"Khi vợ tôi đang mang thai đứa con đầu lòng được 6 tháng, tôi phát hiện ra cô ấy có người đàn ông khác; cô ấy còn dọa bỏ thai để đi theo người tình. Tôi và gia đình đã cố gắng thuyết phục, thậm chí phải canh chừng cô ấy vì sợ mất đứa trẻ. Rồi đứa trẻ cũng được ra đời, nhưng con chưa đầy tháng thì cô ấy bỏ con, trốn đi với người tình. Khi con được 7 tháng, cô ấy quay về đòi ly hôn. Tòa xử cho cô ấy ly hôn và vẫn tuyên cô ấy được quyền trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, sau đó cô ấy không về đón con nên thực tế con vẫn do tôi nuôi dưỡng.
Tôi xin hỏi: Tòa giải quyết cho cô ấy ly hôn khi con còn nhỏ như vậy có đúng không? Cô ấy bỏ con mới đẻ đi theo người tình như vậy mà vẫn được tòa giao cho quyền nuôi con có đúng không? Tôi muốn được giao quyền nuôi con thì phải làm thế nào?”- Thư của anh Hoàng Quân ở quận Hoàng Mai, Hà Nội hỏi.
Về trường hợp của anh, Luật sư xin tư vấn như sau:
Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (HN&GĐ) quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Như vậy việc vợ anh xin ly hôn khi con dưới 12 tháng tuổi và được tòa giải quyết là đúng quy định pháp luật.
Theo Khoản 3 điều 81 Luật HN&GĐ 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Theo như anh trình bày, thời điểm giải quyết ly hôn con của vợ chồng anh 7 tháng tuổi, do đó việc tòa giao cho người mẹ quyền chăm sóc, nuôi dưỡng là đúng quy định của pháp luật. Dù thực tế anh vẫn là người chăm sóc con do mẹ cháu bé không đến đón cháu về nuôi nhưng để mọi việc rõ ràng, anh cần làm thủ tục gửi Tòa án xin thay đổi người trực tiếp nuôi con để giành lại quyền nuôi con.
Theo quy định khoản 2 Điều 84 Luật HN&GĐ năm 2014, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau: “Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.
Theo đó, trước hết anh hãy thỏa thuận với vợ cũ về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con, nếu cô ấy đồng ý thì cũng nên lập thành văn bản thỏa thuận rõ ràng. Trường hợp không thỏa thuận được, anh phải kiện ra tòa để giành lại quyền nuôi con. Theo đó, anh phải chứng minh được vợ cũ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con như điều kiện về kinh tế, sức khỏe, thời gian… Đồng thời anh cũng phải chứng minh bản thân có đủ các điều kể trên, bảo đảm điều kiện cho sự phát triển về thể chất, tinh thần của con thì anh mới có thể giành lại được quyền nuôi cháu bé.
Về thủ tục thay đổi quyền nuôi con, anh cần nộp một bộ hồ sơ khởi kiện về thay đổi người trực tiếp nuôi con tại tòa án nhân dân quận, huyện nơi vợ cũ anh đang cư trú, làm việc. Bên cạnh các giấy tờ, thủ tục quy định, anh cần chuẩn bị các tài liệu , chứng cứ chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của mình là có căn cứ và hợp pháp. Chúc anh sức khỏe.