Vụ ăn chặn tiền hỗ trợ xăng dầu ngư dân ở xã Hoàng Động (Thủy Nguyên)- Hậu quả từ sự thiếu công khai, minh bạch (Kỳ cuối)

Nguyên nhân của sự việc “rõ mười mươi”này là lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, một số đối tượng bày trò “ăn chặn tiền” bằng cách đứng ra lo giấy tờ. Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm này không rõ ràng, gây bức xúc dư luận.

Xử lý xuê xoa

 

Theo phản ánh của nhiều hộ dân, việc thu tiền của  hai anh Nguyễn Duy Ba và Vũ Quốc Đành diễn ra ngay tại trụ sở UBND xã, có sự chứng kiến của Trưởng Công an xã Phạm Công Hạ và nhiều cán bộ khác. Bà Vũ Thị Nghệ cho biết: “Hôm dân nhận tiền hỗ trợ, một bên là cán bộ ngân hàng làm nhiệm vụ, một bên là anh Ba, anh Đành ngồi thu tiền (có cả biên bản cho người dân ký nhận) và ngồi cách không xa đó là ông Hạ - trưởng công an xã. Chính ông Hạ còn đưa bút cho chúng tôi ký vào danh sách các hộ đóng tiền tự nguyện, anh Đành thu tiền còn anh Ba cầm danh sách”. Sự việc diễn ra ngay giữa “thanh thiên bạch nhật” như vậy, nhưng cán bộ địa phương “không hề hay biết” như khẳng định của ông Chủ tịch UBND xã Hoàng Động?

 

Việc thu tiền của các hộ dân đã sai, song cách UBND xã Hoàng Động yêu cầu anh Ba, anh Đành trả tiền lại cho các hộ dân là hình thức giải quyết theo kiểu “giơ cao, đánh khẽ”, không giám sát, kiểm tra khiến sự việc phức tạp thêm, dẫn đến sai phạm nối tiếp sai phạm. Thay vì tổ chức mời các hộ dân ra trụ sở UBND để nhận lại tiền, chính quyền địa phương lại bật đèn xanh để anh Ba, anh Đành mang tiền đến từng gia đình trả. Theo giải trình của anh Ba và anh Đành, các hộ dân nhận lại tiền và ký nhận. Nhưng trên thực tế, còn gần 20 hộ ngư dân ở xã Hoàng Động khẳng định chưa được nhận lại số tiền họ đưa cho anh Ba và anh Đành. Ông Nguyễn Duy Liệp (xóm 4, Lôi Động) cho biết, thay vì trả tiền cho các hộ dân, anh Ba, anh Đành và một số người vào tận các gia đình đề nghị mọi người ký vào bản danh sách “tự nguyện nộp tiền” với lí do “cứ ký nhận sẽ được hỗ trợ tiếp với số tiền đủ theo quy định và nhận lại cả số tiền tự nguyện đã đóng”. Riêng 3 gia đình ông Hinh, anh Bảo, anh Điệp không thấy ai đến yêu cầu ký nhận danh sách tự nguyện. Sau đó, UBND xã mời gia đình anh Bảo và anh Điệp đến nhận lại tiền nhưng các gia đình này không đồng ý nhận lại vì chưa rõ mức độ sai phạm và việc xử lý sai phạm của UBND xã. Theo anh Nguyễn Văn Cường (xóm 4), với những gia đình không ký nhận còn bị một số đối tượng đến có hành vi đe dọa, đồng thời yêu cầu gia đình anh ký số tiền đóng tự nguyện càng ít càng tốt (từ 300.000 đồng trở xuống). Nhưng anh Cường không chịu và ghi đủ số tiền anh “phải” tự nguyện đóng là 1,5 triệu đồng.

 

Cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng

 

Nhiều gia đình bức xúc và yêu cầu UBND xã tiếp tục làm rõ ai cho phép anh Ba, anh Đành thu tiền và tiền thu được đưa cho ai, chi vào mục đích gì? Khi được mời ra nhận lại số tiền “bị” “tự nguyện”, ông Nguyễn Duy Hiền (đại diện hộ anh Vũ Duy Điệp) bức xúc cho rằng: “Tôi sẽ không nhận lại tiền một cách đơn giản như thế. Nhiều hộ cũng chưa nhận được tiền trả lại, tại sao giờ chỉ có 2 gia đình chúng tôi được mời ra nhận?. Chúng tôi chỉ nhận khi nào có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng, cơ quan thông tấn báo chí và quan trọng là được giải thích rõ ràng. Thu tiền một cách sai phạm, bây giờ lại mời chúng tôi nhận tiền “lén lút” như thế khác gì bảo chúng tôi cổ xúy cho những việc làm sai trái. Bên cạnh đó, UBND xã chưa tìm hiểu cụ thể số tiền anh Ba, anh Đành đã thu của các gia đình, bởi chỉ cần làm phép tính đơn giản, nếu trung bình mỗi gia đình phải nộp 1 triệu đồng, thì số tiền anh Ba, anh Đành thu của 46 hộ đã là  46 triệu đồng”.

 

Việc Chính phủ quyết định hỗ trợ ngư dân thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với ngư dân nói riêng và nhân dân nói chung nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Trách nhiệm của chính quyền cơ sở, địa phương là tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân, xét duyệt các trường hợp được hỗ trợ từ cơ sở. Như thế, ngư dân được thông tin đầy đủ, đồng thời tránh bỏ sót cũng như khai khống những trường hợp không có tàu thuyền được nhận hỗ trợ. Các mức hỗ trợ cụ thể cần địa phương công khai để nhân dân biết, tránh sự so bì, khiếu kiện không đáng có. Khi xảy ra sai sót, địa phương tích cực vào cuộc, tổ chức đoàn công tác, đến từng hộ gia đình thu nhận thông tin về số tiền được nhận. Sai phạm đã rõ ràng, việc UBND xã Hoàng Động chưa họp bàn, xem xét hình thức xử lý kỷ luật  những trường hợp vi phạm và công khai hình thức xử lý để nhân dân được biết càng làm cho vụ việc rối thêm, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng huyện Thủy Nguyên để làm rõ sự việc, củng cố lòng tin của nhân dân.

 

Nhóm PVKTXH

Đọc thêm