Từ sớm, rất đông người dân có mặt trước trụ sở TAND tỉnh theo dõi phiên xử qua hệ thống loa phát thanh. Các phóng viên, cơ quan báo chí được bố trí một phòng riêng để tác nghiệp.
Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Hưng Nguyên, từ ngày 1/10/2012 đến năm 2017, với vai trò Giám đốc, Bí thư Chi bộ Trung tâm GDTX Hưng Nguyên (thời điểm này chưa sáp nhập Trung tâm GDTX và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp), bị cáo Dung đã xây dựng, ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ không đúng quy định pháp luật dẫn đến việc lập chứng từ kế toán sai, thanh toán sai quy định.
Trong đó, năm học 2014 - 2015, bị cáo thanh toán sai quy định số tiền hơn 30 triệu đồng; năm học 2015 - 2016 hơn 13 triệu đồng. Tổng số tiền hơn 44,7 triệu đồng này được chuyển vào tài khoản cá nhân bị cáo Dung.
Việc thanh toán sai thể hiện ở các nội dung đã được thanh toán, nhưng bà Dung vẫn quy đổi ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ cho bản thân, là thanh toán trùng (thanh toán hai lần) cho cùng 1 nội dung.
Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo 5 năm tù. Ngoài ra, HĐXX cũng yêu cầu truy thu số tiền hơn 44,7 triệu đồng từ bị cáo Dung để trả lại cho Trung tâm GDTX.
Liên quan vụ án, bị cáo Nguyễn Thị Hương (57 tuổi, cựu kế toán của Trung tâm) lĩnh án 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội danh trên.
Sau đó, bị cáo Dung đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. VKSND Nghệ An kháng nghị hủy bản án, trả hồ sơ điều tra lại vì án sơ thẩm chưa xác định rõ được trách nhiệm đầy đủ của bị cáo với các khoản thiệt hại khác.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Dung trình bày, thời điểm gửi kháng cáo bản án sơ thẩm, bị cáo chưa nhận được bản án nên tại phiên phúc thẩm, bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Bị cáo oan và cho rằng quy chế chi tiêu nội bộ được đơn vị xây dựng công khai, dân chủ, được gửi cho cấp trên giám sát và có hiệu lực thi hành, không vi phạm pháp luật.
Trong phần tranh luận, HĐXX tập trung hỏi bị cáo về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX huyện thời kỳ 2013 - 2017.
Bị cáo cho rằng quá trình xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm đã thực hiện công khai, thông qua các tổ chức trong cơ quan lấy ý kiến tập thể và gửi lên cấp trên để báo cáo. Bị cáo cho rằng việc chi tiêu các khoản đều nằm trong quy chế chi tiêu nội bộ.
Đại diện VKSND tỉnh Nghệ An thẩm vấn bị cáo Dung thêm một số nội dung liên quan đến quy chế chi tiêu nội bộ, cho rằng việc đưa vào nội dung thanh toán 3 tiết/tuần đối với chức danh Bí thư Chi bộ là sai quy định.
“Bị cáo nhận thức thế nào về việc tự quy đổi các nội dung bí thư chi bộ, học cao học… sang tiết dạy học để thanh toán tiền thừa giờ và hưởng phụ cấp lần 2?”. Trước câu hỏi của VKS, bị cáo Dung trả lời đó là tiền hỗ trợ và những người khác cũng được nhận tiền theo quy chế.
Chủ tọa phiên tòa yêu cầu đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND huyện, Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên và Sở GD&ĐT làm rõ việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, cũng như việc thu, chi tài chính tại Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên. Đại diện Sở GD&ĐT đến tham dự tòa cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến tại phiên tòa về báo cáo lãnh đạo xem xét.
Dự kiến phiên xử vụ án sẽ kéo dài nhiều ngày.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Dung nói cấp sơ thẩm căn cứ Thông tư 28/2009/TT-BGD&ĐT về chế độ làm việc cho giáo viên phổ thông để buộc tội là chưa đúng, vì Thông tư này không áp dụng với Trung tâm GDTX. Bị cáo "vận dụng, tham khảo" để ban hành quy chế chi tiêu nội bộ bởi mình cũng là giáo viên.
"Tôi không đồng ý việc dùng từ chiếm đoạt. Suốt nhiều năm ban hành quy chế, Sở GD&ĐT đều kết luận không sai, tại sao nói là chiếm đoạt", bị cáo nói. Theo bị cáo Dung, nếu sai, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, người phê duyệt kế hoạch thu, chi đầu năm, người giám sát thu, chi phải liên đới và chịu trách nhiệm.
Trước lời khai này, HĐXX phân tích, việc bị cáo đi học đã có học phí, công tác phí do ngân sách nhà nước cấp nên quy đổi giờ đi học thành tiền thừa giờ là không đúng quy định. Nếu như muốn đưa vào quy chế nội bộ của Trung tâm phải có được sự đồng ý của Sở GD&ĐT, trên thực tế Sở chưa có ý kiến về khía cạnh này.
Tay cầm tài liệu, bị cáo Dung vừa xem vừa đáp rằng giữ trọng trách Giám đốc Trung tâm nhưng trên thực tế vẫn là giáo viên, có quyền được hưởng tiền thừa giờ. Thời điểm bị cáo được cử đi học, các tiết trong quá trình đi học cũng phải được tính như số giờ tại thực tế nên việc chi trả tiền thừa giờ là không sai, quy đổi để tính ngày đi làm. Số tiền 45 triệu đồng "không phải là gây thiệt hại, mà đó là công sức của Giám đốc nói riêng và toàn bộ giáo viên nói chung".