Vốn đầu tư vào Vinashin: Chắc chắn là không mất hết!

(ĐNĐT) - Vấn đề được cử tri quan tâm nhất - Vinashin – đã được Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Tài chính trả lời chất vấn tại Quốc hội, ngày 23-11.

(ĐNĐT) - Vấn đề được cử tri quan tâm nhất - Vinashin – đã được Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Tài chính trả lời chất vấn tại Quốc hội, ngày 23-11.

“Tôi khẳng định không có chuyện Vinashin lỗ 100.000 tỷ đồng. Dự án phải có vay có nợ, vay là để đầu tư phát triển. Vay vốn đối với doanh nghiệp là chuyện thường, nhưng điều bất thường ở Vinashin là số nợ quá cao so với vốn sở hữu, gây mất an toàn”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn). 

231110_thoisu_honghiadung.jpg

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng (Ảnh: Dân Việt)

Người đứng đầu bộ GTVT cho biết, đến thời điểm 30-6-2010, Vinashin có 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động, 14 nhà máy đóng tàu đang được đầu tư, tổng tài sản là 104.649 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 86.565 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 8.034 tỷ đồng”. Như vậy, theo Bộ trưởng số nợ nằm trong tài sản, trong các dự án, các hợp đồng đóng tàu… “Thị trường tàu biển thế giới phục hồi, tôi không lạc quan quá mức nhưng tin tưởng nó sẽ giúp Vinashin trong quá trình tái cơ cấu, phục hồi, tạo công ăn việc làm cho công nhân”, ông Dũng nói.

“Tôi không nói là không mất, nhưng chắc chắn là không mất hết. Giá trị của Vinashin hiện nay bao nhiêu đang được đánh giá”. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh không dưới hai lần nhắc đến câu này khi trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 23-11. Bộ trưởng cho biết, trong việc huy động vốn để mua máy móc, có những tài sản đã cũ, số đó không mất hết nhưng xác định mất bao nhiêu thì phải có thời gian, hiện đang yêu cầu kiểm toán và điều tra xác thực giá trị còn lại là bao nhiêu.

Chưa hài lòng với trả lời của người đứng đầu ngành Tài chính, đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) hỏi tiếp: “Tôi chưa thấy rõ trách nhiệm của Bộ và của Bộ trưởng về vấn đề quản lý vốn đối với Vinashin. Trên giấy tờ hiện nay là 104.000 tỷ đồng, nhưng chúng tôi thấy trên thực tế là rất thấp, với chức năng quản lý vốn, trách nhiệm của Bộ trưởng trong thời gian qua đã làm gì?”.

“Về con số 104.000 tỷ đồng, hiện nay đang nằm trong các dự án, nhà máy. Có dự án, nhà máy đang hoạt động, có nhà máy chưa hoạt động; có nhà máy hoạt động hiệu quả cao, có thể có nhà máy hoạt động chưa hiệu quả”, Bộ trưởng trả lời.

"Trách nhiệm trước hết thuộc về doanh nghiệp"

Về trách nhiệm quản lý vốn của Bộ Tài chính đối với Vinashin, đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) và Ngô Minh Hồng (TP.HCM) tiếp tục “truy” vị “tư lệnh” của ngành Tài chính. “Bộ trưởng cho biết là đã làm đủ chức trách đối với Vinashin, nghĩa là Bộ vô can, vậy tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm riêng của Bộ trưởng về trách nhiệm trong việc này”, bà Nga hỏi.

vuvanninhsang23.jpg

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh (Ảnh: TTXVN)

Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận, bắt đầu từ năm 2008, Vinashin có những vấn đề do đầu tư dàn trải, lập nhiều công ty con dẫn đến hiệu quả chưa cao. “Luật doanh nghiệp xác định trách nhiệm trước hết thuộc về doanh nghiệp. Chúng tôi không phải là người duyệt phương án sản xuất, đầu tư, nên việc vay vốn đầu tư không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Chúng tôi có thanh tra, kiểm tra, giám sát, có phát hiện, có kiến nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra. Có những việc Vinashin thực hiện, có những việc thực hiện một phần, có những việc chưa thực hiện, không thực hiện và chúng tôi đã báo cáo Chính phủ”, ông Ninh giải bày.

