Vòng luẩn quẩn hậu vụ án vợ cũ cho chồng ngồi tù vì cưới vợ mới

Anh Nguyễn Văn Mưu (SN 1982, ngụ xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có lẽ là ông chồng Việt Nam đầu tiên bị phạt tù vì tội ngoại tình. Phiên tòa hi hữu này đã “thỏa lòng” nhiều bà vợ có chồng bạc tình “chán cơm thèm phở”, nhưng hậu vụ việc vẫn là những câu chuyện đắng lòng người phụ nữ phải gánh chịu.

Anh Nguyễn Văn Mưu (SN 1982, ngụ xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có lẽ là ông chồng Việt Nam đầu tiên bị phạt tù vì tội ngoại tình. Phiên tòa hi hữu này đã “thỏa lòng” nhiều bà vợ có chồng bạc tình “chán cơm thèm phở”, nhưng hậu vụ việc vẫn là những câu chuyện đắng lòng người phụ nữ phải gánh chịu.

Chưa bỏ vợ cũ, đã cưới vợ mới

Vợ chồng anh Mưu lấy nhau từ năm 2004 nhưng cuộc sống gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” dù đã có hai mặt con đủ cả trai lẫn gái. Chị Đỗ Thị Yến (SN 1985), vợ cũ anh Mưu cho biết: “Lấy nhau 8 năm, nhưng tôi về ở nhà chồng vỏn vẹn được 3 tháng. Bị hắt hủi ruồng rẫy nên tôi về nương náu nhà ngoại từ ngày mang thai đứa con thứ nhất”.

Chị Yến sống cảnh “có chồng hờ hững cũng như không” kéo dài đến cuối năm 2010, khi anh Mưu ngang nhiên tổ chức đám cưới linh đình với một cô gái làng bên mà chưa ly hôn với vợ cũ.

Ba mẹ con chị Đỗ Thị Yến
Ba mẹ con chị Đỗ Thị Yến

Dù tình nghĩa chẳng còn sâu đậm, chị Yến vẫn uất ức khi thấy chồng đã ruồng rẫy, chẳng quan tâm đến vợ con, giờ lại “bạc bẽo” đi lấy vợ mới. Nghĩ cảnh hai đứa con bỗng dưng “mất bố”, chị viết đơn kiện chồng.

Xét thấy anh Mưu vi phạm quy định một vợ một chồng, công an xã xử phạt hành chính 500 nghìn đồng, song song hướng dẫn thủ tục ly hôn. Nhưng người vợ “không phục” cách xử lý “quá nhẹ nhàng với người đàn ông vô tình vô nghĩa” nên tiếp tục gửi đơn lên công an huyện. Anh chồng “có mới nới cũ” bị khởi tố.

Vụ việc kéo dài đến tận một năm sau. Ngày 19/08/2011, tòa án huyện Chương Mỹ mở phiên sơ thẩm, tuyên phạt anh Mưu 12 tháng cải tạo không giam giữ, đồng ý cho chị Yến ly hôn và được quyền nuôi con, anh Mưu phải có trách nhiệm cấp dưỡng. Sau phiên sơ thẩm, người vợ tiếp tục làm đơn kháng cáo, đề nghị tăng hình phạt. Phiên phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.

Chị Yến nghẹn ngào: “Tòa xử vậy thì mẹ con tôi thiệt, anh ta vẫn thản nhiên sống với vợ mới”. Chị không được chia tài sản gì sau khi ly hôn vì tòa cho rằng chỉ ở nhà chồng một thời gian ngắn rồi về ở nhà ngoại, không có đóng góp gì.

Trưa nắng gắt, tìm đến nhà, chị Yến vẫn chưa đi làm về, chỉ có hai đứa con đang tha thẩn chơi ngoài sân, gầy gò nhem nhuốc. Căn nhà tồi tàn bừa bộn, chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc vô tuyến cũ đặt ở góc nhà.

Ngồi được một lúc, người phụ nữ dáng khắc khổ tất tả bước vào ngõ. Thấy người lạ, chị khựng lại hoang mang, rồi khóc ròng.

Tĩnh tâm rồi, chị bảo tưởng người của tòa án đến thu tiền án phí từ vụ kiện chồng năm ngoái. Chị nghẹn ngào: “Tòa đã xử như thế, lại còn bắt em nộp 200 nghìn. Một nách em nuôi hai đứa con mà tòa còn “hẹp hòi” với em”.

Cay đắng phận làm dâu

Nói về chuyện đã qua, người vợ vẫn còn nguyên uất ức, nước mắt cứ chực trào ra. Chị kể về quãng đời làm dâu đầy cực nhục, cuối cùng lại bị chồng bội bạc. Nhà vốn nghèo,  học hết lớp 3, chị Yến đã nghỉ học ở nhà đi làm ruộng.

Nhà chị và nhà anh Mưu có mối thâm giao từ thời các cụ, lại là hàng xóm láng giềng sát vách, nên đến tuổi lấy chồng, nhận được trầu cau, gia đình chị thuận tình kết thông gia. Lấy nhau được hơn hai tháng, lúc này chị đang mang thai đứa con đầu lòng, gia đình chồng mắng mỏ chị “hỗn hào, dám xưng hô “bằng vai phải lứa” với mẹ chồng” chỉ vì một lần chị lỡ gọi một người trong họ không đúng vai vế. Người chồng cũng hùa theo, đánh đuổi vợ.

Bụng mang dạ chửa, chị về nhà bố mẹ đẻ ở nhờ. Những tưởng vợ chồng mâu thuẫn chốc lát, nhưng đến khi chị đẻ con, nhà chồng cũng chẳng ai sang thăm nom hỏi han.

