Vụ án của những “kỷ lục” buồn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm qua (5/3), tại TP HCM, đại án Cty Vạn Thịnh Phát với bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác đã chính thức được đưa ra xét xử.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. (Ảnh: Báo tuổi trẻ).
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. (Ảnh: Báo tuổi trẻ).

Đây là vụ án “xô đổ” “kỷ lục” của tất cả các vụ án tham nhũng, tiêu cực từng được phát hiện từ trước đến nay: Điển hình về thiệt hại do các bị cáo gây ra (cả về vĩ mô, lẫn vi mô); về số tiền đưa hối lộ, về việc vô hiệu hóa chức năng của đoàn thanh tra giám sát; về thời gian xét xử.... Người quan tâm có thể liệt kê hàng tá “kỷ lục” khác.

Cũng từ vụ án này, chúng ta bắt đầu cảnh giác với những mỹ từ từng được coi là “thời thượng” như “hệ sinh thái”. Trong vụ án này, “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” có đến hàng ngàn Cty con. Tuy không nắm chức vụ gì nhưng bị cáo Trương Mỹ Lan sở hữu đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB; qua đó nắm quyền lực tuyệt đối chi phối lũng đoạn SCB. Nhiều hệ lụy còn phải giải quyết trong thời gian sau này.

Câu hỏi quan trọng hơn mà dư luận đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước, là làm sao đề ngăn chặn các vụ án tương tự như Vạn Thịnh Phát, SCB trong tương lai? Đây cũng là bài học quan trọng cần thấu triệt, từ đó có những chính sách, xây dựng lực lượng thanh tra, giám sát liêm chính.

Cách đây gần 20 năm, chúng ta đã bắt đầu nói nhiều đến “sở hữu chéo”. Trong quá khứ, đầy rẫy những bài học từ “sở hữu chéo”, đặc biệt trong hoạt động ngân hàng thương mại. Đáng tiếc, một số sự “sở hữu chéo” ngày càng tinh vi. Sau khi xảy ra vụ SCB, tại diễn đàn Kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XV), nhiều đại biểu tiếp tục lên tiếng, cho rằng việc “sở hữu chéo”, chi phối và thao túng ngân hàng ngày càng phức tạp. Làm sao xây dựng được khuôn khổ pháp lý để hạn chế, kiểm soát, đẩy lùi thực trạng một số cá nhân, tổ chức (hay còn gọi với tên mỹ miều là “ông bầu” hay các “madam”) chi phối hoạt động của ngân hàng?

Cũng ở Kỳ họp trên, tại phiên thảo luận chiều 23/11/2023, về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, phải sớm chấm dứt “sở hữu chéo”, thao túng, chi phối ngân hàng, vì đây là vấn đề rất quan trọng. Rất nhiều bài học lớn đã có. Cùng với việc Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), chúng ta còn phải tiếp tục nghiên cứu thực tế, rút kinh nghiệm trong quá khứ, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để làm sao công tác thanh tra giám sát nói chung và thanh tra giám sát trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói riêng ngày càng phải chặt chẽ, nghiêm túc hơn, không có kẽ hở cho những đối tượng tham lam lợi dụng.

Đọc thêm