Kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát: Tòa án sẽ xử lý khối tài sản của 3 đồng phạm giúp sức đã chết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kết quả điều tra xác định, có 3 người là lãnh đạo của Cty Chứng khoán TVSI, Ngân hàng SCB, Cty SPG và Cty VIPD đồng phạm với Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hàng chục nghìn tỷ đồng và đều đã qua đời. Liên quan tới khối tài sản “khủng” của những người này, CQĐT chuyển Tòa án quyết định.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xử hồi tháng 4/2024. (Ảnh: Trần Tiến)
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xử hồi tháng 4/2024. (Ảnh: Trần Tiến)

Như PLVN đã phản ánh, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều tra giai đoạn 2 (KLĐT) vụ án xảy ra tại Cty Vạn Thịnh Phát, SCB và nhiều DN liên quan, đề nghị truy tố Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Cty Vạn Thịnh Phát) và 33 người khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Cựu Chủ tịch Cty Chứng khoán giúp chiếm đoạt hơn 30.081 tỷ đồng

Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 đã được TAND TP HCM đưa ra xét xử và phán quyết tại Bản án sơ thẩm 157/2024/HS-ST ngày 11/4/2024. HĐXX kiến nghị CQĐT tiếp tục điều tra, truy hồi dòng tiền nhằm xác định nghĩa vụ hoàn trả tài sản (nếu có) với Nguyễn Tiến Thành (cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Cty Chứng khoán TVSI), Nguyễn Phương Hồng (thành viên HĐQT, cựu Phó TGĐ Ngân hàng SCB, Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Ngọc Dương (cựu TGĐ Cty SPG và Cty VIPD).

Kết quả điều tra giai đoạn 2 xác định, tháng 8/2018, Lan họp với các lãnh đạo chủ chốt của SCB và Cty Chứng khoán TVSI để ra chủ trương sử dụng Cty An Đông và các Cty khác phát hành trái phiếu riêng lẻ, huy động tiền từ người dân để xử lý khó khăn tài chính cho SCB.

Thực hiện chủ trương của Lan, từ 2018 - 2020, các đối tượng có liên quan tại TVSI, SCB và Vạn Thịnh Phát đã sử dụng 4 Cty phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, không có tài sản bảo đảm.

Tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu không được sử dụng đúng mục đích, dẫn đến không có đủ nguồn tiền bảo đảm chi trả gốc và lãi đến hạn cho các trái chủ. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án, 4 Cty trên còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng của hơn 35.000 trái chủ không có khả năng thanh toán.

Trong số những người giúp sức cho bà chủ Vạn Thịnh Phát, C03 xác định Nguyễn Tiến Thành là người tiếp nhận chủ trương, bàn bạc với Lan và các nhân sự cấp cao của SCB, Vạn Thịnh Phát để lên phương án phát hành trái phiếu. Ông Thành trực tiếp ấn định thông tin, chỉ đạo điều hành các nhân viên Phòng dịch vụ ngân hàng, thuộc TVSI phía Nam thực hiện quy trình tư vấn, phát hành trái phiếu cho 4 Cty là An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra.

“Mặc dù ông Thành đã chết nhưng với kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ đã thu thập, có đủ căn cứ kết luận hành vi của Nguyễn Tiến Thành đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS với vai trò đồng phạm với Lan, nên liên đới trách nhiệm đối với số tiền hơn 30.081 tỷ đồng”, KLĐT nêu.

Để bảo đảm việc khắc phục hậu quả vụ án, CQĐT đã ngăn chặn giao dịch hơn 8,7 triệu cổ phần Cty Chứng khoán TVSI của ông Thành, ngăn chặn giao dịch tổng số dư gần 400 triệu đồng trong 2 tài khoản của ông Thành tại SCB.

Qua làm việc với người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Thành, người nhà đã có ý kiến đồng ý để CQĐT duy trì các biện pháp với tài sản nêu trên và chuyển cho Tòa án quyết định.

Ký chứng từ chuyển khống 3.900 tỷ đồng

Đối với ông Nguyễn Phương Hồng, KLĐT xác định, có hành vi đề xuất Lan sử dụng Cty An Đông và các Cty thuộc Vạn Thịnh Phát phát hành trái phiếu, tích cực trong việc lên phương án dòng tiền khống, quản lý, sử dụng và theo dõi tiền bán trái phiếu.

Mặc dù ông Hồng đã chết, CQĐT đã ra Quyết định đình chỉ điều tra bị can nhưng với kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ đã thu thập được, C03 khẳng định có đủ căn cứ kết luận hành vi của ông Hồng đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm với Lan. Ông Hồng liên đới trách nhiệm đối với số tiền hơn 30.081 tỷ đồng.

Để bảo đảm việc khắc phục hậu quả vụ án, CQĐT đã áp dụng các biện pháp đối với tài sản của ông Hồng: Kê biên 2,5 triệu cổ phần tại Cty Chứng khoán TVSI do Bùi Thị Thanh Hiền đứng tên; thu giữ 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở với diện tích 6.227,9m2 đất tại phường 1, quận 4, TP HCM…

Người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Hồng có ý kiến đồng ý để CQĐT duy trì các biện pháp đối với tài sản của ông Hồng và chuyển Tòa án quyết định.

Với ông Nguyễn Ngọc Dương, theo C03, có hành vi ký chứng từ chuyển 3.900 tỷ đồng khống từ Cty VIPD sang Cty An Đông trong chuỗi dòng tiền khống tạo lập gói trái phiếu ADC-2018.01; chỉ đạo, điều hành các nhân viên Cty Sunny World, Natural Land… tìm kiếm, thuê người đứng tên thành lập Cty, cổ phần, khoản vay, ký khống chứng từ, tài liệu… phục vụ cho các hoạt động phạm pháp của các Cty thuộc Vạn Thịnh Phát (vay SCB, phát hành trái phiếu…) rồi cắt lại một phần tiền thuế cá nhân để sử dụng riêng.

Mặc dù ông Dương đã chết nhưng với kết quả điều tra và tài liệu đã thu thập, C03 kết luận hành vi của ông Dương đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng phạm với Trương Mỹ Lan nên liên đới trách nhiệm số tiền 3.900 tỷ đồng.

CQĐT đã áp dụng các biện pháp với tài sản của ông Dương: Ngăn chặn giao dịch số dư hơn 9,1 tỷ đồng trong 3 tài khoản ngân hàng đứng tên ông Dương; ngăn chặn giao dịch số dư hơn 50 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng mang tên con trai ông Dương.

Quá trình giải quyết vụ việc, Công an quận 4 (TP HCM) đã thu giữ 216 miếng kim loại màu vàng; 6 sổ tiết kiệm đứng tên ông Dương trị giá 132 tỷ đồng; cùng các giấy tờ liên quan đến 3 nhà đất tại TP HCM và Long An; thu giữ 100 triệu đồng tiền mặt và một số đồ vật tài liệu cá nhân khác.

Quá trình làm việc, người nhà (hàng thừa kế thứ nhất) của ông Dương không đưa ra được căn cứ xác định rõ nguồn gốc các khoản tiền, tài sản nêu trên của ông Dương và có ý kiến đồng ý để CQĐT duy trì các biện pháp với các tài sản nêu trên và chuyển cho Tòa án quyết định.

CQĐT đã có văn bản đề nghị Công an TP HCM, Công an quận 4 phối hợp xử lý các đồ vật, tài liệu, tài sản nêu trên theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm