Với cả tấm lòng vì sự an toàn của cộng đồng

Ngày 2-7, UBND thành phố chính thức công bố hết dịch tai xanh ở lợn trên địa bàn thành phố. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các cán bộ thú y. Trong những ngày sống và làm việc giữa các đợt dịch, họ có bao nỗi niềm, trăn trở, khó khăn nhưng ít người biết đến.

Ngày 2-7, UBND thành phố chính thức công bố hết dịch tai xanh ở lợn trên địa bàn thành phố. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các cán bộ thú y. Trong những ngày sống và làm việc giữa các đợt dịch, họ có bao nỗi niềm, trăn trở, khó khăn nhưng ít người biết đến.

Cán bộ thú y: 5 trong 1 

Những ngày này, công việc của các cán bộ thú y thuộc Chi cục Thú y Hải Phòng bớt bận rộn hơn những ngày đầu tháng 5, khi dịch tai xanh ở lợn lây lan rộng trên địa bàn thành phố. Nhớ lại những ngày ấy, anh Trần Huy Toản, trưởng phòng dịch tễ, Chi cục Thú y Hải Phòng tâm sự : “Từ cuối tháng 4 đến hết tháng 6, từ Chi cục trưởng đến anh chị em cán bộ, công nhân viên của chi cục và ở các trạm thú y cơ sở chưa biết đến một ngày nghỉ. Kể cả thứ bảy, chủ nhật, anh chị em lúc nào cũng túc trực tại hiện trường và có mặt ở từng cơ sở. Cứ nghe tin nơi nào xuất hiện ổ dịch mới là anh chị em chia làm nhiều đội lao xuống kiểm tra, có khi quá vội, không có thời gian ăn bữa cơm vừa nấu, phải nhá tạm bánh mì ngay trên ô tô. Cả ngày phải hít toàn hoá chất khử trùng tiêu độc rất khó chịu, nhưng chẳng anh em nào kêu ca vì họ đã quen với vất vả”. Một cán bộ thú y dưới cơ sở phải lo cùng lúc rất nhiều việc. Khi không có dịch, họ phải cùng địa phương chỉ đạo chăn nuôi bảo đảm vệ sinh thú y, chữa trị bệnh cho gia súc, gia cầm; triển khai tiêm vắc- xin định kỳ 2 lần/ năm cho đàn gia súc, 2 lần/ năm cho đàn gia cầm, 1 đợt cho đàn chó, mèo…; phát hiện bệnh dịch và kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn phụ trách. Khi có dịch thì gần như anh em làm 12- 16 tiếng/ ngày…

Cán bộ thú y phun thuốc khử trùng chuồng trại khu vực bị dịch bệnh tai xanh ở lợn.

Chúng tôi nhớ lại ngày cùng lực lượng cán bộ thú y phòng, chống dịch cúm gia cầm đợt đầu tiên trên địa bàn thành phố, năm 2004. Trong bầu không khí hết sức ngột ngạt của mùi gia cầm chết, vôi bột và hoá chất khử trùng tiêu độc, các cán bộ thú y và lực lượng làm công tác tiêu huỷ gia cầm của địa phương vẫn cần mẫn, cẩn thận đưa từng con gà vào bao, rắc vôi và hoá chất khử trùng đưa xuống hố tiêu huỷ...Phương tiện bảo hộ của họ vẫn chỉ là chiếc áo mưa giấy mỏng manh, ủng phòng chống bão lụt và khẩu trang y tế. Khi ấy là đợt dịch cúm gia cầm đầu tiên, mọi khâu trong xử lý, khống chế dịch đều quá mới mẻ. Vừa làm, cán bộ thú y vưà mày mò, vừa lo…nhỡ đâu lây bệnh cúm chết người. Và nỗi lo ấy đã khiến nhiều cán bộ thú y phải sống trong áp lực mỗi khi có dịch bệnh trên gia súc, gia cầm xuất hiện. Chẳng hạn chuyện chị Trưởng trạm thú y huyện, do bận đi chống dịch liên tiếp trong nhiều ngày không kịp về nhà chăm sóc gia đình, lại thêm nỗi lo vợ sẽ mang cả vi- rút cúm gà về, nên có hôm chồng chị giận, khoá cửa không cho chị vào nhà. Đến khi chị không thể kiên nhẫn thêm, xách túi bỏ đi thật thì anh lại thương, mở cửa làm lành. Tiếp đó là chuyện của anh Nguyễn Văn Kính- cán bộ Trạm thú y huyện An Dương, anh Trần Huy Toản cán bộ phòng dịch tễ (Chi cục thú y) lần lượt phải vào bệnh viện theo dõi vì nghi nhiễm cúm gia cầm…

Luôn sống chung với thiếu thốn

Ông Phạm Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Phòng khẳng định: “Cán bộ thú y Hải Phòng có nhiều khó khăn. Chẳng hạn, ở ngay văn phòng chi cục còn thiếu các phòng chức năng, cán bộ chuyên trách và thiết bị phục vụ công tác. Hiện, chi cục đang thiếu phòng chuẩn đoán, xét nghiệm và phòng kiểm dịch, kiểm soát cấp 1, chưa có kho lạnh. Do vậy, việc dự trữ hoá chất, vắc- xin, xét nghiệm nhanh các mẫu bệnh phẩm xác định ổ dịch khó khăn. Chi cục hiện còn thiếu 18 biên chế, nhiều phòng chức năng thiếu cán bộ. Ví dụ như phòng dịch tễ- phòng chủ chốt trong chống dịch bệnh- hiện chỉ có 4 cán bộ, trưởng phòng là nam giới duy nhất. Đợt dịch tai xanh ở lợn vừa qua, các cán bộ nữ của phòng phải trực tiếp xuống cơ sở bắt nhốt lợn bệnh để lấy mẫu bệnh phẩm. Phòng thú y thủy sản cũng mới có 2 cán bộ chuyên ngành thủy sản, không thể quản lý hết các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố. Các trạm kiểm dịch cố định vừa thiếu lực lượng vừa chưa có trụ sở làm việc…Đấy là chưa kể 223 cán bộ thú y cấp xã luôn gặp khó khăn trong công tác vì thiếu trang thiết bị, chế độ đãi ngộ thấp”…    

Qua câu chuyện rất thật của những cán bộ thú y, chúng tôi thêm hiểu những vất vả, khó khăn mà họ phải trải qua trong các đợt phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Họ đang nỗ lực vượt lên nguy hiểm và những nỗi lo, những khó khăn thường nhật để âm thầm làm việc bằng cả tấm lòng, vì an toàn của cộng đồng.../.

 Kim Oanh

Đọc thêm