Vụ ăn chặn tiền hỗ trợ xăng dầu ngư dân ở xã Hoàng Động (Thủy Nguyên): Hậu quả từ sự thiếu công khai, minh bạch (Kỳ 1)

Thực hiện chương trình 289CP, xã Hoàng Động có 47 hộ ngư dân (đợt 1) và 46 hộ (đợt 2) được hỗ trợ xăng dầu. Rất tiếc, do chưa công khai, minh bạch,  quản lý không chặt,  nảy sinh nhiều sai phạm.

Thiếu thông tin, người dân bị lợi dụng

 

Không hiểu rõ chương trình, người dân chỉ biết sẽ có tiền hỗ trợ, nên đồng ý trích % để được nhận một cách thuận lợi nhất. Chỉ khi tỷ lệ % phải trích ra vượt mức thỏa thuận,  “tức nước vỡ bờ”, người dân mới  kiến nghị.

 

Bà Vũ Thị Nghệ (đại diện gia đình anh Nguyễn Duy Bảo có tàu 45 mã lực) ở xóm 4, thôn Lôi Động cho biết, tại cuộc họp với sự tham gia của các hộ có tàu công suất 40 mã lực trở lên (26 hộ), ông Phạm Công Hạ, Trưởng công an xã sau khi phổ biến chính sách hỗ trợ, những thủ tục liên quan, hỏi mọi người “muốn lấy tiền ở ngân hàng hay ở UBND xã”. Nếu muốn lấy tiền ở UBND xã, mọi người phải góp chi phí phục vụ công tác lập hồ sơ, chuyển tiền về xã, bồi dưỡng cán bộ…Lúc đầu, dự kiến số tiền này là 150.000 đồng/hộ,  sau đó nâng lên 300.000 đồng/hộ. Cuộc họp có biên bản và người dân ký xác nhận tự nguyện đóng 300.000 đồng (nộp sau khi nhận được tiền hỗ trợ). Song thực tế, khi nhận được tiền hỗ trợ, số tiền mà mọi người “tự nguyện” phải nộp lên tới 2-3 triệu đồng/hộ cho cả hai đợt hỗ trợ.

 

Được biết, đợt 1, gia đình bà Nghệ chỉ nhận được 7,2 triệu đồng nhưng  phải “tình nguyện” nộp lại 1 triệu đồng. Sau khi nộp tiền, bà Nghệ và các hộ dân  ký vào danh sách “các hộ dân tự nguyện đóng kinh phí bồi dưỡng cho công tác lập hồ sơ nhận hỗ trợ”. Số tiền “tự nguyện” được thu ngay tại trụ sở UBND xã. Đợt 2, gia đình bà nhận 19.500.000 đồng và tiếp tục “tự nguyện” nộp lại 2 triệu đồng. Bà Nghệ thắc mắc, “đợt 2, không hiểu vì lý do gì mà anh Hạ không cho tôi ra nhận hộ, yêu cầu chủ tàu Nguyễn Duy Bảo là con trai tôi trực tiếp đến nhận tiền. Trước khi con trai tôi đi nhận tiền, tôi có nói với cháu là “lần trước đã mất tiền nên lần này không phải đưa nữa”. Vì thế khi cháu nhận tiền xong, về ngay. Anh Trần Hữu Phúc (xóm 4) gọi con tôi lại và bảo phải nộp lại 1 triệu đồng. Sau đó, ông Vũ Văn Sửu (xóm 4) nói trường hợp như của con tôi và một số trường hợp khác phải mất 2 triệu đồng và yêu cầu cháu nộp thêm 1 triệu đồng nữa cho ông Sửu. Sau đó, anh Hạ đến vỗ vai con trai tôi và bảo “em ơi tình nguyện nhé!”.

