Cây mã đề có nhiều tên gọi khác nhau như sa tiền thảo, su ma; tên khoa học là Plantago major. Giống cây này mọc nhiều ở những vùng khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao. Từ xưa cây mã đề đã được sử dụng làm thuốc. Chỉ việc thu hái toàn thân cây đem về cắt bỏ rễ, rửa sạch, phơi khô bảo quản; hạt mã đề cần dập nát vỏ rồi phơi khô. Về tính dược, mã đề có tính hàn, vị ngọt và không chứa độc tố; tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm và thanh phế nhiệt.
Viêm đường tiết niệu do ăn nhiều thức ăn có tính nóng, dùng nhiều rượu bia hoặc thời tiết thay đổi khiến cơ thể sinh nhiệt làm nước tiểu nóng lên; thêm yếu tố cơ thể nóng bức khiến đường tiết niệu sưng phù, hẹp lại; khi tiểu tiện, nước tiểu tạo ma sát làm tổn thương đường tiết niệu; nếu không chữa trị sớm dễ dẫn đến viêm nhiễm.
Triệu chứng dễ nhận biết của chứng viêm đường tiết niệu: Cảm giác tức bàng quang, khó tiểu tiện hoặc đi tiểu rất ít, nhỏ giọt, lúc tiểu tiện sẽ cảm thấy bị rát buốt rất khó chịu.
Cách thức sử dụng cây mã đề trị bệnh: Nhổ cây đem rửa sạch, cho thêm kim tiền thảo và chạch lan (mỗi loại khoảng 20g). Sau đó đem tất cả dược liệu bỏ vào nồi đun sôi, làm nước uống hằng ngày.
Người bệnh kiên trì uống thuốc khoảng tuần lễ sẽ bắt đầu phát huy công dụng. Thuốc không gây bất kì tác dụng phụ nào.
Ông Dũng giải thích, với tính hàn, cây mã đề làm nước tiểu mất đi tính nóng, làm mát đường tiết niệu. Trong trường hợp người bệnh tiểu tiện ra nước lẫn máu, có thể dùng phương thuốc mã đề kết hợp như sau: Mã đề tươi (100g), cỏ mực tươi (cỏ nhọ nồi,100g), đem các thảo dược rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt (khoảng 1 chén) uống vào lúc bụng đói.
Phương thuốc này có tác dụng làm lành vết thương ở đường tiết niệu do cơ thể cố ép nước tiểu ra ngoài gây nên. Uống thuốc trong vòng 10 ngày rồi chuyển sang dùng bài thuốc tam vị gồm mã đề, kim tiền thảo và chạch lan đã trình bày phần trên.
Cần lưu ý, mã đề giàu tính hàn nên những người có bệnh lý sau không được dùng cây mã đề trị bệnh: Người có thận dương hư yếu, đi tiểu quá nhiều, tiểu đêm, hoặc dương khí bị hạ giáng.