Sự im lặng bất thường của CQĐT
Chị Võ Thị Tâm (SN 1988) là vợ của nạn nhân Nguyễn Bình Nhất Phương (SN 1988, ngụ huyện Phù Mỹ) bị tử vong do các đối tượng Huỳnh Hiệp Xuyên (tên gọi khác Xuyên bụi, SN 1983, ngụ xã Mỹ Châu), Thái Hoàng Nhật (SN 1994), Nguyễn Hồng Quân (SN 1992, cùng ngụ huyện Phù Mỹ) truy đuổi, phản ánh sự bất thường của CQĐT và VKSND tỉnh Bình Định trong quá trình điều tra lại vụ án xảy ra vào năm 2017.
Như PLVN đã phản ánh, trước đây nhóm anh Phương và nhóm Xuyên, Nhật và Quân xảy ra mâu thuẫn. Rạng sáng ngày 17/6/2017, sau quá trình đuổi nhau qua lại, anh Phương bị nhóm Xuyên, Nhật và Quân dùng xe máy nẹt pô, sử dụng hung khí truy đuổi trên QL1A với tốc độ cao dẫn đến anh Phương bị tai nạn tử vong tại đèo Phú Cũ thuộc huyện Hoài Nhơn (Bình Định).
Tháng 3/2019, Xuyên, Nhật và Quân bị TAND tỉnh Bình Định tuyên án về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Ngày 31/7/2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm đã hủy án, trả hồ sơ điều tra lại với các dấu hiệu của tội “Giết người”.
Theo chị Tâm, từ ngày 31/7/2019 đến nay là 13 tháng nhưng gia đình chị không nhận được giấy mời làm việc, không được nhận bất cứ hồ sơ, văn bản nào của CQĐT Công an tỉnh Bình Định.
“Gia đình tôi không rõ CQĐT vẫn giữ nguyên tội danh cũ hay đã khởi tố tội “Giết người” như TAND Cấp cao đề nghị. Tháng 6/2020, tôi có làm đơn khiếu nại việc xử lý vụ án đến CQĐT, VKS tỉnh Bình Định. CQĐT trả lời chung chung rằng “đang tiến hành điều tra vụ án nêu trên, theo quy định của pháp luật. Khi nào có kết luận điều tra sẽ thông báo cho biết”, chị Tâm phản ánh.
LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM), người bảo vệ cho gia đình nạn nhân ở hai phiên tòa trước nói: “Có sự bất thường tại CQĐT Công an tỉnh Bình Định. Trường hợp giữ nguyên tội “Gây rối trật tự công cộng” thì đến nay, căn cứ Điều 172 BLTTHS thì thời hạn điều tra đã hết. Thời hạn điều tra trong trường hợp này là không quá 9 tháng (tính cả các lần gia hạn). Trường hợp khởi tố tội “Giết người” thì thời hạn điều tra chưa hết. Nhưng khi đó, anh Phương là bị hại thì gia đình phải được tống đạt các quyết định như khởi tố, gia hạn điều tra…”.
Đối với tội “Giết người” thì Xuyên và Nhật không được phép tại ngoại. Vì cả hai đều có nhiều tiền án, tiền sự. Cụ thể Xuyên có 4 tiền án, tiền sự. Năm 2002, bị đưa đi cơ sở giáo dục 12 tháng tại Cơ sở giáo dục A1 - Phú Yên vì tham gia gây rối tại địa phương. Năm 2005, tham gia gây rối trật tự công cộng tại TP Quy Nhơn và bị TAND TP Quy Nhơn tuyên phạt 12 tháng tù. Năm 2010 bị đưa vào cơ sở giáo dục 24 tháng tại Cơ sở giáo dục A1 Phú Yên vì tham gia đánh nhau, gây rối tại địa phương. Năm 2017, bị UBND xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh - trật tự (ANTT) vì có hành vi đập phá tài sản của người khác.
Nhật có 2 tiền án, tiền sự. Năm 2012, bị Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT vì có hành vi: Dùng thủ đoạn buộc người khác đưa tiền”. Năm 2013, bị TAND huyện Phù Mỹ tuyên 2 năm 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”.