Theo Bộ trưởng Ninh, vấn đề về Vinashin được báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ ngay từ tháng 4-2009, đến tháng 6-2009 Chính phủ đã có chỉ đạo Vinashin thực hiện. Tháng 7-2009, Chính phủ thành lập tổ công tác liên ngành yêu cầu Vinshin rà soát, cắt giảm các dự án. Đến năm 2010, tình hình Vinashin có chuyển động nhưng chưa mạnh mẽ, Chính phủ quyết định tái cơ cấu. “Đây là bài học đã được rút ra, đó là cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng nói.

4-5 năm sau Vinashin sẽ có lãi 

Được mời làm rõ thêm những vấn đề mà các đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng kiêm Trưởng ban Tái cơ cấu tập đoàn Vinashin, cho rằng, với số tiền mà Vinashin đang gánh, nếu thị trường vận tải thế giới phục hồi nhanh, giá vận tải biển tăng lên, giá đóng tàu nhanh lên, tái cơ cấu với đội ngũ quản trị tốt và làm ăn có hiệu quả thì tình hình sẽ ổn định sớm hơn.

Tuy nhiên, Cổng TTĐT dẫn lời Phó Thủ tướng, trước mắt trong khoảng 2 năm tới, Vinashin vẫn còn lỗ, nhưng từ năm 2013-2014 sẽ có lãi để trả nợ. Đây chính là hướng đi của tập đoàn khi tái cơ cấu.

Về kiểm điểm trách nhiệm, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc từ người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng liên quan và tập đoàn một cách công bằng. Hiện nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang chủ trì việc này rất nghiêm túc và kết quả sẽ công khai trước công luận.

Với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu, Phó Thủ tướng cho rằng, phải qua “3 bước” để vực dậy Vinashin, là: củng cố, ổn định và phát triển. Ba bước đi này cần có thời gian 4-5 năm, không đơn giản nhưng không được chủ quan.

Đường sắt cao tốc chỉ dành cho người giàu

Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Minh Thuyết về căn cứ pháp lý tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết Quốc hội chưa thông qua việc đầu tư đường sắt trong kỳ họp vừa rồi, nhưng Bộ có tiến hành nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc, dưới dạng báo cáo khả thi để làm rõ thêm một số vấn đề của báo cáo tiền khả thi mà các đại biểu đã nêu về công nghệ, hiệu quả dự án, nguồn vốn của dự án. “Trên cơ sở nghiên cứu, Chính phủ thấy có tính khả thi sẽ báo cáo Quốc hội. Tôi khẳng định Bộ chưa tiến hành đầu tư”, ông Dũng nói.

Tôi đồng ý nghiên cứu là cần thiết và xứng đáng. Nhưng điều quan trọng là cần nhìn xuống mặt đất. Trên diễn đàn lúc nào chúng ta cũng nói đến nợ nần, việc đặt đường sắt cao tốc lên trên đường sắt hiện này là tư duy ngược đời

Đại biểu Dương Trung Quốc

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, nước ta còn nghèo, nhân dân ta còn nghèo, ưu tiên hàng đầu lẽ ra là cải tạo đường sắt Bắc - Nam, vậy Bộ có coi đây là  ưu tiên hàng đầu hay không? Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: việc xây dựng đường sắt khổ 1,435m trên cơ sở đường sắt Thống Nhất hiện nay là không khả thi. Hệ thống đường sắt cao tốc sẽ kết nối với hệ thống đường sắt đô thị, bao gồm đường sắt ngầm và trên cao.

“Tôi chưa thể thỏa mãn câu trả lời của Bộ trưởng. Tôi đồng ý nghiên cứu là cần thiết và xứng đáng. Nhưng điều quan trọng là cần nhìn xuống mặt đất. Trên diễn đàn lúc nào chúng ta cũng nói đến nợ nần, việc đặt đường sắt cao tốc lên trên đường sắt hiện này là tư duy ngược đời”, đại biểu Dương Trung Quốc nói. Theo ông, đường sắt cao tốc chỉ dành cho người giàu, còn đường sắt 1,435m thì dành cho đại đa số người dân Việt Nam. Do vậy, làm đường sắt cao tốc trước là bước đi không phù hợp. “Chúng tôi không phải đối đường sắt cao tốc, chúng tôi muốn tìm một lộ trình phù hợp”, đại biểu nói.

Theo đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), nếu Bộ trưởng bảo lưu việc nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc, mong hãy nghiên cứu toàn diện. Bộ trưởng Dũng hứa sẽ phân tích cụ thể lựa chọn phương án tối ưu về đường sắt cao tốc.

ĐNĐT

Đọc thêm