Vụ bé gái 11 tuổi bị XHTD tại Ninh Bình: Cần làm rõ dâm ô hay hiếp dâm trẻ em

(PLO) - Hôm nay (28/11), phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án bé gái 11 tuổi ở Hoa Lư (Ninh Bình) bị xâm hại tình dục bởi gã hàng xóm bị HIV giai đoạn cuối sẽ được diễn ra tại TAND tỉnh Ninh Bình sau khi đã hoãn một lần vào ngày 6/11. Đây là một trong những vụ án hình sự nghiêm trọng về xâm hại tình dục trẻ em rất được dư luận chú ý.
Bị cáo Vũ Văn Hùng được áp giải đến phiên sơ thẩm tại TAND huyện Hoa Lư, Ninh Bình bằng xe cứu thương

Có dấu hiệu bỏ lọt  tội phạm?

Theo cáo trạng, ngày 30/4/2017, Vũ Văn Hùng (52 tuổi, xã T.Y, huyện Hoa Lư, nhiễm HIV giai đoạn cuối) đã dụ dỗ bé gái N.T.H.N (11 tuổi, là hàng xóm) sang nhà mình để cho mì tôm. Sau đó, Hùng đã có ý định cưỡng hiếp cháu bé, nhưng bị chị gái của cháu phát hiện. Ngày 27/6/2018, TAND huyện Hoa Lư tuyên phạt Vũ Văn Hùng 2,5 năm tù về  tội “Dâm ô trẻ em”. 

Tuy nhiên, bản án dành cho kẻ phạm tội khiến gia đình cháu bé và những người tham gia rất bức xúc. Vì lời khai của bị hại là cháu N.T.H.N và nhân chứng là chị gái của cháu N đều thể hiện việc bị cáo Hùng đã có hành vi dụ dỗ, rủ rê cháu N. sang nhà mình lấy mì tôm, cho tiền cháu N. rồi hiếp dâm cháu. Bản Kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y Ninh Bình đã kết luận bộ phận sinh dục của cháu N.T.H.N đã bị xung huyết gốc màng trinh. Không chấp nhận bản án sơ thẩm, mẹ cháu bé đã kháng cáo phúc thẩm, để bản án được xử đúng người, đúng tội. 

Theo các luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Việt Tâm là đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân, việc xác định tội danh của cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm là TAND huyện Hoa Lư đối với bị cáo Vũ Văn Hùng là chưa thỏa đáng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, chưa bảo vệ bị hại, cũng như bảo vệ sự bình yên của xã hội. 

Quan điểm của các luật sư là khi xác định tội danh của bị cáo Vũ Văn Hùng, cần phải áp dụng Điều 112 BLHS 1999 tội “Hiếp dâm trẻ em” với khung hình phạt quy định tại khoản 4 (khung hình phạt cao hơn) mới chính xác. Các luật sư đã có công văn gửi TAND tỉnh Ninh Bình và Hội đồng xét xử (HĐXX), đề nghị hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại. Ngày 24/10/2018, bên hành lang Quốc hội, trao đổi với trả lời báo chí, ông Mai Khanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Chánh án TAND tỉnh cho biết đã nhận thông tin vụ án và đang nghiên cứu sâu, vì vấn đề này liên quan đến chuyên môn pháp luật. 

Gia đình khánh kiệt để đi đòi công lý

Hôm nay, TAND tỉnh Ninh Bình mở phiên tòa phúc thẩm vụ án hình sự “Dâm ô với trẻ em”. Chia sẻ với báo chí trước khi phiên xử phúc thẩm diễn ra, bà N.T.N. (mẹ nạn nhân) cho biết, đã hơn một năm kể từ khi sự việc xảy ra, cuộc sống của gia đình bà hoàn toàn bị đảo lộn. Một mình bà vừa phải gồng gánh nuôi 4 miệng ăn vừa phải đem đơn đi cầu cứu cơ quan công quyền. 

“Chồng tôi bị mắc bệnh thần kinh, lúc mê, lúc tỉnh, công việc nhà hầu như không làm được gì. Để đỡ đần tôi, con gái lớn cũng phải nghỉ học để giúp mẹ lo toan công việc gia đình, chăm sóc bố và em. Hoàn cảnh gia đình tôi đã nghèo, lại phải vừa làm, vừa chạy theo đòi công lý cho con nên kinh tế gia đình càng khánh kiệt. Tôi biết rằng làm lớn vụ việc với một kẻ đã bị nhiễm HIV giai đoạn cuối cũng chẳng được gì nhưng mong đây sẽ là bài học răn đe, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những kẻ khác. Để đi đến cùng vụ việc, đòi lại công bằng cho con gái, tôi đề nghị HĐXX được chuyển vụ việc từ xét xử kín sang xử công khai. Tôi chẳng còn gì phải giấu giếm nữa. Sự việc của con tôi cả xã đã biết rồi. Tôi muốn HĐXX đưa bản án ra xét xử công khai để cơ quan công quyền có cái nhìn khách quan hơn, xử đúng người, đúng tội, không bao che, dung túng” – bà N. cho biết. Được biết, ngày 5/11/2018, bà N. đã có đơn thư gửi đến TAND tỉnh Ninh Bình đề nghị toà đưa vụ việc ra xét xử công khai. 

Nói về bị cáo Vũ Văn Hùng, theo hồ sơ y tế bị cáo bị lao phổi, lao xương, nhiễm HIV giai đoạn cuối và với lý do sức khỏe không đảm bảo, trong phiên xét xử phúc thẩm dự kiến diễn ra ngày 6/11 bị cáo đã vắng mặt. Cơ quan Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Ninh Bình đã tiến hành áp giải bị cáo theo lệnh của tòa án, nhưng bị cáo không chấp hành do sức khỏe không đảm bảo. Vì thế nên phiên xét xử phúc thẩm ngày 6/11 phải bị hoãn và mở lại vào ngày 28/11.  

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc trong quá tiến hành áp giải bị cáo không có sự tham gia của cán bộ y tế thì việc đánh giá sức khỏe bị cáo có khách quan, ông Vũ Hồng Việt - Chánh Văn phòng TAND tỉnh Ninh Bình cho biết, trước đó cơ quan tố tụng đã trưng cầu giám định sức khỏe bị cáo và đã có bệnh án. Sau khi có lịch xét xử, bị cáo không có mặt nên phải tiến hành áp giải. Vì sức khỏe bị cáo không đảm bảo nên phiên tòa phải tạm hoãn. “Theo quy định của pháp luật, sau 3 lần triệu tập mà bị cáo vẫn vắng mặt thì lúc đó tòa vẫn xét xử bình thường” – ông Vũ Hồng Việt cho biết thêm.

Mong rằng, tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Ninh Bình sẽ có sự chuẩn bị chu đáo để phiên toà không tiếp tục bị hoãn bởi với các vụ xâm hại tình dục trẻ em, việc hoãn phiên tòa kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của bị hại, cũng như người thân của nạn nhân. 

Đọc thêm