Vợ chồng "tương kính như tân"

Cách ứng xử, xưng hô giữa các thành viên trong gia đình rất cần được coi trọng bởi đó là cách tạo dựng và giữ lề luật nhất định. Bố mẹ là tấm gương, là chuẩn mực để con cái noi theo. Bố mẹ bừa bãi trong lời ăn tiếng nói thì khó có thể dạy bảo con ăn nói khuôn phép. Và khi nền tảng gia đình không vững thì con cái dễ bị nhiễm thói hư tật xấu từ bên ngoài. Đó là điều các bậc cha mẹ đều biết, tuy nhiên để tạo được và duy trì nền nếp trong gia đình hiện nay là điều không dễ dàng.

Cách ứng xử, xưng hô giữa các thành viên trong gia đình rất cần được coi trọng bởi đó là cách tạo dựng và giữ lề luật nhất định. Bố mẹ là tấm gương, là chuẩn mực để con cái noi theo. Bố mẹ bừa bãi trong lời ăn tiếng nói thì khó có thể dạy bảo con ăn nói khuôn phép. Và khi nền tảng gia đình không vững thì con cái dễ bị nhiễm thói hư tật xấu từ bên ngoài. Đó là điều các bậc cha mẹ đều biết, tuy nhiên để tạo được và duy trì nền nếp trong gia đình hiện nay là điều không dễ dàng.

Ảnh minh họa.

Đôi vợ chồng nọ mới cưới nhau tầm dăm năm. Vốn là bạn học cùng lớp, lại ở riêng, cho nên họ khá thoải mái trong vấn đề ứng xử. Thỉnh thoảng, vui miệng, họ đùa đùa xưng hô "cái tao, cái mày". Thế rồi, có lần cãi nhau, chị vợ lúc nổi nóng đã buột miệng: "Kệ mày!". Anh chồng ớ người một thoáng, rồi nhanh chóng "phản pháo": "A, được rồi, mày muốn thế hở...".

Bắt đầu từ đó, thành lệ. Cứ vặc nhau câu trước câu sau là họ đổi giọng mày - tao. Chị vợ tâm sự với bạn, chuyện xảy ra nằm ngoài mong muốn của chị. Cả vợ lẫn chồng đều thấy rõ điều đó. Nhưng khi đã thành thói quen thì rất khó sửa. Mẹ chị ở quê lên thăm cháu, vô tình nghe được, đã gọi riêng chị mắng cho một trận. Bà dằn dỗi: "Tôi là tôi chịu các anh các chị. Các anh các chị được ăn được học nhiều quá, đâm ngộ chữ, ngộ cả lời ăn tiếng nói. Chị cũng biết đấy, tôi với bố chị sống với nhau ngót nghét nửa thế kỷ. Bố chị mất rồi còn tôi ngồi đây, chị giả nhời tôi nghe, đã bao giờ chị nghe chúng tôi ăn nói với nhau như thế chưa... Các cụ ta vẫn bảo: "Phu thê tương kính như tân", vợ chồng chị ăn nói với nhau như thế thì con cái dạy bảo làm sao được..." - Chị ngồi nghe mẹ mắng, im như thóc.

Thấy được điều đó, vợ chồng họ đã quyết tâm thay đổi. Mỗi lần tranh cãi có chiều hướng căng thẳng, anh thường bỏ đi chỗ khác. Hoặc chị chọn cách im lặng... Chỉ đơn giản vậy thôi mà họ đã khắc chế được thói quen xấu đó. Và theo anh, vợ chồng phải trao đổi và lắng nghe nhau, cùng hiểu ra vấn đề để khắc phục thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều lần.

Vợ chồng chị Lành anh Chiến lấy nhau ngót nghét hai mươi năm. Thời khó khăn nhất đã qua. Các con họ giờ đã đủ lớn để tự thu xếp cuộc sống. Đời sống kinh tế tạm coi đã có chút dư dật. Chị Lành vẫn không quên những ngày tháng mới lấy nhau, đồng lương thì thấp mà quanh năm quay quắt với đủ thứ tiền, cái thời con thơ bận mọn ấy. Tuy thế, nhắc lại những ngày khó khăn, bận rộn đó, chị vẫn thấy hạnh phúc vì vợ chồng chung vai gánh vác, đồng sức đồng lòng. Thời gian gần đây, anh Chiến ngày càng "mải chơi" hơn. Mỗi buổi chiều không phải về sớm đón con như xưa, hôm thì tạt chỗ nọ chỗ kia làm vại bia với bạn bè, hôm thì chơi thể thao bóng bàn, bóng chuyền... Việc gia đình dần chuyển giao hết cho vợ. Hai cậu con trai của chị ngày một lớn, cũng có những mối quan tâm riêng. Sự sao lãng của anh cũng như của con cái đối với gia đình khiến chị lo lắng. Sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình như ngày một lỏng lẻo đi.

