Theo cáo trạng, Lan là Chủ tịch HĐQT Cty Vạn Thịnh Phát (VTP), nắm giữ 60% cổ phần. Lan còn thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Cty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), qua đó thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.
Khoảng tháng 8/2018, SCB ở trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ SCB của các Cty thuộc VTP gặp khó khăn. Kèm theo đó là tình hình nợ xấu kéo dài ở SCB. Do đó, Lan đã họp với nhóm cán bộ chủ chốt của SCB, VTP và TVSI để tìm cách tháo gỡ. Nhóm này đã chọn các Cty thuộc VTP để phát hành, tư vấn, chào bán trái phiếu DN riêng lẻ bất hợp pháp, huy động tiền từ người dân để trả nợ ngân hàng, đầu tư dự án và các mục đích cá nhân khác.
Từ 2018 - 2020, các nhân sự chủ chốt tại SCB, VTP và TVSI đã họp bàn, chọn và sử dụng Cty An Đông, Cty Sunny World, Cty Quang Thuận và Cty Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, không có tài sản bảo đảm với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu. Sau đó thực hiện thủ đoạn tạo dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho 8 Cty thuộc VTP mua toàn bộ số lượng trái phiếu của 4 Cty phát hành, bảo đảm điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư. Mục đích, bán trái phiếu rộng rãi cho hàng chục ngàn người dân để huy động tiền sử dụng vào mục đích khác nhau.
Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, Lan và đồng phạm đã huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (thứ cấp), thu về tổng số tiền 30.081 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
Ở tội “Rửa tiền”, theo cáo buộc, từ 1/1/2018 - 7/10/2022, Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 445.748 tỷ đồng thông qua tham ô tài sản của SCB và lừa đảo. Quá trình chiếm đoạt số tiền trên, Lan đã chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng số tiền tiền do phạm tội mà có.
Việc rút tiền mặt chủ yếu được thực hiện ở SCB Chi nhánh Sài Gòn. Theo đó, Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng (đã chết, Phó TGĐ SCB) để Hồng phối hợp với các bị can khác triển khai công việc rút tiền. Trong đó, Nguyễn Phương Anh (Phó TGĐ Cty SPG), lập danh sách các pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền. Bị can Thái Thị Thanh Thảo (cựu GĐ Phòng dịch vụ khách Wholesale, SCB Chi nhánh Sài Gòn) phối hợp với bị can Nguyễn Phương Anh triển khai thực hiện.
Phương Anh chỉ đạo các nhân viên kế toán tại các Cty “ma” lập các chứng từ ủy nhiệm chi, giấy rút tiền… rồi chuyển cho Thanh Thảo thông tin về các pháp nhân nhận tiền, cá nhân rút tiền, lập các chứng từ hoàn tất thủ tục rút tiền mặt. Sau đó, các cá nhân được thuê đến SCB ký chứng từ rút tiền.
Sau khi hoàn tất các thủ tục rút tiền, Thanh Thảo thông báo cho Trần Thị Thúy Ái (cựu kiểm soát viên ngân quỹ SCB Chi nhánh Sài Gòn), để xuất tiền mặt khỏi quỹ, giao cho Bùi Văn Dũng (lái xe của Lan) tại hầm B1, trụ sở SCB Chi nhánh Sài Gòn. Dũng vận chuyển tiền về tòa nhà Sherwood tại quận 3 giao cho bị can Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của Lan). Bà Uyên tiếp tục giao cho các cá nhân khác theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
Cũng có trường hợp, Dũng vận chuyển tiền về VTP giao cho trợ lý của em dâu Trương Mỹ Lan. Một số trường hợp ông Dũng trực tiếp chuyển tiền cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
Khi chưa cần sử dụng ngay tiền mặt, Lan chỉ đạo cấp dưới sử dụng các pháp nhân, cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền, chuyển tiền có nguồn gốc do phạm tội mà có, gọi là tài khoản chờ. Khi cần sử dụng, các bị can lập ra các phương án chuyển tiền lòng vòng giữa các tài khoản, cuối cùng đến tài khoản chỉ định để Lan sử dụng cho các mục đích cá nhân như rút tiền mặt chuyển cho người khác; chi thực hiện các dự án, chi trả nợ giữa các Cty, cá nhân trong VTP; trả cho ngân hàng khác hơn, chi trả các khoản vay tại SCB, trả gốc và lãi các gói trái phiếu, chuyển tiền ra nước ngoài hơn…
Lan và đồng phạm còn bị cáo buộc đã lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các Cty tại Việt Nam và Cty ở nước ngoài, thực hiện chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài tổng số tiền là 4,5 tỷ USD (tương đương hơn 106.730 tỷ đồng).
Kết quả điều tra chứng minh, Dũng đã nhận và vận chuyển hơn 108.000 tỷ đồng và 14.757 USD về tòa nhà Sherwood, trụ sở VTP hoặc giao cho một số cá nhân khác. Việc nhận và giao tiền đều được Dũng ghi chép trong sổ tay cá nhân. Hành vi của Dũng đã giúp bà Lan che giấu và hợp thức sử dụng số tiền 6.330 tỷ đồng do phạm tội mà có.