Theo cáo trạng truy tố, Nguyễn Văn An là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (gọi tắt là Công ty Thái Hòa), vợ An giữ chức Phó Tổng Giám đốc. Công ty Thái Hòa có 15 công ty thành viên với 44 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành nghề chính là kinh doanh cà phê. Quá trình hoạt động kinh doanh, ngay từ năm 2002, Công ty Thái Hòa đã có quan hệ vay vốn tín dụng tại một ngân hàng lớn, chi nhánh Hà Nội. Năm 2010, Công ty Thái Hòa được ngân hàng này duyệt vay vốn tín dụng ngắn hạn với hạn mức lên đến 200 tỷ đồng.
Cuối năm 2010, Công ty Thái Hòa nợ ngân hàng hơn 194 tỷ đồng và không có tiền để trả khi tới hạn. Không những vậy, Công ty Thái Hòa còn nợ hai ngân hàng khác hơn 400 tỷ đồng. Trước tình trạng nợ nần như trên, An chỉ đạo vợ và các nhân viên tiếp tục lập hồ sơ đề nghị vay tiền ngân hàng với lý do thu mua cà phê để xuất khẩu. Thực chất, mục đích vay là sử dụng tiền vay được để đảo nợ tại ngân hàng.
Để được ngân hàng cho vay vốn, An và vợ chỉ đạo cấp dưới, đồng thời trực tiếp lập khống nhiều tài liệu trong hồ sơ đề nghị vay tiền. Trong đó có các hợp đồng kinh tế giả tạo, hóa đơn GTGT khống và phương án kinh doanh “ảo”.
Thực hiện việc cấp vốn cho doanh nghiệp, các ngày 7/1/2011 và 16/2/2011, đại diện của ngân ký 4 hợp đồng tín dụng với Công ty Thái Hòa, trị giá mỗi hợp đồng là 50 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay trên gồm sổ tiết kiệm 2 tỷ đồng của Ngô Thị Hạnh do chính ngân hàng này phát hành; tài sản trên đất của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê An Giang (một công ty thành viên của Thái Hòa)…
Theo nội dung các hợp đồng tín dụng, Công ty Thái Hòa phải mua bảo hiểm hàng hóa với tổng giá trị mua bảo hiểm là 150 triệu đồng để sử dụng làm biện pháp đảm bảo bổ sung. Để được giải ngân vốn, nên dù không có hoạt động kinh doanh cà phê, trong kho không có hàng hóa song An và Hạnh đã dùng thủ đoạn gian dối ký hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro hàng hóa (cà phê) với các công ty bảo hiểm.
Quá trình thực hiện hai hợp đồng bảo hiểm trên, các công ty bảo hiểm không đi kiểm tra thực tế. Thế nhưng sau khi ký các hợp đồng mua bảo hiểm rủi ro hàng hóa, Công ty Thái Hòa không có tiền trả cho các doanh nghiệp bảo hiểm nên các hợp đồng tương ứng đã không phát sinh hiệu lực.
Theo cáo buộc, chi nhánh một ngân hàng ở Hà Nội đã 21 lần giải ngân cho Công ty Thái Hòa cùng các doanh nghiệp liên quan với tổng số tiền hơn 184 tỷ đồng. Cơ quan chức năng xác định, vợ chồng Tổng Giám đốc đã chiếm đoạt hơn 127 tỷ đồng. Trong đó, An là người chủ mưu, tổ chức và thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền trên. Đối với những cán bộ ngân hàng liên quan, các cơ quan tố tụng không đề cập xử lý bằng hình sự nhưng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.