Vụ công ty Hàn Quốc “phát hiện kho báu 130 tỉ USD”: Chiêu lừa của những đối tượng “thổi giá” cổ phiếu?

(PLO) - Hơn nửa tháng sau khi một công ty của Hàn Quốc gây chấn động dư luận với tuyên bố đã phát hiện xác tàu chiến của Nga chứa số vàng trị giá lên đến 130 tỉ USD, cảnh sát Hàn Quốc đã vào cuộc điều tra và công bố những thông tin gây sốc. 
Ảnh minh họa.

Kịch bản chia tiền

Từ giữa tháng 7 vừa qua, Công ty cứu hộ hàng hải Shinil của Hàn Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý của không chỉ dư luận Hàn Quốc mà còn của cả truyền thông thế giới khi tuyên bố đã phát hiện xác tàu chiến Dmitrii Donskoi của Nga bị đắm 113 năm về trước. 

Theo Shinil, một đội tìm kiếm chung bao gồm các chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Anh và Canada của công ty đã phát hiện xác tàu ở độ sâu 434m tại vùng biển cách đảo Ulleungdo của Hàn Quốc khoảng 2km. Tàu Dmitrii Donskoi, tải trọng 5.800 tấn, đã bị chìm vào năm 1905 trong một trận hải chiến giữa Nga và Nhật. 

Theo những lời đồn đại, tại thời điểm bị đánh đắm, trên tàu này có đến 5.500 thùng chứa vàng thỏi và khoảng 200 tấn tiền xu bằng vàng. Shinil trong tuyên bố ban đầu nói rằng tổng giá trị của số vàng hiện nay có thể lên đến hơn 134 tỉ USD. 

Để tăng thêm phần thuyết phục, Shinil cũng khẳng định rằng các chuyên gia tìm kiếm của công ty đã nhìn thấy một số thứ “có hình dáng giống như những hộp chứa vàng” nhưng chưa mở ra. Theo công ty này, họ dự kiến sẽ tiến hành trục vớt xác tàu vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11 tới. 

Shinil cũng tỏ ra hào phóng khi tuyên bố sẽ giao 1 nửa kho báu tìm thấy cho Chính phủ Nga. 10% còn lại sẽ được dùng để đầu tư vào các dự án du lịch tại đảo Ulleungdo của Hàn Quốc. Một phần trong số tiền còn lại sẽ được quyên để thực hiện các dự án nhằm thúc đẩy phát triển khu vực đông bắc Á, ví dụ xây dựng một tuyến đường sắt kết nối Nga và Hàn Quốc thông qua Triều Tiên.

Ngay từ khi thông tin trên được công bố, giới chức Hàn Quốc đã lên tiếng cảnh báo người dân về các diễn biến liên quan đến vụ việc, bao gồm cả những lời kêu gọi góp tiền để trục vớt kho báu và cả những vụ lừa đảo có thể phát sinh. Ngoài ra, một số đơn vị khác cũng lên tiếng phản bác thông tin của Shinil về việc họ thực sự là đơn vị phát hiện vị trí xác tàu.

Các diễn biến gần đây cho thấy thông tin từ công ty Hàn Quốc đưa ra “thực ít, hư nhiều”. Ngay sau khi cơ quan chức năng của Hàn Quốc thông báo vào cuộc tìm hiểu vụ việc, Giám đốc điều hành của Công ty Shinil đã tiến hành họp báo. Tại đây, ông ta đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận công ty có thể đã thổi phồng giá trị của “kho báu” dựa trên những thông tin và tài liệu chưa được kiểm chứng. Đại diện Shinil lúc này đính chính rằng giá trị ước tính của “kho báu” mà họ đã phát hiện chỉ còn là 8,9 tỉ USD, không bằng con số lẻ từ hàng chục trong giá trị ước tính được đưa ra trước đó. 

