Vụ án liên quan cựu Bí thư Thị xã Bến Cát: 3/3 yêu cầu giám định của Công an Bình Dương đều bị từ chối

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau hơn 5 tháng tạm đình chỉ điều tra, ngày 18/3/2024, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương (CQĐT) có Quyết định 969/QĐ-CSKT(P4) phục hồi điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và Quyết định phục hồi điều tra bị can với 7 người; ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, cựu Bí thư TX Bến Cát, người mua đất trong vụ án) tiếp tục có đơn yêu cầu đình chỉ điều tra vụ án vì cho rằng ông bị oan trong vụ án đã kéo dài hơn 7 năm.
Ông Khanh tiếp tục gửi đơn kêu oan, đề nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với ông. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)
Ông Khanh tiếp tục gửi đơn kêu oan, đề nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với ông. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)

Ngân hàng Nhà nước không giám định một số yêu cầu của Công an Bình Dương

Trước đó, ngày 4/10/2023, CQĐT Công an Bình Dương tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can với lý do: Đã hết thời hạn điều tra mà chưa có kết quả giám định.

Theo Thông báo kết luận giám định số 1067/TB-CSKT(Đ4) của Công an Bình Dương, thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Bình Dương (NHNN CNBD) không thực hiện giám định với cả 3 nội dung yêu cầu của Công an Bình Dương.

Công an Bình Dương yêu cầu giám định: Trình tự thủ tục xử lý tài sản bảo đảm do BIDV Tây Sài Gòn thực hiện năm 2012, 2013, 2015 có đúng quy định pháp luật và quy định của NHNN ban hành có hiệu lực cùng thời điểm hay không? Căn cứ pháp lý cụ thể nào? Việc BIDV Tây Sài Gòn đồng ý cho cụ Hồ Thị Hiệp nhận 4,388 tỷ đồng tiền từ xử lý tài sản bảo đảm trong khi bên vay đang nợ và không có khả năng trả nợ, là có đúng quy định về xử lý tài sản bảo đảm hay không? Căn cứ pháp lý cụ thể nào?

NHNN CNBD trả lời quy định nội bộ của BIDV không thuộc quy chuẩn chuyên môn được áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng của NHNN. Do đó, Tổ giám định của NHNN CNBD không thực hiện giám định với 2 nội dung trên.

Công an Bình Dương yêu cầu giám định: Xác định thiệt hại của Nhà nước theo tỉ lệ sở hữu vốn đầu tư tại BIDV các năm 2012, 2014, 2015 trên số thiệt hại với các lần xử lý tài sản bảo đảm theo giá trị của Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng là bao nhiêu?

Cả 3 nội dung yêu cầu giám định của Công an Bình Dương đều bị NHNN CNBD từ chối giám định.

Cả 3 nội dung yêu cầu giám định của Công an Bình Dương đều bị NHNN CNBD từ chối giám định.

NHNN CNBD xác định yêu cầu này vượt quá phạm vi chuyên môn, khả năng nghiệp vụ; là nội dung pháp lý thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết vụ án. Do đó, Tổ giám định không thực hiện giám định nội dung này.

Dù cả 3 nội dung yêu cầu giám định của Công an Bình Dương đều bị NHNN CNBD từ chối giám định, nhưng trong Quyết định 969/QĐ-CSKT(P4) phục hồi điều tra, vẫn ghi “căn cứ Kết luận giám định số 252/KLGĐ-BDU3 ngày 20/2/2024 của NHNN CNBD”.

Ông Nguyễn Hồng Khanh tiếp tục kêu oan

Theo hồ sơ, năm 1997, cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1945) và con gái Nguyễn Hiệp Hảo (đang định cư tại Mỹ) được cấp sổ đỏ 23,5ha đất nông nghiệp tại ấp Lồ Ô, xã An Tây, TX Bến Cát (trong đó bà Hảo có 9,7ha).

Từ 2005 - 2008, cụ Hiệp dùng 2 pháp nhân vay tiền của BIDV và thế chấp toàn bộ quyền sử dụng đất (QSDĐ) (cả của mình và bà Hảo - NV) làm tài sản bảo đảm.

