Vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Đại diện VEC không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 24/11, phiên tòa xét xử 36 bị cáo trong vụ án sai phạm tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bước sang ngày làm việc thứ 2. Đại diện VEC nói về thiệt hại, không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường vì họ chỉ là người làm công ăn lương.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Trong ngày xét xử thứ hai, các bị cáo thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), Ban quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các nhà thầu hầu hết đều thừa nhận cáo buộc. Tuy nhiên, trong quá trình khai báo, một số bị cáo cho rằng hành vi của mình chịu các yếu tố khách quan, bị chi phối bởi trách nhiệm của bên còn lại.

Khi được HĐXX hỏi, giám định viên khẳng định quá trình giám định, họ đã thực hiện giám định một cách khách quan, độc lập. “Kết quả giám định chúng tôi đảm bảo chính xác”, giám định viên nói và cho biết quá trình giám định, họ đã nghiên cứu các quy trình của Việt Nam, dựa vào chỉ dẫn kỹ thuật của Dự án, hồ sơ thiết kế được duyệt, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng với Dự án.

Sau đó, HĐXX hỏi đại diện VEC. Đại diện VEC cho biết, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư 34.000 tỷ đồng. Với vai trò là chủ đầu tư, VEC đã có các biện pháp, quy trình, quy định để Dự án được sớm đưa vào sử dụng.

Cũng theo lời vị này, về quy trình, VEC khẳng định đã tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, từ khâu khảo sát, lựa chọn nhà thầu… Trong nội bộ, VEC cũng có quy trình, quy định về giám sát, quản lý chất lượng.

Đối với kết luận giám định, đại diện VEC nói “tôn trọng kết luận giám định” nhưng quan điểm tổng công ty cho rằng đây là những thiệt hại “cục bộ, đứt đoạn trên đường cao tốc”. Đại diện VEC cho rằng, trong trường hợp nhà thầu có lỗi, đề nghị họ phải bồi thường nhưng thắc mắc thiệt hại 811 tỷ đồng là chưa phù hợp.

Trước câu trả lời của đại diện VEC, chủ tọa nhắc nhở: “Công ty cần tính toán chính xác, yêu cầu bồi thường ai, số tiền bao nhiêu? Đây là tiền Nhà nước, không phải tiền của cá nhân nào?”. Lúc này, đại diện VEC nói không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường bởi vì họ là những người lao động, làm công ăn lương.

Tương tự, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông - Cienco5 cho rằng, những hư hỏng xảy ra là cục bộ. Công ty chấp thuận bồi thường cho chủ đầu tư nhưng đề nghị VEC trả lại 5% tiền bảo hành.

Còn Tổng Công ty Sông Đà cho rằng, suốt quá trình thi công và thời gian bảo hành, họ không nhận được ý kiến phản hồi của chủ đầu tư, tư vấn giám sát chất lượng đoạn đường công ty thi công. Công ty cũng không yêu cầu các bị cáo phải bồi hoàn tiền.

Quá trình được hỏi, hầu hết đại diện của các tổng công ty đều xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cán bộ, nhân viên của mình.

Đọc thêm