Vợ thời hội nhập

Lần đầu tiên nàng ra mắt gia đình nhà tôi, nhìn nàng ăn mặc giản dị, nói năng nhỏ nhẹ ai cũng thích. Mọi người bảo cục mịch như tôi mà sao “cưa” giỏi thế.

Lần đầu tiên nàng ra mắt gia đình nhà tôi, nhìn nàng ăn mặc giản dị, nói năng nhỏ nhẹ ai cũng thích. Mọi người bảo cục mịch như tôi mà sao “cưa” giỏi thế.

Chỉ có mẹ tôi, bằng linh cảm tuyệt vời của mình, bà bảo: “Đừng khen quá. Nhìn vậy thôi, cũng “hiện đại” lắm đấy!”. Quả vậy càng sống với nàng, tôi càng thấy mẹ tôi có lý. Sau ngày cưới, tôi gom góp tiền mừng, định cùng bạn mở nhà hàng. Nàng kề vai lên má tôi, nũng nịu: “Từ từ hãy nghĩ đến chuyện làm ăn. Em mới tìm trên net, giá tour đi Thái còn rẻ hơn cả tour Nha Trang, Đà Lạt. Mang 500 đô la đi đổi ra tiền baht Thái tiêu mãi không hết. Vậy là vừa tiết kiệm được tiền, vừa mua được nhiều hàng xịn, giá rẻ mà còn mang tiếng là hợp thời cuộc với tuần trăng mật xuất ngoại chứ không cò con trong nước. Oách không anh? Hợp lý không anh?”... Quả bùi tai, có tình, có lý, tôi gật đầu. Sau đó thì tiền mừng cưới hết tong, thậm chí còn lạm cả vào tiền ki cóp của mấy năm tôi đi làm vì sang đấy, có bao nhiêu thứ phát sinh đến là hợp lý của nàng!
Mô tả ảnh.
(ảnh minh họa)
Sau trăng mật về, chúng tôi lao vào công việc thường nhật. Những buổi tối, trong khi tôi phải mang thêm việc về làm đến khuya thì nàng chăm chắm bắt tôi phải xem tivi cùng nàng, đi ngủ sớm cùng nàng. Nàng bảo: “Tám giờ ở công sở, em làm việc cật lực như Tây. Bởi thế, tối em được free hoàn toàn”. Tôi bảo ngoài việc ban ngày ở công ty, đây là tôi còn làm thêm việc của công ty ngoài nữa. Nhưng nàng vẫn không chịu hiểu. Nàng chê tôi làm việc chưa chuyện nghiệp, chưa giống Tây. Trong khi đó, cuối tháng nào nàng cũng thu tiền làm “không giống Tây” của tôi đều đặn.. Ngay khi cưới nàng về, mẹ tôi tế nhị chuyển ra sống với anh trai cả. Nhà chỉ còn hai vợ chồng, nàng thích lắm. Nhưng tôi thì không vui. Từ ngày cưới nàng, hôm nào tôi về sớm, tự đi chợ thì sẽ được bữa cơm nấu nóng hổi. Còn nàng “thỏ thẻ” rất rõ với tôi: “Em nấu ăn rất dở nên ngại nấu từ nhỏ. Mà em nghĩ anh là người trí thức, lịch sự nên cũng không bắt vợ phải suốt ngày cơm nước, nhỉ”... Vậy là những hôm tôi nhiều việc, nàng sẵn sàng về nhà sớm, nằm chơi, ngủ, nghỉ. Đợi khi gần 9, 10 giờ, nàng gọi cơm hộp, gọi gà rán KFC hoặc sẽ gọi taxi đến đón tôi. Những hôm ấy, nàng càng vui. Nàng bảo hai đứa đi ăn ở tiệm, vừa có khoảng thời gian nghỉ ngơi thư giãn như là hẹn hò, vừa bớt phải nấu nướng vất vả, thậm chí ăn ngoài còn “gọn gàng” đến mức cả ngày không phải xách rác đi đổ lần nào... Nhiều hôm sang với mẹ, có bữa cơm ngon mà tôi không dám ăn lấy ăn để vì sợ mẹ phát hiện ra tôi quá thèm cơm vì ở nhà tôi luôn phải “chịu” cảnh gia đình cơm hộp... Chỉ thảng lúc nàng đi công tác, tôi đón hẳn mẹ về ở bên này nấu cơm cho tôi. Buổi tối, sau khi cơm nước xong, mẹ thường la cà dọn dẹp các phòng. Một lần, dọn đến tủ quần áo của nàng, mẹ bảo: “Vợ con không bao giờ mặc áo của Việt Nam nhỉ?”. Tôi ngạc nhiên: “Sao mẹ biết?”. Mẹ chỉ vào các loại quần áo: “Thoạt nhìn có vẻ giản dị thôi nhưng thực ra toàn là của các thương hiệu lớn, đắt lắm đấy”. Tôi thán phục mẹ vì sự tinh tường của lần đầu gặp nàng và cả bây giờ. Không những ngoài quần áo, túi xách, những tivi, tủ lạnh, máy giặt... trong nhà tôi cũng thỉnh thoảng đội nón ra đi, thay vào đó là những cái mới, theo nàng là “nâng cấp, là hợp thời hơn”... Và tất nhiên nó cũng đắt hơn. Tôi thấy quá là lãng phí! Song bây giờ tôi thấy sợ nhất là nếu trong thời gian tới, nàng không thay đổi. Mẹ tôi cứ lặng lẽ quan sát cuộc sống của con trai thế này, thấy con vất vả kiếm tiền để cho con dâu thực thi cái gọi là “nâng cấp, cách hưởng thụ thời hội nhập” thì cũng đến “ngưỡng”, mẹ sẽ quá xót xa. Khi ấy, mẹ sẽ phải lên tiếng. Mà mẹ tôi đã lên tiếng thì như lời mọi người bảo, mọi thứ sẽ “nát như tương”. Tôi sợ cho mình, rồi sợ cho nàng. Có lẽ khi nàng về, đã đến lúc tôi sẽ phải bảo nàng: “Vợ ơi, hội nhập từ từ thôi!”.
Theo Phụ Nữ VN

Đọc thêm