Năm 2011, cụ Hiệp mất khả năng trả nợ. BIDV xác định số nợ là 96,8 tỷ. BIDV sử dụng trích lập dự phòng để xử lý rủi ro, đưa ra ngoại bảng.

Năm 2012, thông qua môi giới, ông Khanh với tư cách người đi mua đất, biết cụ Hiệp rao bán đất nên đến hỏi mua. Hai bên thống nhất diện tích, giá mua bán, phương thức trả tiền. Biết đất đang thế chấp ngân hàng, ông Khanh yêu cầu phải có sự đồng ý của ngân hàng cho phép bán.

Cụ Hiệp làm đơn, gửi BIDV Tây Sài Gòn xin bán đất; người mua là ông Khanh; xin giữ lại một phần tiền mặt để “tái sản xuất, có điều kiện trả nợ cho ngân hàng một cách bền vững”. Ông Nguyễn Quang Lộc (được giao xử lý nợ xấu) lập tờ trình. Ông Nguyễn Huy Hùng (khi đó là Giám đốc chi nhánh) đồng ý. Trong các lần bán đất năm 2013, 2015, ông Lộc có khảo sát giá, có đăng báo công khai, có định giá trước khi đồng ý cho cụ Hiệp bán đất.

Sau đó, cụ Hiệp đưa cho ông Khanh thỏa thuận 3 bên có yêu cầu đặt cọc; trong đó diện tích đất, giá mua bán, phương thức thanh toán giống như thỏa thuận, có chữ ký của ngân hàng. Ông Khanh thấy ngân hàng đồng ý cho bán nên ký và đặt cọc. Cụ Hiệp thực hiện các bước xóa thế chấp, tách thửa, cấp sổ đỏ mới, sau đó ký công chứng mua bán với phía ông Khanh.

Vụ án đã kéo dài 7 năm và Công an Bình Dương tiếp tục phục hồi điều tra.

Vụ án đã kéo dài 7 năm và Công an Bình Dương tiếp tục phục hồi điều tra.

CQĐT cho rằng ông Hùng, ông Lộc “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Ông Khanh, ngân hàng, cụ Hiệp ký thỏa thuận 3 bên, trong đó có phương thức thanh toán trả tiền mặt cho cụ Hiệp là vi phạm; ông Khanh biết việc thanh toán này là vi phạm nhưng vẫn làm nên bị cáo buộc giúp sức.

Năm 2020, TAND Bình Dương xử sơ thẩm tuyên ông Hùng 12 năm tù, ông Lộc 11 năm tù, ông Khanh 10 năm tù. Năm 2021, TAND cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên hủy án, điều tra lại.

Trong đơn kêu oan mới đây, ông Khanh cho rằng: Bản án phúc thẩm năm 2021 của TAND cấp cao tại TP HCM nhận định: “Trong quá trình giải quyết vụ án này cấp sơ thẩm đã có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, việc đánh giá chứng cứ còn phiến diện và thiếu cơ sở. Nội dung nhận định và quyết định có nhiều mâu thuẫn và không được bảo đảm theo đúng quy định pháp luật”.

“Hơn 7 năm qua, cơ quan tố tụng Bình Dương nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau gần 3 năm điều tra lại, cơ quan tố tụng Bình Dương vẫn không tìm ra được chứng cứ hay cơ sở gì để buộc tội tôi”.

“Gia đình tôi đã bị vụ án oan này giày vò suốt 7 năm nay, tôi bị mất việc làm, mất uy tín danh dự. Vợ tôi là bác sĩ phải làm việc gồng gánh cho cả gia đình, sức cùng lực kiệt. Các con tôi mặc cảm, khủng hoảng tâm lý, một cháu vì không chịu được áp lực tâm lý việc cha bị khởi tố nên đã cắt động mạch ở tay tự vẫn, may là được phát hiện cứu chữa kịp thời. Nếu vụ án oan của tôi không sớm được giải quyết, chưa biết sẽ dẫn đến những hệ lụy nào tiếp theo, nguy cơ đẩy gia đình tôi vào đường cùng”, ông Khanh chia sẻ và đề nghị sớm được đình chỉ điều tra bị can.

Đọc thêm