“Vòi bạch tuộc” của các tập đoàn dược phẩm

Hãng dược phẩm có doanh số bán hàng hàng đầu thế giới Pfizer vừa bị các nhà quản lý Mỹ phạt 60,2 triệu USD vì cáo buộc đã hối lộ cho các bác sỹ và quan chức chính phủ của các nước ở Đông Âu, châu Á và Trung Đông để đổi lấy việc các sản phẩm của hãng được ưu ái tại các thị trường này. Tuy nhiên, đối với nhiều người, vụ xì căng đan này mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” trong “đế chế” của các tập đoàn dược phẩm.

Hãng dược phẩm có doanh số bán hàng hàng đầu thế giới Pfizer vừa bị các nhà quản lý Mỹ phạt 60,2 triệu USD vì cáo buộc đã hối lộ cho các bác sỹ và quan chức chính phủ của các nước ở Đông Âu, châu Á và Trung Đông để đổi lấy việc các sản phẩm của hãng được ưu ái tại các thị trường này. Tuy nhiên, đối với nhiều người, vụ xì căng đan này mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” trong “đế chế” của các tập đoàn dược phẩm.

Bác sỹ Nenad Borojevic tại văn phòng riêng tháng 10/2009. Ảnh: Reuters
Bác sỹ Nenad Borojevic tại văn phòng riêng tháng 10/2009. Ảnh: Reuters

Kỳ 1: Bức thư tuyệt mệnh gửi vợ cũ của bác sĩ lừng danh Serbia

Quá trình thâm nhập sâu hơn vào các thị trường mới nổi của những công ty dược phẩm hàng đầu thế giới đã được chứng minh là luôn gắn liền với các khoản hối lộ, “lại quả” không hề nhỏ cho các bác sỹ và quan chức y tế. Câu chuyện tại Serbia là một ví dụ.

Theo tín hiệu từ thẻ điện tử gắn trên cổ chân, lần cuối cùng Nenad   Borojevic – một bác sỹ đang trong thời gian quản thúc tại gia để chờ ngày hầu tòa vì cáo buộc nhận hối lộ - rời khỏi nhà là 6h25 chiều 10/1. Lúc này đang là mùa lễ hội tại Serbia và thủ đô Belgrade ngập tràn trong không khí hân hoan của những ngày đầu năm mới.

Cảnh sát nói rằng, Borojevic đã hướng đến công viên Kosutnjak – một khu rừng nổi tiếng với những nhà hàng và các con đường đi bộ uốn lượn quanh thành phố. Borojevic là một trong những bác sỹ nổi tiếng nhất tại Serbia, là giám đốc một viện nghiên cứu về ung thư và X-quang.

Tuy nhiên, vị bác sỹ này đang chuẩn bị ra hầu Tòa để đối mặt với cáo buộc nhận hối lộ từ các công ty dược phẩm nước ngoài để đổi lấy sự ưu ái của Borojevic khi cân nhắc sử dụng sản phẩm của các hãng này. Thẻ điện tử là một điều kiện để bác sỹ đầu ngành này được tại ngoại cùng với khoản phí bảo lãnh 500.000 euro (660.000 USD).

Ngày 11/1, một người đi đường phát hiện Borojevic đã treo cổ trên một cây lớn bằng một sợi dây thừng dày 5mm. Cảnh sát sau đó đã tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh trong thùng thư của người vợ cũ của Borojevic. Bức thư được gửi từ một bưu điện tại địa phương, trong đó chỉ có một dòng chữ: “Tôi không thể chịu đựng được nữa”.

Câu chuyện của Borojevic là ví dụ điển hình về cái mà thậm chí những người hoạt động trong ngành công nghiệp dược phẩm cũng phải công nhận đang dần trở thành một vấn đề nghiêm trọng: tình trạng hối lộ và tham nhũng tại các thị trường mới nổi.

Chuyên gia về bệnh ung thư 51 tuổi này là một trong nhóm 10 bác sỹ và quan chức của các công ty dược phẩm tại Serbia đã bị truy tố hồi năm 2010 vì cáo buộc nhận hoặc đưa hối lộ hơn 660.000 USD để thuyết phục các bác sỹ sử dụng một số sản phẩm cụ thể nào đó.

Cuộc điều tra đối với Borojevic đã bắt đầu vào tháng 3/2007, với thông tin từ người tình cũ của một trong số các bị cáo nói trên. Theo đó, người này đã đến Sở Cảnh sát Belgrade và khai ra mọi thứ, từ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, cách thức nhận tiền, người đưa tiền và người nhận hối lộ, cũng như thời gian và địa điểm mà các khoản tiền này được chuyển giao.

“Cô ấy đã cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin vô cùng hữu ích cho quá trình điều tra” – một Điều tra viên cho biết. Tháng 6/2010, cảnh sát đã bắt giữ Borojevic và 4 đồng nghiệp với cáo buộc tham gia vào một âm mưu phạm tội liên quan đến các loại thuốc điều trị ung thư trong giai đoạn 2007 - 2009.

Bản cáo trạng cho thấy, các đối tượng này đã nhận những khoản tiền hoa hồng không nhỏ từ đại diện các công ty dược phẩm để các bác sỹ này ưu ái hơn trong việc kê các loại thuốc của họ vào đơn thuốc của các bệnh nhân một số thuốc hóa trị và đặc trị ung thư như Avastin của Roche Holding  AG và Erbitux của hãng dược phẩm khổng lồ Đức Merck kGaA.

Một số quan chức tại các công ty dược phẩm như AstraZeneca Plc, Sanofi SA và  Actavis cũng xác nhận họ đã bị thẩm vấn về các cáo buộc hình sự, liên quan đến các khoản thanh toán bất hợp lý cho các bác sỹ tại viện ung thư của Borojevic, trong đó có bản thân Viện trưởng Borojevic. Đại diện của các hãng dược phẩm như Roche,  Merck kGaA  và PharmaSwiss  – một đơn vị  của hãng dược phẩm Valeant  của Canada - cũng đã bị buộc tội đưa hối lộ cho Borojevic và các đồng nghiệp của ông ta.

Kỳ sau: Kết quả một cuộc kiểm tra dữ liệu của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho thấy, 8 trong 10 công ty dược phẩm hàng đầu thế giới đã bị cảnh báo về những khoản tiền phạt khổng lồ, liên quan đến các cáo buộc đưa hối lộ cho các quan chức ngành y tại thị trường nước ngoài.

Minh Ngọc (theo Reuters)

Đọc thêm