Như PLVN đã đưa tin, ngày 1/10 vừa qua, người dân ở đại lộ Võ Văn Kiệt, phường Cầu Kho, Quận 1 - Tp Hồ Chí Minh, phát hiện một xác tử thi không đầu trong bao tải vứt bên lề đường. Cơ quan chức năng đã nhanh chóng xác định nghi phạm là Đặng Văn Tuấn (SN 1970), nạn nhân là Bùi Thị Hạnh (SN 1971, là em dâu hờ, cũng là vợ hờ của nghi phạm)
Người đàn bà nhiều kinh nghiệm tình trường
Trưa ngày 1/10, trong khi cơ quan chức năng tích cực khám nghiệm hiện trường, hàng trăm người dân hiếu kỳ đổ về con hẻm trên đường Trần Đình Xu, có một người đàn ông thấp bé, loắt choắt lặng lẽ đến nhìn vào trong một lát rồi bỏ đi.
Anh ta chính là nhân chứng sống trong căn nhà oan nghiệt. Người đàn ông đó là Đặng Văn Thắng (SN 1977, người vừa là em trai của nghi phạm, vừa là “chồng cũ” của nạn nhân)
Anh Thắng thều thào: “Tôi đói lắm, hơn 1 ngày rồi không có gì ăn”. Đĩa mì xào bày ra mời, anh này không ăn ngay mà lầm rầm khấn. Anh Thắng giải thích: “Tôi mời Hạnh về ăn”. Đọc được sự ngạc nhiên trong mắt người đối diện, anh này thở dài: “Tôi đến giờ 38 tuổi mới có “nó” (ý nói nạn nhân Hạnh - PV) là người đàn bà đầu tiên. Nhưng “nó” phản bội tôi, nên với “nó” tôi vừa yêu vừa hận”.
Anh Thắng kể, gia đình tuy có nhà ở quận Nhất, nhưng ba mẹ chết sớm, các anh chị em đều không có việc làm và có lối sống phức tạp. Vóc dáng nhỏ bé, thô kệch lại từng ra tù vào tội nên tuổi ngoài 30, người đàn ông có hộ khẩu ở trung tâm thành phố lớn nhất cả nước vẫn chưa lấy được vợ.
Rồi số phận run rủi, anh gặp Hạnh. Năm 2012 mới đi tù về, mượn được ít tiền, anh mua chiếc xe ra đầu đường Nguyễn Cảnh Chân chạy xe ôm. Nhà Hạnh ở gần đó. Người đàn bà nhiều kinh nghiệm tình trường chỉ cần vài cái liếc mắt đong đưa, người đàn ông “ngây ngô” đã nghiêng ngả.
Mặc dù Hạnh hơn Thắng những 6 tuổi, lại từng có mối quan hệ phức tạp với nhiều người đàn ông và có tới 3 con riêng, nhưng anh Thắng vẫn bất chấp. Một thời gian sau mẹ Thắng mất. Người đàn bà bỏ 3 đứa con gái nhỏ, theo người tình về ngôi nhà nhỏ trong hẻm trên đường Trần Đình Xu sống.
|
Hiện trường nơi phát hiện xác chết |
Thời gian về sống chung, mỗi ngày dù nắng hay mưa, ế hay đắt khách, Thắng đều phải mang về cho nhân tình 150 ngàn đồng. “Trong đó 50 ngàn cô ấy đưa về cho các con đi chợ, 50 ngàn để cô ấy để dành, 50 ngàn để cô ấy đi chợ mua đồ ăn cho hai đứa”.
Thời gian này Hạnh làm công nhân vệ sinh ở tòa nhà Bitexco, gần đây mới chuyển sang làm vệ sinh cho một công ty ở Quận 10. Tiền lương kiếm được cô nhân tình “nhỏ bé” giữ chặt, mọi chi tiêu gia đình do chồng hờ lo.
Thắng tâm sự: “Cô ấy có chồng, có con rồi, còn tôi gần 40 tuổi lần đầu tiên mới có người phụ nữ của riêng mình nên tôi rất quý. Chạy xe ôm chỉ dám ăn đĩa cơm mười mấy hai chục ngàn. Nhưng tôi sẵn sàng bỏ tiền ra mua bất cứ cái gì mà cô ấy thích ăn, kể cả hơn 100 ngàn”.
Vấn đề là người đàn bà “của anh” lại là con nghiện và có lối sống phóng túng. “Sống chung với tôi nhưng cô ấy đi tối ngày cặp hết người này đến người khác. Mới đầu, vì chuyện đó tôi hay mắng chửi Hạnh. Nhưng cô ấy bảo: “Tôi với anh chỉ là cặp nhau thôi, có cưới xin, đăng ký kết hôn gì dâu mà anh có quyền cấm”. Thấy cô ấy nói cũng phải nên tôi thôi, không ghen nữa”, người đàn ông nhu nhược giãi bày.