 

Các hộ có tàu công suất nhỏ (từ 40CV trở xuống) cũng phải “tình nguyện” nộp số tiền không ít hơn các trường hợp có tàu trên 40 mã lực. Ông Nguyễn Duy Hinh (xóm 4) có tàu 13 mã lực cho biết, “Khi địa phương triển khai chính sách hỗ trợ dầu cho ngư dân, anh Nguyễn Duy Ba đứng ra tập trung các hộ có tàu công suất dưới 40 mã lực, hướng dẫn “cách làm thủ tục” để được nhận tiền hỗ trợ. Một số hộ không có đầy đủ giấy tờ, nên đồng ý với phương án anh Ba đưa ra. Hoặc là mỗi người góp 3 triệu đồng trước hoặc anh Ba cùng một số người khác sẽ đứng ra lo hộ, rồi khi nhận tiền mọi người trích lại 40% số tiền hỗ trợ (theo anh Ba số tiền chúng tôi sẽ được nhận là 20 triệu đồng). Do không có tiền nộp trước, chúng tôi đồng ý trích lại 40% số tiền hỗ trợ sẽ nhận được (còn lại 12 triệu đồng). Thế nhưng số tiền chúng tôi nhận được chỉ bằng một nửa (đối với các tàu 10 -15 mã lực) và một phần tư (đối với các tàu dưới 10 mã lực) so với số tiền anh Ba công bố trước đó. Trong khi đó, số tiền chúng tôi phải nộp lại gần bằng nửa tổng số tiền hỗ trợ được nhận”.

 

Địa phương không hay biết ?

 

Ông Đoàn Công Hoằng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Động cam đoan, địa phương triển khai chính sách này đúng quy trình, không hề sai phạm. Còn việc thu tiền của dân là do một số người đứng ra, địa phương không hay biết?!. Chỉ khi UBND xã nhận được đơn kiến nghị của người dân, chính quyền địa phương mới hay. Ông Hoằng giải trình thêm, trong thời gian trả tiền hỗ trợ ngư dân, ông bị tai nạn, nghỉ ở nhà nên bàn giao công việc cho ông Hạ, Trưởng công an xã phụ trách việc nhận, xét hồ sơ hỗ trợ.

 

Ông Hoằng khẳng định: Việc thu tiền này vi phạm luật. Vì vậy, khi có đơn kiến nghị của nhân dân, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy vào cuộc, Đảng ủy xã chỉ đạo, thành lập tổ công tác tiến hành xác minh sự việc. Đúng là có việc tổ chức thu tiền của ngư dân được hỗ trợ. Mức tiền các gia đình nộp lại khác nhau. Đây là nguyên nhân khiến ngư dân có đơn kiến nghị. Anh Nguyễn Duy Ba và anh Vũ Quốc Đành (xóm 4, Lôi Động) cũng thuộc diện được nhận hỗ trợ, đứng ra thu tiền của các hộ. Trong đó, anh Vũ Quốc Đành thu tiền tổng cộng 17.500.000 đồng, anh Nguyễn Duy Ba khoảng 23 triệu đồng. UBND xã đã mời anh Ba và anh Đành lên làm việc và hai người cam kết trả lại số tiền cho dân, đa số hộ dân đã nhận lại tiền.

 

Theo giải thích của ông Hoằng, trong cuộc họp triển khai hỗ trợ các hộ dân, tự nguyện đóng góp 300 nghìn đồng để chi bồi dưỡng phục vụ nước uống, thuê xe vận chuyển tiền, bảo vệ…(không hiểu vì lý do gì chỉ có 24 hộ dân (có tàu từ 40 mã lực trở lên) tham dự cuộc họp này trong khi số hộ được nhận hỗ trợ đợt 1 là 47 trường hợp). Với những hộ phải nộp khoản tiền lớn, theo ông Hoằng có thể do một số hộ có tàu nhưng  chưa đầy đủ giấy tờ liên quan nên đồng ý tự nguyện nộp số tiền để anh Ba, anh Đành hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục. Việc lo thủ tục ra sao là do người dân tự thực hiện. Trên thực tế, các hộ nộp hồ sơ, địa phương làm đúng theo quyết định và xét đúng, các hồ sơ nộp lên xã đều hợp lệ. Xã Hoàng Động còn được huyện Thủy Nguyên đánh giá là địa phương hoàn thiện các thủ tục và có số hồ sơ hợp lệ nhiều nhất.

           

NHÓM PV KT-XH

Đọc thêm