Chị ấm ức: “Đứa lớn được một tuổi thì mắc bệnh đường ruột, chạy chữa khắp nơi, mà nhà chồng chẳng một lời hỏi thăm”.

Ba năm sau, khi đứa con đã biết đi biết nói, nhà chồng mới sang “xin” đón hai mẹ con về. Muốn con đủ cả bố lẫn mẹ, bản thân sợ chuyện nuôi con một mình khổ nhọc, chị đồng ý “nối lại tình xưa”.

Khi nhà chồng đang chuẩn bị xây nhà, chị mang thai đứa thứ hai. Mâu thuẫn lại nảy sinh vì nhà chồng bắt con dâu bỏ cái thai bới “đang xây nhà, có thai sẽ mang “vận đen””. Chị không chịu, lại bị chồng đánh chửi, đuổi ra khỏi nhà.

Người đàn bà bụng chửa vượt mặt lại khăn gói dắt đứa con gái lớn về nhà bố mẹ đẻ, lại sinh con thứ hai mà vẫn không có chồng bên cạnh. Quãng đời làm vợ, làm dâu của chị quả là chẳng giống ai.

 “Con cháu nhà họ nhưng chẳng thấy họ hỏi han, quan tâm lấy một câu. Vợ chồng, con cái mà cứ như người dưng”, chị tủi thân. Cuộc sống cứ như thế tới khi chồng lấy vợ mới, chị phẫn uất đâm đơn.

Sau khi hoàn thành thủ tục ly hôn, hiện mẹ con chị Yến vẫn ở nhờ nhà mẹ đẻ. Gia đình nghèo khó, mẹ chị Yến làm công nhân môi trường lương tháng được 1,5 triệu, bản thân chị đi làm công nhân, lương tháng cao lắm cũng chỉ được 2 triệu đồng. Có những tháng con ốm, chị phải nghỉ làm ở nhà chăm con, tiền lương chẳng đủ ăn. Chị chia sẻ, vì quá giận người chồng cũ bạc bẽo, chị không muốn nhận bất cứ sự hỗ trợ nào: “Tôi không muốn con mình liên hệ gì với anh ta, tôi nghèo cũng cố nuôi hai con tôi lớn khôn”. Vừa nói, chị vừa quệt vội nước mắt, chạy đi vo gạo nấu cơm cho hai đứa con.

Hai đứa con từ nhỏ đã chẳng được bố quan tâm chăm sóc, lớn lại thêm cảnh bố mẹ ly hôn, kiện tụng. Một người làng cho hay: “Bố con gặp nhau trên đường mà giống như người dưng. Trẻ con thì nào có tội tình gì?”.

Vòng luẩn quẩn oán hờn

Nhà anh Mưu chỉ cách nhà vợ cũ vài nhà, đứng ở nhà này nói chuyện lớn tiếng, nhà kia cũng nghe thấy. Căn nhà khang trang, rộng rãi đối lập hoàn toàn với vẻ lụp xụp, bừa bộn của  nhà vợ cũ.

Anh Mưu đi làm, chỉ có bố mẹ tiếp chuyện khách. Người mẹ nói: “Không phải chúng tôi không quan tâm tới con cháu. Có mua đồ, thức ăn mang sang cho, mẹ nó cũng trả lại”.

Theo lời bố mẹ chồng cũ, nhà chồng không đuổi chị Yến đi mà do chị cãi vã với chồng, rồi tự ý bỏ về. Cũng không có chuyện nhà chồng bắt chị bỏ cái thai: “Chúng tôi quý người, chứ đâu làm chuyện thất đức như thế…”. Bà mẹ tiếp lời: “Phận làm dâu nhưng nó hỗn hào, láo cả với chồng và bố mẹ chồng, nhiều lần dạy bảo không được, chồng nó đánh rồi to tiếng. Nó đùng đùng bỏ về nhà ngoại, đến đón cũng không chịu về, chúng tôi biết làm thế nào?”.

Khi được hỏi tại sao chưa ly hôn với chị Yến mà gia đình đã cưới vợ mới cho con trai, bố anh Mưu thản nhiên: “Đón mãi, vợ nó không chịu về, thì tôi phải cưới vợ khác cho con trai tôi chứ?”.

Anh Mưu hiện đã hết án phạt cải tạo tại địa phương, giờ đang đi làm công nhân tại một công ty gần nhà, đã có hai đứa con với người vợ mới.

Vòng luẩn quẩn oán hờn, giận dỗi, đổ lỗi cho nhau này đến bao giờ mới chấm dứt, khi sự thiệt thòi lớn nhất dội xuống đầu những đứa trẻ? Bà  Nguyễn Thị Thường, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Chương Mỹ cho rằng, trong vụ việc này, chị Yến đã quá “khí khái” khi từ chối mọi sự chu cấp cho con từ gia đình chồng.

“Đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của người chồng sau khi ly hôn, được luật quy định, chứ không phải chuyện vợ chồng tự thỏa thuận là được. Nhiều chị em chấp nhận nuôi con một mình sau khi ly hôn vì tâm lý “ghét nhau ghét cả đường đi lối về”, một khi đã bị chồng phản bội, họ thường không muốn có bất cứ mối liên hệ nào. Điều này rất không nên, vì như thế, chính chị em tự làm mất đi quyền lợi chính đáng của mình và các con”, bà Thường nói.

Đặt trường hợp nếu chị Yến yêu cầu cấp dưỡng cho con mà người chồng vẫn không đáp ứng, vị Chủ tịch Hội phụ nữ huyện cho biết sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi của chị và những đứa trẻ, thậm chí “lôi cổ” ra tòa án một lần nữa.   

Trang Chi

Đọc thêm