Trước đó, tờ New York Times của Mỹ ngày 9/1 đưa tin, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ một giám đốc của hãng chế tạo ô tô Volkswagen vì các cáo buộc gian lận liên quan đến vụ bê bối khí thải "Dieselgate".
Tờ báo dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết, Oliver Schmidt, Giám đốc Phòng Kỹ thuật và Môi trường của Volkswagen tại Mỹ trong thời gian từ năm 2014 đến 2015, đã bị bắt tại bang Florida trong ngày 7/1 sau khi hai bang New York và Massachusetts cáo buộc ông này đóng vai trò chủ đạo trong kế hoạch của Volkswagen che đậy các hành vị gian lận khí thải từ các loại ô tô do hãng này chế tạo trước các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ.
Nỗ lực xóa cáo buộc hình sự
Dự thảo thỏa thuận nói trên là kết quả các cuộc thảo luận gần đây nhất giữa VW với Bộ Tư pháp và Cục Biên phòng và Hải quan Mỹ, trong nỗ lực nhằm giải quyết dứt điểm mọi cáo buộc hình sự của Mỹ đối với hãng sản xuất ô tô Đức này. Trước đó, trong các thỏa thuận được công bố vào tháng 10 và tháng 11 năm 2016, VW cũng đã đồng ý trả khoản tiền phạt kỷ lục lên đến hơn 16 tỉ USD để dàn xếp các cáo buộc hình sự tương tự của Bộ Tư pháp và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.
Theo dự thảo thỏa thuận mới nhất với Bộ Tư pháp và Cục Biên phòng và Hải quan Mỹ, ngoài khoản 4,3 tỉ USD tiền phạt và bồi thường dân sự, VW cũng dự kiến ra thông báo chính thức về việc đồng ý nhận tội đối với các cáo buộc hình sự đối với hãng liên quan đến việc cài phần mềm gian lận giúp những chiếc xe do hãng này sản xuất vượt qua được các kỳ sát hạch về khí thải của các cơ quan chức năng, mặc dù mức khí thải thực tế của những chiếc xe này có thể cao hơn 40 lần quy định cho phép.
Việc đồng ý nhận tội của VW cần được một thẩm phán Mỹ thông qua trước khi có hiệu lực chính thức. Việc VW đồng ý nhận tội được xem là động thái khá bất ngờ đối với nhiều người, vì trong các vụ kiện trước đó của các cơ quan chức năng Mỹ, hai đối thủ cạnh tranh của VW là Toyota và General Motors cũng đồng ý nộp những khoản tiền phạt lên đến hàng tỉ USD nhưng không bị yêu cầu ra tuyên bố nhận tội.
VW được cho là chấp nhận chi "mạnh tay" tiền bồi thường và đồng ý nhận tội nhằm xử lý ổn thỏa cuộc khủng hoảng pháp lý và thương hiệu trên đất Mỹ trước khi Tổng thống Barack Obama rời nhiệm sở ngày 20/1 tới. Các chuyên gia cho rằng nếu không giải quyết dứt điểm sớm, quá trình thay đổi chính quyền có thể khiến thỏa thuận dàn xếp giữa VW với các cơ quan chức năng Mỹ bị trì hoãn nhiều tháng trời hoặc thậm chí còn lâu hơn.
Thỏa thuận vừa đạt được đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng cấp liên bang của Mỹ sẽ ngừng mọi cáo buộc và điều tra đối với bản thân hãng VW. Tuy nhiên, các cuộc điều tra và truy tố hình sự cá nhân đối với các nhân sự cao cấp của hãng này liên quan đến bê bối gian lận khí thải vẫn sẽ được tiến hành.
Ngày 9/1, Giám đốc phụ trách kỹ thuật và môi trường của VW tại Mỹ Oliver Schmidt đã lần đầu tiên xuất hiện tại tòa án thành phố Miami, bang Florida để làm rõ những cáo buộc liên quan đến vụ gian lận khí thải ở các dòng xe do hãng này sản xuất.
Volkswagen vừa phải chi thêm 4,3 tỉ USD tiền phạt |
Oliver Schmidt, người đảm nhiệm cương vị trên trong giai đoạn 2012 - tháng 3/2015, đã bị giới chức Mỹ cáo buộc gian dối và âm mưu che giấu việc cài đặt phần mềm gian lận khí thải trong các dòng xe của hãng này nhằm qua mặt các cơ quan chức năng Mỹ. Tại phiên tòa, ông Schmidt đã không đưa ra lời biện hộ nào đối với những cáo buộc này và sẽ phải tham dự một phiên luận tội khác diễn ra vào ngày 12/1 tới.
Theo giới chức Mỹ, trước khi vụ bê bối khí thải bị phanh phui vào tháng 9/2015, ông Schmidt và một số nhân viên của VW đã thuyết phục các giám đốc điều hành VW ở Đức về "mục đích cũng như đặc điểm" của phần mềm gian lận khí thải, và thuyết phục tiếp tục sử dụng thiết bị này trong các dòng xe của VW.
