh các dịch vụ viễn thông, VNPT còn là nhà mạng đầu tiên được cấp phép thí điểm triển khai Mobile Money tại Việt Nam. Đây là hệ sinh thái tài chính số cung cấp đa dạng nguồn tiền thanh toán gồm: Mobile Money, ví điện tử VNPT Pay và các loại thẻ ngân hàng nội địa/quốc tế, giúp người dân có thể linh hoạt hơn trong các nhu cầu hàng ngày của mình. Tính hết tháng 8/2022, VNPT có gần 1 triệu người dùng Mobile Money, trong đó 62% là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Số điểm kinh doanh Mobile Money của VNPT hiện có khoảng hơn 2.800 điểm và hơn 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán Mobile Money trên cả nước.
Đối với lĩnh vực giáo dục, phần mềm quản lý vnEdu cũng nhận được đánh giá cao và vinh dự được công nhận Thương hiệu Quốc gia năm nay. Theo kết quả khảo sát của các chuyên gia nghiên cứu, vnEdu 4.0 hiện chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam với trên 30.000 trường học, hơn 8 triệu học sinh và hơn 800.000 giáo viên đang sử dụng. Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, vnEdu với nền tảng ứng dụng dạy và học trực tuyến VNPT E-learning đã được triển khai miễn phí cho các trường học và hàng triệu bài giảng được tạo ra. Nhờ đó, việc dạy học không bị gián đoạn, tiết kiệm nhiều chi phí ngân sách nhà nước, đảm bảo chương trình giáo dục diễn ra như bình thường.
VNPT Money là 1 trong 6 sản phẩm dịch vụ nổi bật, đáp ứng các tiêu chí của Chương trình. |
Riêng với 2 sản phẩm là iGate và Smartbox, đây là các thiết bị đầu cuối mạng viễn thông thế hệ mới và Bộ giải mã tín hiệu truyền hình, bộ tích hợp truyền thông đa phương tiện được phát triển bởi VNPT Technology. Việc 2 sản phẩm cùng được chứng nhận đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2022 đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của VNPT Technology – thành viên chủ lực của VNPT trong lĩnh vực Công nghệ; Công nghiệp Điện tử Viễn thông; Công nghệ thông tin; Truyền thông và Công nghiệp nội dung số.
Là doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong những năm qua, VNPT liên tiếp giành các thứ hạng cao tại các đợt vinh danh Thương hiệu Quốc gia cũng như nhận được các bình chọn, đánh giá cao từ các tổ chức danh tiếng trong và ngoài nước. Gần đây nhất, thương hiệu VNPT vinh dự đứng thứ 2 top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Brand Finance bình chọn.
Phát biểu tại buổi lễ công bố Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022, đại diện VNPT cho biết, việc được công nhận là Thương hiệu Quốc gia cho nhiều dịch vụ số là sự đánh giá công minh từ phía cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương, khẳng định và ghi nhận những nỗ lực mà VNPT đã phấn đấu trong suốt những năm qua. Đây là vinh dự, cũng là động lực để Tập đoàn phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới để tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong việc triển khai số hóa trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai. Chương trình hướng tới mục đích xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Chương trình Thương hiệu Quốc gia là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua sản phẩm dịch vụ hàng hóa.