H. công tác tại một công ty nhà nước, được cơ quan trả tiền lương qua thẻ ATM. Lương không cao, chỉ vài triệu đồng tháng mà phải vào máy rút tiền, bước đầu tuy bực mình nhưng riết cũng thấy hay. Vốn H. có tính hay bù khú cùng bạn bè nên lúc còn lãnh tiền qua phòng tài vụ, H. không đưa trọn lương cho vợ, mà thường giữ lại một ít để “lập quỹ đen”, khỏi xin tiền bà xã khi chè chén với bạn bè, nay cũng vậy, ra thẻ ATM, H. cũng chỉ rút số tiền vừa đủ “nạp hụi”, số còn lại để dành khi... “khẩn cấp”.
|
Vốn vợ H. không mấy quan tâm đến tiền lương của chồng. Thế nhưng một ngày nọ, khi hai vợ chồng đi chơi, thấy món đồ đẹp muốn mua cho con nhưng không sẵn tiền, nên vợ H. đề nghị chồng ra máy rút tiền. H. nghĩ đi cùng vợ đến máy ATM sẽ bị lộ tẩy vụ quỹ đen trong tài khoản, nên tìm cách hoãn binh bằng việc vào máy rút tiền của một ngân hàng khác. H. nghĩ, vào đó chắc sẽ không rút tiền được, xem như xong một vụ khó.
Xui cho H., ngân hàng mà H. đang mở tài khoản lại là liên minh với ngân hàng có máy ATM mà H. cùng vợ ghé vào. Sau khi thử làm thủ tục, máy ATM báo số tiền mà H. đang sở hữu, ngặt nỗi, máy ATM mà H. đang rút thông báo bằng giọng nói! Khi H. quay sang thì thấy vợ đang trố mắt nhìn mình. Hết đường chạy thoát, H. đành ngậm ngùi rút hết số tiền trong tài khoản giao lại cho bà nhà và bị nhéo đến ê mình.
Trường hợp của anh D., mỗi lần tài khoản được nhập vào hay rút ra đều có tin nhắn đến điện thoại di động của anh. Khi được công ty tăng lương, D. nhất định không tiết lộ thông tin này cho vợ biết, anh chỉ rút số tiền bằng lương cũ của mình cho vợ, phần còn lại, anh cũng để dành lập quỹ đen. Một lần, khi D. nhận được tin nhắn từ ngân hàng thông báo tiền lương mới nhập, anh lại đang làm dở việc nên quên bắn đi một việc quan trọng là “xóa ngay tin nhắn”. Vợ D. vốn tò mò nên thường bí mật kiểm tra điện thoại xem có tin nhắn của cô nào hay không thì phát hiện ra tin nhắn chết người kia. Thông tin mật về lương tăng đã bị bại lộ, D. không những bị vợ ca cho một bài mà còn bị “truy thu” toàn bộ số tiền mà anh còn “nợ” vợ!