Vô số vụ kiện "đeo bám"
Ngày 5/1, thẩm phán Charles Breyer vừa ra phán quyết rằng nhà sản xuất ô tô Volkswagen AG và cựu Giám đốc điều hành (CEO) Martin Winterkorn sẽ phải đối mặt với vụ kiện của các nhà đầu tư tại một tòa án ở California (Mỹ) về vụ bê bối gian lận khí thải liên quan đến dòng xe chạy dầu diesel của hãng.
Thẩm phán Judge Charles Breyer cũng bác yêu cầu của Giám đốc thương hiệu Volkswagen Herbert Diess về việc ngừng các vụ kiện gian lận chứng khoán tại tòa án ở California . Các bị đơn khác của vụ kiện bao gồm chi nhánh tại Mỹ của VW, chi nhánh tại Mỹ của Audi và cựu lãnh đạo chi nhánh tại Mỹ Michael Horn.
Các nhà đầu tư tham gia vụ kiện trên hầu hết là các quỹ hưu trí đô thị, đã đầu tư vào VW thông qua chứng chỉ lưu ký Mỹ (ADR). Ước tính, giá trị vốn hóa thị trường của VW đã giảm 63 tỷ USD sau khi vụ gian lận khí thải bị phanh phui. Về phần mình, Volkswagen cho rằng các tòa án ở Đức là sẽ cơ quan phù hợp hơn để tiến hành xét xử vụ kiện của các nhà đầu tư.
Trước đó, Volkswagen ngày 22/12/2016 thông báo đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về bồi thường với các chủ sở hữu của khoảng 80.000 xe lắp động cơ diesel có dung tích xy-lanh 3,0 lít tại Mỹ. VW hoàn tất thỏa thuận kỷ lục trị giá tới 15 tỷ USD để giải quyết bồi thường cho chủ sở hữu các xe động cơ diesel có dung tích xy-lanh 2 lít. Theo đó, VW đã đồng ý trả từ 5.000-10.000 USD cho 104.000 trong tổng số 200.000 chủ xe cơ diesel có dung tích xy-lanh 2 lít.
Theo bà Elizabeth Cabraser, đại diện nguyên đơn, bên cạnh các phương án sửa chữa hoặc mua lại, các chủ sở hữu xe kể trên sẽ còn được nhận một khoản bồi thường tiền mặt. Còn theo bà Jeannine Ginivan, người phát ngôn của VW, nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Đức này khá hài lòng với nội dung cơ bản của thỏa thuận song lại không tiết lộ các chi tiết cụ thể.
Ngoài những vụ kiện chưa được giải quyết với các nhà đầu tư và khoảng 20 bang tại Mỹ, VW cũng đang phải tiếp tục giải quyết các cáo buộc khác tại châu Âu và một số thị trường khác trên thế giới. Giới phân tích cho rằng số tiền cuối cùng mà hãng này phải bỏ ra cho các chi phí dàn xếp dân sự và nộp phạt sẽ cao hơn rất nhiều con số dự kiến 19 tỉ USD.
Giám đốc phụ trách kỹ thuật và môi trường của hãng xe Volkswagen (VW) tại Mỹ Oliver Schmidt lần đầu tiên xuất hiện tại tòa án thành phố Miami |
Doanh số vẫn dẫn đầu
Bất chấp những khoản chi phí bồi thường khổng lồ và hình ảnh thương hiệu bị ảnh hưởng, năm 2016 vẫn chứng kiến doanh số kỷ lục của VW với 10,3 triệu xe được bán ra trên toàn thế giới, qua đó gần như chắc chắn sẽ vượt qua Toyota để trở thành hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới trong năm qua.
Theo thông báo của VW ngày 10/1, doanh số ấn tượng của các dòng xe sang chủ lực như Skoda, Audi và Porsche đã giúp hãng có mức tăng 3,8% so với năm 2015. Doanh số của Volkswagen tại thị trường Mỹ năm 2016 là 322.948 xe, chỉ giảm 7,6% so với năm 2015 do ảnh hưởng của vụ gian lận khí thải trên các xe sử dụng động cơ diesel.
Trước đó, Giám đốc điều hành (CEO) của thương hiệu ô tô Volkswagen Herbert Diess cho biết doanh nghiệp này sẽ tiếp tục hoạt động sản xuất ở Mexico, đồng thời cam kết sẽ sản xuất dòng xe điện ở Mỹ. Ông Diess cho biết Volkswagen sẽ duy trì nhà máy của tập đoàn này ở bang Puebla của Mexico, nơi sản xuất các mẫu xe Jetta và Golf MK7, nhằm phục vụ thị trường rộng lớn này.
Vị CEO này cũng nhấn mạnh rằng tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu của Đức có sự hiện diện quan trọng ở Mỹ và sẽ sản xuất dòng xe điện ở đây. Theo ông Diess, Volkswagen sẽ đưa ra quyết định về địa điểm sản xuất dòng xe điện ở Mỹ vào đầu năm 2018.
Vụ bê bối gian lận khí thải lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô này đã khiến Volkswagen lao đao, thiệt hại lớn về kinh tế cũng như uy tín thương hiệu, buộc phải cắt giảm sản xuất, sa thải bớt nhân công và tiến hành cải tổ toàn diện…/.