“Có bố không có con”
Nội dung vụ án: Vào khoảng 23h ngày 14/7/2019, Lò Văn Dục (SN 1982, trú tại bản Nậm Bon 2, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) về nhà bố mẹ đẻ ở cùng bản trong tình trạng say rượu. Dục cầm con dao nhọn, gọi mẹ là bà Vàng Thị Huệ mở cửa, nhưng bà không mở. Ông Lò Văn Chang (SN 1963) là bố đẻ do ngủ say nên không biết.
Dục vào nhà bếp chửi bới 1 lúc rồi bỏ đi. Bà Huệ lo sợ con trai hành hung mình nên bế cháu sang ngủ nhờ nhà con gái.
Đến khoảng 2h sáng Lò Văn Chang đi vệ sinh thì thấy con trai đang ngồi dưới nền bếp, đầu gục xuống, dưới đất ngay cạnh bên phải Dục có một con dao nhọn. Người bố nói: Uống rượu say không đi ngủ đi, ngồi đấy làm gì. Dục ngẩng đầu lên: Còn nói tôi đi ngủ à, tôi cho ông già chết bây giờ.
Bực tức vì trước đây con trai đã nhiều lần uống rượu say về nhà chửi bới đe dọa, đập phá tài sản của gia đình. Lò Văn Chang đi về phía sau nhà lấy một đoạn gỗ có đầu nhọn rồi nói: Có bố không có con, giỏi thì vào đây. Dục cầm con dao đứng đậy di về phía bố. Chang dùng gậy gỗ vụt 3 phát vào đầu, sau đó dùng 1 chiếc búa có lưỡi bằng kim loại đập thêm 1 phát vào đầu con trai. Hậu quả làm Lò Văn Dục bị tử vong tại chỗ, do chấn thương sọ não kín. Lò Văn Chang bị truy tối tội Giết người.
Sau khi sự việc xảy ra, Vàng Thị Huệ (SN 1964) viết một lá đơn gửi tới các cơ quan tố tụng khẩn thiết xin khoan hồng cho chồng mình.
Người phụ nữ dân tộc thiểu số đau xót bày tỏ: Vụ án tại nhà tôi là một bi kịch mà tôi là người phải gánh chịu những đau thương mất mát: Con trai tôi bị chết và chồng tôi đang phải chịu tội giết người. Sự việc xảy ra bắt nguồn từ sự ức chế kích động về tâm lý của chồng tôi trước việc con trai tôi trong suốt quá trình sinh sống đã có những hành vi bất hiếu ngược đãi vợ chồng tôi và các em trong gia đình.
Theo trình bày của người mẹ, Lò Văn Dục là con lớn của vợ chồng bà. Năm 2007 Dục lập gia đình, vợ chồng bà chia cho con ruộng nương và trâu, gà, lợn để làm vốn. Tuy nhiên, với bản tính chơi bời lại nghiện rượu nên người đàn ông này đã bán hết tài sản và thường xuyên về nhà bố mẹ xin tiền. Nếu không được đáp ứng, Dục sẽ đập phá đồ đạc, dọa giết bố mẹ và các em.
Không chịu được người chồng bê tha, người vợ đầu đã bỏ đi. Người vợ thứ hai sau đó cũng bỏ về nhà bố mẹ đẻ, để lại đứa con gái hai tuổi cho vợ chồng bà Huệ nuôi dưỡng.
Bà mẹ kể: Trong suốt những năm tháng qua vợ chồng tôi đã phải sống trong nỗi sợ hãi trước những hành động của Dục gây ra. Bà lấy dẫn chứng: Năm 2018 sau say rượu đập hết bát đĩa trong nhà Dục cầm dao dọa giết em gái. Người em trốn trong nhà thì Dục cầm dao đập vỡ cửa sổ. Hàng xóm không ai dám căn ngăn phải gọi công an xã đến khống chế.
Lần khác hai vợ chồng bà đi hái chè ở nương, biết con trai điện thoại để xin tiền nên không nghe máy. Khi về, bé gái con Dục sợ hãi kể: Bố cháu mua rượu về trước cửa nhà uống, chờ ông bà về thì bố cháu giết ông bà. Bố cháu còn cầm một con dao nữa. Một lần khác, bà Huệ đang rửa bát thì con trai bà cầm dao xông đến, người mẹ may mắn tránh được nên con dao đâm thẳng vào bao phân vi sinh.
Buổi đêm xảy ra sự việc, thấy con trai say xỉn lại cầm dao, người mẹ sợ quá không dám mở cửa mà bế cháu sang nhà con gái ngủ nhờ. Bà không ngờ ở nhà, chồng bà và con trai bà đã xảy ra chuyện. Người đàn bà này khẩn khoản: Tôi đề nghị cơ quan pháp luật xem xét lại truy tố tội giết người là quá nặng và xin khoan hồng giảm nhẹ nhất hình phạt cho chồng tôi.
Có Giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh hay không?
Cáo trạng của VKS tỉnh Lai Châu nhận định: Theo lời khai của bị can, nguyên nhân dẫn đến việc bị can cố tình giết chết con đẻ của mình là do Lo Văn Dục hay say rượu về nhà chửi bới bố mẹ, đập phá tài sản của gia đình. Khi thấy con say rượu không chịu đi ngủ lại dọa giết mình, bị can tinh thần bị kích động đã nảy sinh ý định giết con trai. Tuy nhiên vào thời điểm bị can giết Dục, Dục đang trong tình trạng khó có thể gây hại cho bị can, chưa có hành động tấn công gì vào bị can, chưa đến mức làm bị can mất kiểm soát về hành vi của mình, do đó hành vi phạm tội của bị can không thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Từ đó Viện kiểm Sát, truy tố Lò Văn Chang tội giết người.
Tại Tòa, luật sư trợ giúp pháp lý cho bị cáo nêu quan điểm: Nội dung vụ án chưa được làm rõ tình trạng tinh thần kích động mạnh của bị cáo Lò Văn Chang trong suốt quá trình trước khi xảy ra vụ án mà chỉ tập trung chủ yếu vào diễn biến hành vi phạm tội ngày xảy ra vụ án là chưa khách quan, toàn diện.
Bị cáo là cha đẻ, nuôi dạy và lo cho con trai từ khi sinh ra đến khi trưởng thành lập gia đình. Bị cáo bức xúc đến mức phải đánh chết con trai thì cũng cần thiết phải làm rõ nguyên nhân, trạng thái tâm lý, lỗi của người bị hại để từ đó mới có thể đánh giá đúng bản chất hành vi phạm tội, xử lý tương ứng theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, hành vi trái pháp luật của anh Lò Văn Dục có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài. Đến thời điểm xảy ra vụ án thì hành vi trái pháp luật của Lò Văn Dục lại tiếp diễn làm cho Bị cáo bị kích động không tự kiềm chế được. Nếu tách riêng sự kích động riêng lẻ này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc từ suốt những năm tháng trước đó, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.
Từ những căn cứ trên, luật sư đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét thay đổi tội danh đối với bị cáo Lò Văn Chang từ tội Giết người sang tội Giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh.
Ngày 7/5 vụ án được đưa ra xét xử. Đồng quan điểm với VKS, HĐXX TAND tỉnh Lai Châu xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo đã cấu thành tội Giết người. Tuy nhiên, HĐXX đã đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo để từ đó lượng hình phù hợp. Mức án 9 năm tù đã phần nào thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với người cha bất hạnh này.