Đem sự bất an này chia sẻ với đồng nghiệp, thường chị nhận được lời khuyên, nên chịu khó làm mới mình, làm mới cuộc sống của mình. Chị cũng thử nấu một bữa cơm với những món ăn anh thích. Nhà cửa sạch sẽ. Chị không quên cắm lọ hoa tươi, thứ hoa anh thích. Muốn tạo sự bất ngờ nên chị chủ ý không gọi điện cho anh. Kết quả là đợi hết buổi tối, anh vẫn chưa về. Rồi mấy mẹ con đành uể oải ăn cho qua bữa. Lâu dần chị cũng quen với cách sống đó. Bữa cơm tối thường chị và con ăn trước. Chồng chị về sớm thì ăn chung cả nhà, về muộn thì còn gì ăn nấy, bữa ăn bữa bỏ nên chị cũng chẳng buồn quan tâm. "Có thân thì tự lo" - Sau nhiều lần tranh cãi bất phân thắng bại, giờ đây, chị Lành đã quen với cách sống và cách nghĩ đó. Tuy nhiên, anh Chiến thì cho rằng, ngoài giờ làm việc, cuộc sống của anh còn có những niềm vui khác. Nhiều lần nói với vợ, nhưng hầu như vợ anh không tôn trọng lắm đến thú vui của anh. Và cuối cùng họ chọn cách sống "thân ai nấy lo". Anh có cuộc sống của anh, chị có cuộc sống của chị. Người phụ nữ không chọn cách sống nhún nhường, vun vén thì nền tảng gia đình dễ bị lung lay. Con cái họ là người chịu thiệt thòi, vì đã không có được môi trường sống tốt để phát triển toàn diện.

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận xét: Có nhiều đôi vợ chồng trẻ hiện nay coi nhẹ việc ứng xử, nhiều khi dẫn đến thiếu sự tôn trọng lẫn nhau. Cách cư xử "cá đối bằng đầu" dẫn đến sự không tôn trọng nhau từ lời nói, đến hành động. Âu cũng là một cách nghĩ, rằng như thế là sống thật, là tạo sự thoải mái, bình đẳng. Và như dao hai lưỡi, tình trạng này dễ dẫn đến sự cẩu thả trong cách ứng xử. Mỗi thành viên trong gia đình có vai trò nhất định. Các thành viên trong gia đình quan tâm thương yêu nhau chưa đủ, cần sự tôn trọng nhau để có nền tảng gia đình bền vững.

Hai ông bà hàng xóm tôi nghỉ hưu đã hơn mười năm nay. Con cái đều đã phương trưởng và có nhà riêng cả, giờ đây hai ông bà sống cùng nhau. Cuộc sống của ông bà êm đềm, yên ả. Bà chăm sóc ông, nâng giấc ông từ bữa ăn đến giấc ngủ. Bây giờ đang mùa sen, bà mua hạt tươi về nấu cho ông ăn, vì "ông nhà tôi khó ngủ" - bà giải thích khi ai đó thắc mắc sao có hai ông bà mà mua nhiều thế… Bù lại, hầu như tối nào ông cũng đọc sách cho bà nghe, vì "bà nhà tôi thích đọc sách mà mắt bà giờ quá kém". Mỗi ngày nghỉ, các con cháu về thăm, sinh hoạt có lũ nhỏ quấy quả bị xáo trộn ít nhiều, nhưng bà vẫn cố gắng giữ nếp sinh hoạt quy củ cho ông.

Đôi vợ chồng già ấy sống với nhau gần trọn đời người vẫn tương kính như tân. Chính sự tôn trọng thói quen của nhau đã tạo cho họ cuộc sống thoải mái, dễ chịu về nhau mà không nhiều cặp vợ chồng duy trì được.

Ông Trần Anh Châu, Viện Xã hội học, sau nhiều năm làm công tác điều tra xã hội học về giới - bình đẳng giới đã nhận xét: Có cảm giác như nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình trẻ, trong mối quan hệ gia đình chưa dung hoà được giữa hai thái cực: bình đẳng quá trớn và bất bình đẳng. Nhiều gia đình ly hôn chỉ vì những lý do không đáng có, sâu xa cũng từ sự không thể điều chỉnh được cái chung, cái riêng, chưa tôn trọng nhau…

Bình Nhi

Đọc thêm