Tháng 11, những đợt gió bắc tràn về, báo hiệu vụ khai thác cá nam - vụ khai thác chính trong năm đã kết thúc. Nói về hoạt động khai thác vụ cá nam năm 2010, đồng chí Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định: "Vụ cá nam năm nay ở tỉnh ta thắng lợi toàn diện. Sản lượng tăng cao, chất lượng, giá cả khá… là động lực cho ngư dân bám biển khai thác. Do được tổ chức theo Hội, Hiệp hội, tổ, đội… với mục tiêu vươn ra khơi xa, nghề khai thác trên biển ngày càng mang lại hiệu quả bền vững…".
Bến cá Quần Vinh 1, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng).
Ảnh: Dương Đức
|
Đến hết tháng 10-2010, sản lượng khai thác hải sản của toàn tỉnh đạt 35.693 tấn, bằng 90,4% kế hoạch cả năm và tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, sản lượng cá đạt trên 24 nghìn tấn tăng gần 15% so với cùng kỳ; sản lượng tôm đạt trên 2.700 tấn, tăng 39% so với cùng kỳ; sản lượng các loại thuỷ sản khác đạt 8.637 tấn, tăng cao so với cùng kỳ. Nếu tính về giá trị, sản lượng thì vụ cá nam này tăng theo cấp số nhân so với vụ cá nam năm trước. Cá tạp năm 2008-2009 giá chỉ 2,5-3 nghìn đồng/kg, thì năm nay giá 4-6 nghìn đồng/kg. Con cá mai là thế mạnh của hàng trăm thuyền, tàu khai thác vùng cửa sông Hồng, sông Ninh Cơ - trước kia chỉ bằng giá cá tạp, bây giờ giá 7 nghìn đồng/kg. Con tép moi giá cũng gấp 2-3 lần những năm trước. Các loại cá ngon như: chim, thu, nụ, đé… giá tăng gấp rưỡi năm ngoái… Do giá thuỷ sản tăng nên khuyến khích ngư dân bám biển đánh bắt. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đến trung tuần tháng 9-2010, tổng số tàu thuyền khai thác thuỷ sản toàn tỉnh là 2.348 tàu, tổng công suất đạt 85.550 CV. Các loại tàu thuyền công suất nhỏ giảm nhiều so với cuối năm 2009, như: loại dưới 20 CV giảm 216 tàu thuyền, loại từ 20 đến dưới 50 CV giảm 84 tàu thuyền, loại từ 50 CV đến dưới 90 CV giảm 55 tàu, loại trên 90 CV tăng 23 tàu… Mặc dù, số tàu thuyền khai thác giảm nhưng sản lượng đánh bắt và giá cả tăng đáng kể. Đặc biệt, các tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ hiệu quả đánh bắt hơn hẳn năm 2009. Anh Nguyễn Văn Cường ở xóm Tân Minh, xã Hải Triều (Hải Hậu) với chiếc tàu công suất 350 CV đánh bắt cá khơi bằng lưới rê, đầu vụ cá nam có mẻ lưới anh thu 7 tấn cá ngon trị giá 1 tỷ đồng. Anh Trần Văn Hiển ở xóm Tân Thịnh ở Hải Triều (Hải Hậu) đầu vụ cá nam năm 2010 có mẻ đánh được 6 tấn cá thu ngàn. Ở xã Hải Triều có 44 tàu khai thác thuỷ sản đều có công suất 90 CV trở lên/tàu, có tàu đạt công suất 400 CV đều đánh bắt từ phao số 0 trở ra. Bình quân các tàu trong vụ cá nam năm nay đều có lợi nhuận 30-50 triệu đồng khi đã trừ chi phí và trả công cho thuỷ thủ. Các anh Trần Văn Dương, Trần Văn Tự, Đỗ Văn Thái… trong vụ cá nam năm 2010 có số lãi đạt trên dưới 300 triệu đồng mỗi tàu. Ở xã Hải Lý (Hải Hậu), 60 tàu đánh cá xa bờ đều có công suất trên dưới 350 CV, đánh bắt ngoài khơi xa ở ngư trường Bạch Long Vỹ, Hòn Mê, Hòn Mát, nhiều tàu đã vào biển Nha Trang, Vũng Tàu. Theo anh Trần Văn Thực, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá của xã thì các đội tàu của Hải Lý năm nay đánh bắt khá. Với 2 loại lưới rê thưa và rê mau trong 6 tháng vụ cá nam lợi nhuận của các tàu đạt khoảng 300 triệu đồng/tàu, nhiều tàu đạt 500-600 triệu đồng. "Cự phách" trong "làng" khai thác cá khơi phải kể đến tàu của các anh Phạm Văn Hoà (xóm 7), Trần Văn Khuyến (xóm 9), Trần Văn Trung, Trần Duy Hiền (xóm 8), Vũ Văn Hiền (xóm 4)… Các tàu này đều có lợi nhuận 600 triệu đồng trở lên. Ở Hải Triều ngư dân có sự chuyển đổi khá: 4 tàu câu mực chuyên đánh bắt ở vùng biển Nha Trang - Khánh Hoà, đêm tối câu chụp mực, ban ngày dùng lưới hớt đánh bắt; 2 tàu lặn của anh Nguyễn Văn Thành ở xóm Quang Phục và Nguyễn Văn Hải ở xóm Việt Tiến các thuỷ thủ lặn sâu ở dưới 30 m đánh bắt cá song, bào ngư, hải sâm…, lợi nhuận cao vì vốn ít và ít sử dụng nhiên liệu trong khi đánh bắt…
Vụ cá nam năm nay đánh bắt khá do ngư dân đã tổ chức lại sản xuất, đánh bắt theo đoàn, đội, đã giúp nhau về ngư trường, phương thức đánh bắt đồng thời bảo vệ nhau khi gặp hoạn nạn, mưa bão trên biển. Các ông Đỗ Văn Ký, Đỗ Văn Thái khi đánh bắt ở ngư trường thuận lợi, nhiều cá đã thông tin cho các tàu khác trong đoàn, đội đến cùng đánh bắt. Xu hướng mua, đóng tàu to lắp máy công suất lớn để đánh cá khơi xa đang có chuyển biến lớn trong khai thác hải sản của tỉnh ta. Công tác chế biến, cơ sở hạ tầng khu neo đậu, hậu cần nghề cá, tránh trú bão… cũng được đầu tư. Công tác quản lý tàu thuyền, đăng ký, đăng kiểm; công tác tập huấn đánh bắt, cải hoán phương tiện, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cũng đi vào nền nếp…
Vụ cá nam năm 2010 thắng lợi. Các tổ đội khai thác nghề cá của tỉnh đang tiếp tục tổ chức đánh bắt vụ cá bắc./.
Tất Thắc