Các nhà khoa học vừa phát hiện một phần thi thể voi ma mút được bảo tồn rất tốt trong băng tuyết ở vùng Siberia của Nga. Điều đáng chú ý là trong phần thi thể này có thể chứa nhiều tế bào sống và đây là yếu tố quan trọng có thể giúp hồi sinh loài sinh vật cổ đại.
Xác voi hiếm chứa nhiều tiềm năng
Đại học Liên bang Đông Bắc của Nga hôm 11/9 nói rằng một đội nghiên cứu quốc tế đã phát hiện lông, mô mềm và tủy xương ở voi ma mút ở độ sâu 100m dưới lòng đất, trong cuộc tìm kiếm mùa hè ở tỉnh Yakutia của Nga. Kết quả phân tích ban đầu cho thấy phần thi thể này có những tế bào vẫn còn nguyên vẹn, với nhân của tế bào hoàn toàn không bị hủy hoại.
Cuộc tìm kiếm mới nhất mang tên Yana 2012 đã phát hiện thi thể voi ma mút kể trên trong một đường hầm do những người dân địa phương đào bới để tìm xương voi có giá trị kinh tế cao. Cuộc tìm kiếm trước đó diễn ra cách đây hai năm, từng thu về được một xác voi ma mút non đã 40.000 năm tuổi, bên cạnh một số con bò rừng và ngựa cổ.
Tuy nhiên, người ta không tìm thấy tế bào sống trong các phần xác này. Giám đốc đội tìm kiếm, Semyon Grigoryev, nói rằng các nhà khoa học Hàn Quốc tới từ Quỹ Nghiên cứu Công nghệ Sinh học Sooam có mặt trong đội đã đặt mục tiêu tìm được tế bào sống trong các phần thi thể voi ma mút, nhằm nhân bản vô tính loài động vật đã tuyệt chủng này. "Tất cả những gì chúng tôi cần để nhân bản vô tính chỉ là một tế bào sống. Cụ thể hơn, chúng tôi cần một tế bào có khả năng tái sinh sản. Sau đó, việc nhân nó lên hàng chục ngàn tế bào sẽ chẳng có gì là khó khăn cả" - ông nói.
Grigoryev cho tờ báo mạng Vzglyad biết rằng sẽ phải mất nhiều tháng nghiên cứu trước khi người ta có thể kết luận có tế bào sống trong phần thi thể mới được phát hiện hay không. Ông dự báo kết quả cuối cùng sẽ chỉ có sớm nhất là vào cuối năm nay.
|
Các nhà khoa học đang hy vọng họ có thể hồi sinh loài voi ma mút và nhiều sinh vật thuộc thời kỳ băng hà đã tuyệt chủng khác, nhờ kỹ thuật nhân bản vô tính |
Thách thức khó khăn, nhưng có thể thực hiện được
Giới khoa học lâu nay vẫn tin rằng voi ma mút lông rậm đã tuyệt chủng cách đây 10.000 năm, dù có thể một nhóm nhỏ loài động vật này đã sống lâu hơn ở Alaska và tại đảo Wrangler của Nga, ngoài khơi bờ biển Siberia. Con người đã hiểu biết khá rõ về loài voi ma mút và còn giải mã phần lớn bộ gene của chúng, nhờ việc phân tích các túm lông tìm thấy ở vùng đóng băng vĩnh cửu tại Siberia. Về cơ bản, mọi sự chuẩn bị để tái sinh voi ma mút gần như đã được thực hiện và người ta chỉ cần tìm thấy một tế bào sống nữa là sẽ nắm được rất nhiều cơ hội thành công.
