Dự thảo Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, (thay thế Nghị định số 174/1999/NĐ-CP) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp tăng cường quản lý thị trường vàng theo hướng, hạn chế kinh doanh vàng miếng, ngăn ngừa hoạt động đầu cơ vàng, nhưng vẫn đảm bảo quyền tích trữ, mua bán vàng của người dân.
Theo đó, NHNN sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng và chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp có các điều kiện như có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên; chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất… được sản xuất vàng miếng.
Không khuyến khích hoạt động mua bán vàng miếng, dự thảo Nghị định đã thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng là những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 02 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên… mới được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng.
Ngoài ra, với dự thảo Nghị định, NHNN cũng sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, hoạt động sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động kinh doanh vàng khác.
Dự thảo còn có nhiều qui định tạo cơ chế cho phép NHNN thực hiện các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường thông qua các hoạt động: Cấp phép sản xuất vàng miếng; tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức huy động vàng. Và để ổn định thị trường vàng trong nước, dự thảo Nghị định qui định Nhà nước thực hiện điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế - một biện pháp kinh tế có hiệu quả cao góp phần hạn chế tình trạng ”vàng hoá” trong nước.
H.Giang