Tuy cuộc sống không thể gọi là hạnh phúc, nhưng “khuất mắt trông coi”, ra đường muốn làm gì coi như anh không để ý, chỉ cần về nhà Hạnh là “vợ” của mình là đủ. Anh Thắng chấp nhận cuộc sống như vậy.
Tình “tay tư” oan nghiệt
Đời không đơn giản như thế. Năm 2013, nghi phạm Đặng Văn Tuấn (SN 1970), người anh trai của Thắng sau khi thụ án 7 năm vì tội buôn bán ma túy, mãn hạn trở về. Nếu người em trai thô kệch chậm chạp, người anh lại tướng tá cao lớn, phong độ, nói chuyện khá từ tốn như là hạng giang hồ “thứ thiệt”. Một cái lừ mắt của ông anh trai đủ khiến người em co rúm sợ hãi.
Một người hàng xóm kể: “Tuấn nó dữ tợn lắm, nhiều lần dùng khúc cây đánh em trai thâm tím cả người”.
Sau khi Tuấn ra tù, người họ hàng gởi trả đứa con trai hơn 10 tuổi mà bà đã nhận nuôi từ khi anh ta vào trại. Mới về, ông anh chưa có việc làm ở nhà ăn không ngồi rồi. Người em trai è cổ nuôi cả 4 người. Cũng bởi phải kiếm tiền nuôi 4 miệng ăn nên Thắng không có thời gian ở nhà.
Cô vợ “hờ” lẳng lơ ở cùng với gã anh chồng thiếu đứng đắn nhanh chóng bập vào nhau. Một bữa do đau đầu, 3h chiều Thắng về đến nhà thì thấy “vợ” đang nằm trong tay anh trai. Người đàn ông “mọc sừng” điên tiết lôi “con đàn bà hư hỏng” lên lầu, định bạt tai cho mấy nhát.
Song ả đàn bà trắc nết đã lu loa: “Mày đánh tao là không được đâu”. Ở cầu thang ông anh trai gằn giọng: “Mày định làm gì thế”. Yếu thế Thắng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chấp nhận… nhường vợ.
Sáng hôm ấy, biết tin cặp “mèo mả gà đồng” ghen tuông rồi giết chết nhau, Thắng lẩm bẩm: “Đáng lẽ tôi đã giết chúng nó rồi, nhưng tôi kìm được. Không ngờ chúng nó tự giết nhau”.
Từ khi công khai cướp vợ của em trai, Tuấn chính thức là “chồng” của Hạnh. Bệnh hoạn ở chỗ, mỗi lần “chồng cũ” có nhu cầu “gần gũi” với “chị dâu kiêm vợ cũ” thì người đàn bà này vẫn chấp nhận, nhưng “xong là phải trả tiền”. Từ đó hai anh em trai “chung một vợ”.
Sau khi thành một cặp, Tuấn dạy cho người tình sử dụng ma túy đá (trước kia Hạnh có nghiện nhưng chỉ chích ma túy thường). Cả hai thường xuyên đóng cửa nhà, cùng nhau hít ma túy.
Số tiền Hạnh đi làm công nhân ném hết vào mua thuốc để “đốt”. Không đủ, Hạnh về nhà “trấn lột” các con để lấy tiền mua thuốc “tận hưởng” cùng người tình. Người em trai vẫn chạy xe ôm nuôi cả nhà.
Mối quan hệ “tay ba” của họ vẫn được duy trì. Tuy nhiên trước khi bị giết khoảng 20 ngày, Hạnh dẫn một người dì họ về nhà chơi. Chỉ vài ngày sau, người đàn bà đã bắt gặp người tình và dì của mình ăn nằm với nhau.
Ả đàn bà trở lên điên loạn vì ghen. Thị cào cấu gào thét. Thắng kể: “Mới đầu Tuấn còn xin lỗi, nhưng nhiều lần Hạnh nổi điên chì chiết thì anh ấy bất cần. Cách đây khoảng 10 ngày, Hạnh chửi rủa, anh Tuấn đã xông vào táng cho một trận”.
Ngày 25/9, Hạnh đòi lại xe, không cho Thắng chạy xe ôm. Tuấn đuổi em trai ra khỏi nhà. Anh Thắng ngày đi bán vé số, tối ngủ vỉa hè. Ngày 1/10 khi đang bán vé số anh nhận được tin báo, anh trai đã giết Hạnh ném xác ra lề đường rồi tự vẫn.
Người đàn ông mệt mỏi dựa vào tường, buồn bã: “Nó phản bội tôi, nhưng nó chết như thế kể cũng tội nghiệp quá”./.