Nếu thu được tế bào sống, người ta sẽ nhân giống nó. Tiếp đó, nhân tế bào voi ma mút sẽ được trích xuất và cấy nó vào trứng voi thông thường. Các phôi thai với dữ liệu di truyền từ voi ma mút sẽ có thể được tạo ra từ đó. Tiếp tới, người ta sẽ cấy phôi vào tử cung những con voi thông thường để nó chửa và đẻ. Các chuyên gia của Sooam dự kiến sẽ chuyển mã di truyền từ voi ma mút sang trứng của một con voi Ấn Độ, vốn có kích thước lớn, để việc chửa đẻ diễn ra thuận lợi. "Công việc hẳn sẽ rất khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn tin vào khả năng hồi sinh voi ma-mút vì viện nghiên cứu của chúng tôi rất giỏi trong việc nhân bản vô tính động vật" - nhà khoa học Hwang In-Sung ở Sooam nói.
Thực tế, các chuyên gia Hàn Quốc đã từng nhân bản vô tính bò, mèo, chó, lợn và cả chó sói. Tháng 10 năm ngoái, họ cũng trình làng 8 con sói Bắc Mỹ được nhân bản trong một dự án do chính quyền địa phương tài trợ.
Ngay chính giới khoa học cũng có nhiều người in tưởng vào khả năng tái sinh các động vật cổ đại thông qua kỹ thuật nhân bản vô tính động vật cổ đại. Tuy nhiên, họ bác bỏ khả năng nhân loại sẽ sớm có “Công viên kỷ Jura” như báo chí đồn đại, bởi thách thức đặt trước mặt các nhà khoa học là không nhỏ. "Chúng tôi đang trông chờ vào việc các điều kiện đặc biệt của vùng đóng băng vĩnh cửu sẽ giúp một số tế bào voi ma mút còn sống. Nhưng có vẻ như chuyện này khó xảy ra" - Grigoryev nói và cho biết rằng thi thể voi ma mút phải ở trong một nhiệt độ ổn định, dao động từ -4 tới - 20 độ C, để các tế bào có thể sống sót.
Lãnh thưởng nếu "hồi sinh" thành công
Những khó khăn khác bao gồm việc chọn được mẫu xác tốt nhất để trích xuất gene di truyền, việc xác định giới tính của con voi đã chết và mối quan hệ gần gũi nhất của nó với các động vật có vú thời hiện đại. Quan chức Yevgeny Mashchenko ở Viện Nghiên cứu cổ sinh vật học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga đánh giá: "Tái sinh voi ma-mút là một tiến trình vô cùng phức tạp, vốn không chỉ có việc trích xuất ADN mà còn liên quan tới việc tạo nên một tế bào hoạt động hoàn chỉnh. Các công việc kiểu như thế này sẽ mất từ 10-15 năm. Rất có thể các nhà khoa học sẽ cần tới 20 năm".
Ngoài ra, có ý kiến nói rằng việc hồi sinh thành công 1-2 con voi ma mút sẽ không thể khiến loài này sống dậy. Theo đó, muốn gây dựng lại một cộng đồng voi ma mút, người ta sẽ phải cần số lượng voi được hồi sinh lên tới cả trăm con. Đó là chưa kể tới việc do sinh ra từ phương pháp nhân bản vô tính, các con voi này sẽ có quan hệ cận huyết. Nếu chúng giao phối với nhau, các con non sinh ra sẽ có nhiều khả năng mắc trọng bệnh hoặc bị dị tật.
Tuy nhiên tất cả những mối quan ngại này hãy vẫn còn quá xa xôi. Trước mắt, các nhà khoa học đang tập trung vào việc tìm kiếm tế bào voi ma mút còn sống ở vùng Siberia. Ngoài nhóm nghiên cứu của Nga- Hàn Quốc, hiện còn một nhóm khác tới từ Nhật Bản cũng đang nuôi ý định làm điều tương tự. Những ai thành công trong việc hồi sinh voi ma mút có thể nhận lấy "giải thưởng Công viên kỷ Jura" do quỹ X Prize tài trợ. Được biết quỹ này từng trao một giải thưởng tương tự trị giá cả triệu đô la cho công ty tư nhân đầu tiên đã phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo Trái đất.
Tường Linh