Đặt nhân vật nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bi kịch là cái chết của ông phủ Vĩnh Tường, người chồng đồng thời cũng là người bạn văn chương của bà, tiếp sau đó là một chuỗi các biến cố, vở chèo “Hồ Xuân Hương với tình” mang tới công chúng một góc nhìn mới về con người và thơ của vị nữ sĩ kỳ tài chốn kinh thành Thăng Long xưa. Không còn nét trào lộng, gai góc, châm biếm sâu cay, tất cả toát lên từ “Hồ Xuân Hương với tình” là hình ảnh một nữ thi nhân với tâm hồn nhạy cảm và một chữ “ tình” tha thiết với con người, với cuộc đời.
Một cảnh trong vở chèo “Hồ Xuân Hương với tình” |
Chất tình thấm đẫm trong toàn bộ vở diễn, ngay từ cảnh đầu tiên về chuyến du ngoạn của nữ sĩ tới làng Lập Trạch, gặp những người dân nghèo đi khiếu kiện, bà ân cần hỏi han và hứa giúp đỡ đưa đơn của dân về trình quan trên. Nhưng bi kịch của bà bắt đầu khi chưa kịp đưa đơn kiện của dân lên quan trên đã phải nhận tin sét đánh về cái chết của ông phủ Vĩnh Tường. Từ đó, hàng loạt biến cố ập đến: xuất hiện 2 bài thơ tố tội quan huyện Lập Trạch, tráp đưa đơn kiện của dân bị cướp, và bài thơ khóc ông phủ Vĩnh Tường của bà bị quan huyện Lập Trạch và tay sai xuyên tạc… Tất cả những bi kịch, những tình huống trớ trêu ấy đẩy nhân vật Hồ Xuân Hương vào tấn bi kịch với nỗi đau tột cùng để từ đó bật lên bản lĩnh và tấm lòng vị tha, nhân bản, tha thiết yêu thương của bà với đời, với người từ những người dân không quen biết tới người mà bà tha thiết yêu thương là ông phủ Vĩnh Tường. Và đó cũng chính là ý đồ của êkíp dàn dựng vở diễn nhằm tạo ra một góc nhìn mới về con người và thơ Hồ Xuân Hương.
Với “Hồ Xuân Hương với tình” người xem gặp lại câu chữ của bà chúa thơ Nôm trong những bài thơ khiến người đời biết tới và yêu mến bà như Vịnh quả mít,Thiếu nữ ngủ ngày, Ốc nhồi, Đánh đu, Khóc ông phủ Vĩnh Tường… Những bài thơ ấy vốn được người đọc thưởng thức và tâm đắc bởi sự tài trí, thông minh, dí dỏm của câu chữ, sự bông đùa, bỡn cợt duyên dáng đồng thời cũng mang nét gì đó táo bạo, dung tục. Thế nhưng khi nghe lại những bài thơ này trong “Hồ Xuân Hương với tình”, công chúng còn cảm được cái tình mà nữ sĩ gửi gắm trong đó. Vẫn là những câu thơ trong Đánh đu:“Bốn cột khen ai khéo khéo trồng/Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông. Chơi xuân có biết xuân chăng tá/Cột nhổ đi rồi lỗ bỏ không” nhưng khi vang lên trong phân đoạn Hồ Xuân Hương hồi tưởng lại kỷ niệm với ông phủ Vĩnh Tường nghe thật xót xa, người xem như cảm nhận được nỗi cô độc của bà trước nhân tình thế thái. Đặc biệt, những bài thơ đó xuất hiện không hề gượng ép mà rất hài hòa với diễn biến cốt truyện và cảm xúc nhân vật. Cách bài trí sân khấu cũng được êkíp thực hiện trau chuốt góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực cho vở diễn.
Tâm sự về vở diễn, đạo diễn Hoàng Mai, Trưởng Đoàn Chèo Hải Phòng cho biết khi đọc kịch bản “Lòng dân và nữ sĩ”, chị có những xúc cảm rất đặc biệt. Góc nhìn đầy mới mẻ của tác giả Hoài Giao về một Hồ Xuân Hương chan chứa tình cảm yêu thương với quê hương, với những người dân nghèo, một tấm lòng thủy chung, tình cảm sâu đậm dành cho người chồng, người bạn tâm giao của mình là ông phủ Vĩnh Tường đã thôi thúc chị dàn dựng vở chèo làm sao để truyền tới công chúng chất tình ấy trong con người và thơ Hồ Xuân Hương một cách chân thực, rõ nét nhất. Tất cả kỳ vọng ấy được êkíp cố gắng truyền đạt, thổi nguồn cảm hứng cho dàn diễn viên, đặc biệt là nữ diễn viên chính vào vai nữ sĩ. Được đánh giá là một vai khó, phải thể hiện được cái tình trong tâm hồn nữ sĩ ở những hoàn cảnh éo le nhất đồng thời không được quá bi lụy, đánh mất cốt cách cứng cỏi mạnh mẽ của bà, vai nữ sĩ Hồ Xuân Hương được diễn viên trẻ Thùy Dương thể hiện thành công. Với chất giọng đẹp, mượt mà, truyền cảm, Thùy Dương đã làm hài lòng đạo diễn và êkíp dàn dựng vở chèo.
Khai thác về nữ văn sĩ Hồ Xuân Hương, một đề tài khá quen thuộc đối với sân khấu chèo, tập thể đạo diễn, diễn viên Đoàn Chèo Hải Phòng mong muốn gửi tới công chúng một góc nhìn mới khi nhắc tới Hồ Xuân Hương. Không chỉ ngạo nghễ, mạnh mẽ, thông minh đầy hý lộng, Hồ Xuân Hương còn là một phụ nữ có tâm hồn trắc ẩn, chan chứa yêu thương, nhân hậu như bao người phụ nữ Việt Nam khác. Hiểu hơn về Hồ Xuân Hương, một nữ sĩ nổi danh đất kinh kỳ một thời cũng là cách để ta hiểu thêm về nền văn hiến nghìn năm của Thủ đô. Và đó cũng là tấm lòng của những nghệ sĩ đoàn Chèo Hải Phòng gửi tới Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Hồng Châm