Trong thời gian qua, ở vùng quê người ta nói nhiều đến hiện tượng vỡ nợ, xù nợ, vỡ hụi, chạy phường... và không ít kẻ “cao chạy xa bay” là phụ nữ.
Một thời vang bóng
7 năm trước vợ chồng chị Linh mua được chiếc thuyền to để buôn bán và chở hàng thuê. Mỗi đợt đi lấy hàng về, chị Linh đều kín đáo mang tiền, quà đến nhiều nhà trong xã. Đấy hầu hết là các gia đình chị Linh đã và đang vay nợ.
Tiền thì gửi trả lãi theo tháng, quà thì biếu xén kiểu thân thiết, cảm ơn. Những người cho chị vay đều yên tâm vì tính chị hiền lành, nói năng tử tế, trả lãi, gốc đúng hạn... Bởi vậy, mỗi khi cần tiền, chị Linh đến nhà ai hỏi vay, nếu có, họ đều mang ra cho mượn.
Với chị Phúc, mới 33 tuổi nhưng đã nổi tiếng là giỏi giang, tháo vát. Cách đây 3 năm chồng đi Hàn Quốc xuất khẩu lao động, vợ ở nhà bán hàng tạp hoá. Giữa một cộng đồng làng quê nghèo ven biển Giao Thuỷ, Nam Định, nhìn vào “gia cảnh” ấy, ai cũng vững tin cho chị vay tiền mỗi khi nghe chị cần vốn để làm ăn. Sau, người ta còn tin tưởng giao cho chị làm cái 5 phường vàng, mỗi vụ lúa mang nộp 1 chỉ/suất.
|
(Ảnh minh họa) |
Người ta còn ngưỡng mộ hơn khi thấy chị mua được hơn 200 mét đất, xây nhà 3 tầng trên thành phố Nam Định để chuẩn bị mở nhà hàng karaoke.
Chị Lan, một người cùng xã với chị Phúc, năm nay đã gần 50 tuổi và có trên 10 năm nổi tiếng là “đại gia” buôn bán hải sản. Cách đây 10 năm, ngư dân nơi đây bắt đầu chuyển đổi từ đi đánh bắt mủng nhỏ sang thuyền lớn. Mỗi thuyền đi phải bỏ vốn cả 100 triệu. Đúng lúc ngư dân cần vốn, người đi buôn muốn có lãi cao thì cần nguồn hàng nhiều, ổn định với giá rẻ.
Quyết tâm làm ăn lớn, chị Lan đã đứng ra vay mượn để nhận bao thầu cho các nhà thuyền. Chỉ sau 3 năm, khắp các chợ đầu mối buôn hải sản trong vùng đều bắt mối với chị. Danh tiếng “làm ăn rất được” của “đại gia Lan” khiến người dân nơi đây không cần phải để chị lên tiếng trước trong việc tiền bạc. Cứ ai có được khoản tiền to to, họ mang đến ngay nhà chị gửi để mong lấy lãi. Với mọi người, việc đưa tiền cho “Lan đại gia” mượn là điều may mắn...
Ai oán nỗi sa cơ
Mỗi người mỗi cảnh, mỗi cách “nổi tiếng” khác nhau nhưng nhìn chung cả 3 người phụ nữ trên đều quy tụ được rất nhiều tiền bạc của người dân. Đùng một cái, giữa tháng 6/2007, người ta sững sờ khi nghe tin chị Linh uống thuốc sâu tự tử vì không trả được nợ.
Lúc này, những người cho chị vay vàng mới ngớ người ra. Họ cứ ngỡ chỉ có mình họ cho chị vay vàng. Họ đâu có ngờ là chị lại nợ những hơn 20 người và số vàng lên tới trên 10 cây.
Tiếp đó, tháng 11/2009, tin chị Phúc vỡ nợ cũng loan ra. Cửa hàng tạp hoá bị đóng cửa. Ba mẹ con chạy lên thành phố Nam Định. Những người cho vay tụ lại lên tới gần 40 người. Tiền kê khai chưa đầy đủ đã lên tới cả tỉ.
Còn chị Lan, sau 10 năm danh tiếng lừng lẫy, tháng 6/2010, chị cũng phải âm thầm bỏ trốn trong đêm, để lại nhà cửa với món nợ khổng lồ.
Nguyên nhân do đâu?
Trước khi uống nửa lọ thuốc sâu, chị Linh đã viết bức thư kể lại. Chuyện bắt đầu từ năm 2001, chồng chị kiện tụng với anh vợ về đất đai do bố mẹ vợ để lại. Khó xử vì một bên là anh trai, một bên là chồng, chị Linh đã giấu giếm đi vay một cây vàng về đưa chồng mua thuyền, bảo là của hồi môn của bố mẹ để lại. Từ đó, chồng không đòi đất nhà vợ, yên tâm lấy vốn làm ăn.
Nhưng cũng từ đó, tiền làm ra, chồng kiểm soát khiến chị Linh chỉ còn một cách duy nhất là âm thầm đi vay chỗ này, mang trả chỗ kia. Trong vòng 4 năm, với giá vàng ngày một tăng, với lãi mẹ đẻ lãi con khiến số nợ nhân lên nhanh chóng để rồi chị phải lấy cái chết của mình để mong xoá nợ...
Tìm hiểu sâu xa hoàn cảnh của chị Phúc được biết nhà chồng muốn đổi đời. Thấy con trai đi “Tây”, con dâu buôn bán giỏi, bố chồng ước được rời quê lên phố sống. Nghe bố, chị Phúc mua đất, mua vật liệu làm nhà đúng lúc giá cao ngất ngưởng trong khi khoản vay lại chủ yếu là vàng nên chị Phúc cũng lâm vào cảnh như chị Linh.
Rồi thêm việc chị cần tiền gấp nên phải trả lãi cao thành ra nhanh bị “gãy”. Khi này, chị xin bố chồng cho bán nhà trả nợ vì giấy tờ mang tên ông nhưng ông kiên quyết từ chối. Gọi điện cho chồng, anh ta bảo không dính dáng đến người vợ vừa dốt vừa liều, bảo chị tự làm tự chịu...
Còn chị Lan “đại gia”, sau khi nghe chồng, chị xây được nhà to nhất xã, mua xe tay ga đời mới cho chồng, cung cấp tiền cho con đi du học... thì bỗng có một ngày người chồng “trở mặt”. Anh ta lấy trộm tiền bạc của vợ rồi bỏ đi theo người bạn hàng khác. Đúng lúc đó, việc buôn bán của chị rơi vào khó khăn, khi các nhà thuyền theo nhau trả lại chị những con thuyền đã đi vào giai đoạn hết khả năng sử dụng...
Những người phụ nữ trên đã một mình đứng ra lo toan, vay nợ lên tới cả tỉ đồng. Khi họ còn đang trong giai đoạn “sung túc” thì dường như cả gia đình được chung hưởng nhưng khi rơi vào bước sa cơ, họ thực sự cô độc, không có ai để mà trông cậy.