Nói về văn hóa doanh nhân trong câu chuyện cụ thể này, Luật sư Nguyễn Văn Quang- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa Doanh nhân- cơ quan của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã dành cho phóng viên báo chí câu trả lời xác đáng về vấn đề này.
PV: Thưa ông, thời gian qua Bộ Y tế liên tục kiểm tra và phát hiện các sản phẩm đồ uống dán nhãn trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ của Cty TNHH URC Việt Nam bị nhiễm độc chì. Đặc biệt là đã có hàng triệu sản phẩm được đưa ra thị trường tiêu thụ và không thể thu hồi hết được. Nguy cơ người tiêu dùng Việt bị nhiễm độc chì là hiện hữu. Với vụ khủng hoảng nhiễm độc thực phẩm này nhà sản xuất chọn cách im lặng thay vì thừa nhận, nói lời xin lỗi đến người tiêu dùng Việt.
Việc Formosa xả thải gây thảm họa môi trường biển dọc các tỉnh miền Trung, cá biển chết hàng laotj và lãnh đạo Formosa đã phải cúi đầu xin lỗi người dân Việt về thảm họa môi trường họ đã gây ra. Hành động này đã phần nào xoa dịu sự bức xúc trong người dân. Dưới góc nhìn của văn hóa doanh nhân, theo ông thì doanh nhân, người làm kinh doanh cần có những phẩm chất như thế nào để được coi là doanh nhân văn hóa?
Ông Nguyễn Văn Quang- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa Doanh nhân- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam |
Ông Nguyễn Văn Quang: Dưới góc nhìn văn hóa về doanh nhân, chúng tôi cho rằng, trong giai đoạn hiện nay là doanh nhân thì phải có 04 tiêu chí: Tâm, tài, trí, dũng. Tiêu chí chữ Tâm của doanh nhân đứng hàng đầu. Nếu doanh nhân không có tâm, mà chỉ có tài, có trí, có dũng, thì giống như những người đi kiếm tiền, kiếm lợi nhuận, chưa phải là doanh nhân đích thực.
Là doanh nhân có văn hóa thì càng phải chú trọng về môi trường lao động trong doanh nghiệp, về cách hành xử có văn hóa của người sử dụng lao động với người lao động và đặc biệt phải biết làm và có tấm lòng từ thiện. Trên thế giới, tỷ phú Bil Gate là một biểu tượng đích thực của doanh nhân văn hóa.
PV: Thưa ông, trong quá trình sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp gây hệ quả về môi trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng thì người đứng đầu doanh nghiệp cần phải làm gì để khẳng định doanh nhân đó, doanh nghiệp đó vì cộng đồng, lấy lợi ích cộng đồng hơn tất cả?
Ông Nguyễn Văn Quang: Trong quá trình sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp gây hệ quả về môi trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng thì người đứng đầu doanh nghiệp phải có nhận thức trung thực, nghiêm túc về hành vi của mình đã gây ra. Nếu là lỗi cố ý, thì hiện nay pháp luật hình sự đã có rất nhiều chế tài để xử lý. Và nếu là cố ý, thì nhất thiết phải xử lý theo pháp luật hình sự mới thỏa đáng, mới đảm bảo tính răn đe.
Nếu là lỗi vô ý, khách quan mang lại, vẫn có thể xử lý theo chế tài hành chính, dân sự. Người đứng đầu của doanh nghiệp có lỗi thì phải có các hành vi cụ thể, thiết thực để nhận lỗi, để sám hối, để khắc phục. Người Việt Nam rất tinh tường trong những ứng xử tế nhị như thế này. Từ xa xưa, các cụ vẫn luôn dạy con cháu: Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người ở lại.
PV: Trong trường hợp nước giải khát nhiễm độc chì của Cty TNHH URC Việt Nam có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng, nhưng nhà sản xuất này không nói lời xin lỗi, họ chọn cách im lặng để tiếp tục bán sản phẩm. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào dưới góc nhìn Văn hóa doanh nhân?
Ông Nguyễn Văn Quang: Trong trường hợp nước giải khát nhiễm độc chì của Cty TNHH URC Việt Nam có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng, nhưng nhà sản xuất này không nói lời xin lỗi, họ chọn cách cách im lặng để tiếp tục bán sản phẩm, dưới góc độ văn hóa doanh nhân thì chúng tôi cho rằng đấy là hành vi của những doanh nhân thiếu lương tâm, thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Mọi việc làm của doanh nghiệp và doanh nhân cũng chỉ đáp ứng mục đích tối thượng là phục vụ con người. Nếu có các hành vi như trên xảy ra, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan chưa xử lý kịp thời, thì báo chí, các cơ quan ngôn luận thông tin đại chúng được quyền phản ánh cho người tiêu dùng được biết, để họ tránh xa, họ tẩy chay, họ quay lưng với thương hiệu của doanh nghiệp vô cảm với sức khỏe, sự sống của con người.
Xin cảm ơn ông!