Ngoài ra, khi khởi tố tội “Giết người” thì gia đình nạn nhân Phương phải được mời làm việc để lấy lời khai về các yêu cầu dân sự, hình sự…
“Tiến trình điều tra, xử lý tội phạm thì phải thông báo cụ thể cho tất cả những người liên quan. Nhưng ở đây khi gia đình nạn nhân Phương có đơn khiếu nại, CQĐT chỉ trả lời chung chung là đang điều tra nhưng không rõ điều tra hành vi nào, đã đến giai đoạn nào, là bất thường”, LS Hiệp nói.
|
Sau 10 tháng bị hủy án, nhưng CQĐT im lặng, gia đình có đơn khiếu nại thì được trả lời chung chung “đang điều tra”. |
TAND Cấp cao từng nhận định gì về vụ án?
Trước đó, tại phiên phúc thẩm hủy án, trả hồ sơ điều tra lại với các dấu hiệu của tội “Giết người”, bị cáo Xuyên vẫn liên tục chối tội, không thừa nhận gây ra cái chết của anh Phương. Tuy nhiên, toà nhận định: “Căn cứ hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo thấy rằng bị cáo Xuyên ngay từ đầu đã có những lời khai không trung thực. Xuyên không thừa nhận cầm phảng và rủ Nhật, Quân đi đánh nhóm Phương là để trả thù”.
Căn cứ lời khai các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì toà xác định nhóm Xuyên, Nhật và Quân chạy xe máy pô nổ to, cầm phảng rượt đuổi nhóm Phương.
Thời điểm rượt đuổi là 4h sáng trên đoạn đường QL1A có độ dốc nghiêng. Quá trình rượt đuổi, nhóm Xuyên chạy với tốc độ cao, khoảng 70 – 80km/h. Trong quá trình truy đuổi, nhóm Xuyên có cầm theo hai cây phảng. Dù không thừa nhận nhưng có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Xuyên có hành vi giơ phảng lên doạ chém, hô “giết, giết, giết”.
Toà nhận định, hành vi cầm phảng rượt đuổi xe với tốc độ cao thì Xuyên, Nhật và Quân phải nhận thức được hành vi là rất nguy hiểm. Nhóm của anh Phương do hoảng sợ cũng phải điều khiển xe chạy tốc độ cao để tránh sự truy đuổi. Khi xe chở Phương gặp tai nạn thì các bị cáo bỏ mặc.
Với toàn bộ diễn biến của sự việc, cùng với hành vi nguy hiểm nêu trên, đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của Xuyên, Nhật và Quân là rất quyết liệt. Về mặt chủ quan, bị cáo Xuyên, Nhật và Quân không mong muốn nhưng có ý thức chấp nhận hậu quả chết người xảy ra. Và trên thực tế, khi thấy xe chở anh Phương bị tai nạn té ngã khi đi với tốc độ cao do xe mình rượt đuổi, nhóm Xuyên bỏ mặc, không đưa nạn nhân đi cấp cứu, hậu quả anh Phương chết.
Do đó, hành vi của bị cáo Xuyên, Nhật và Quân có dấu hiệu cấu thành tội “Giết người” với lỗi cố ý gián tiếp. CQĐT, xét xử sơ thẩm cho rằng hậu quả chết người không phải do nhóm của Xuyên, Nhật và Quân gây ra, mà do Phương tự té ngã và xử lý các bị cáo này tội “Gây rối trật tự công cộng” là không đúng pháp luật.
Ngoài ra, tại phiên phúc thẩm, VKS cũng nêu ra nhiều vi phạm tố tụng trong quá trình thu thập chứng cứ là tang vật vụ án là xe máy của bị cáo Xuyên. VKS cho rằng xe máy của Xuyên là tang vật vụ án nhưng CQĐT không tiến hành thu giữ theo quy định mà để cho Xuyên tẩu tán, bán cho người khác là vi phạm pháp luật.