Nghi vấn lừa đảo

Đến tuần qua, một người phát ngôn của cảnh sát Hàn Quốc lên tiếng xác nhận đang tiến hành điều tra công ty Shinil về nghi vấn lừa đảo. Theo người phát ngôn của cảnh sát Hàn Quốc, lệnh cấm xuất cảnh đối với những nhân vật cấp cao trong công ty này cũng đã được ban bố. Theo cảnh sát Hàn Quốc, trước khi đưa ra tuyên bố phát hiện xác tàu, cựu giám đốc của công ty Shinil Hàn Quốc là Ryu Sang-mi và những nhân vật có tên trong ban điều hành hiện nay của công ty này đã mua một số lượng lớn cổ phiếu của Công ty thép Jeil. Trong đó, riêng bà Ryu Sang-mi trở thành cổ đông lớn thứ 2 của công ty thép. 

Giám đốc điều hành Shinil Choe Yong-seok phát biểu bên mô hình con tàu ở Hàn Quốc.

Sau thông tin phát hiện tàu, giá cổ phiếu của Công ty Jeil đã tăng chóng mặt trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Và người được hưởng lợi từ việc tăng giá cổ phiếu ảo này không ai khác chính là Ryu Sang-mi và các quan chức ở Shinil. “Tình hình khiến chúng tôi nghi ngờ rằng đó là chiêu thổi giá cổ phiếu hoặc sử dụng thông tin giả để tiến hành hoạt động thương mại không công bằng”, một quan chức ở Cơ quan giám sát dịch vụ tài chính Hàn Quốc cho biết. 

Theo truyền thông Hàn Quốc, cảnh sát quận Gangseo, thành phố Seoul Hàn Quốc cùng với việc cấm CEO của Công ty Shinil Choi Yong-seok cùng các nhân vật cấp cao của công ty xuất cảnh cũng đang có kế hoạch thẩm vấn những người này ể phục vụ việc điều tra. Choi Yong-seok được Shinil đẩy lên làm giám đốc điều hành thay Ryu Sang-mi sau khi giới chức Hàn Quốc vào cuộc điều tra vụ việc.

Ngoài ra, trong tuần qua, cảnh sát Hàn Quốc cũng đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến một công ty chuyên kinh doanh tiền ảo cũng có tên Shinil, có trụ sở tại Singapore. Cảnh sát Hàn Quốc đã yêu cầu Cơ quan cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) phát lệnh truy nã quốc tế đối với một người đàn ông tên Ryu Ji-beom – được xác định là người sáng lập công ty Shinil Singapore.

“Đối tượng này là nhân vật chủ chốt trong vụ việc phát hiện tàu chứa kho báu mà chúng tôi đang nghi ngờ chỉ là một âm mưu lừa đảo”, một sỹ quan cảnh sát Hàn Quốc cho biết. Theo viên cảnh sát Hàn Quốc, lệnh truy nã mà cảnh sát Hàn Quốc đề nghị Interpol phát ra là thông báo đỏ, đồng nghĩa với việc nghi phạm có thể bị dẫn độ về Hàn Quốc nếu bị bắt giữ.

Theo cảnh sát Hàn Quốc, đối tượng Ryu đã bị truy nã từ năm 2014 sau khi y bỏ trốn ra nước ngoài trong lúc đang bị điều tra về cáo buộc lừa đảo liên quan đến việc mua bán bất động sản và các dự án xây dựng khác. Trước đó, năm 2008, đối tượng này cũng đã phải ngồi tù vì tội danh lừa đảo. “Chúng tôi đang yêu cầu cảnh sát các nước có liên quan giúp xác định vị trí và hồi hương nghi phạm sớm nhất có thể”, viên sỹ quan cảnh sát cho hay. Vẫn theo người này, giới chức Hàn Quốc nghi ngờ rằng đối tượng Ryu hiện đang ẩn nấp ở Việt Nam. 

Cảnh sát Hàn Quốc nghi ngờ rằng giới lãnh đạo công ty Shinil Hàn Quốc đã cấu kết với công ty Shinil Singapore để dụ các nhà đầu tư mua tiền ảo do công ty của Singapore phát hành. Tờ Thời báo Hàn Quốc thậm chí nghi ngờ Ryu Sang-mi chỉ đơn giản là một bà nội trợ. Bà ta đã cho anh trai mượn tên để thực hiện các hoạt động kinh doanh ở trong và ngoài Hàn Quốc. Điều này nếu đúng đồng nghĩa với việc toàn bộ phi vụ lừa đảo chấn động này đều do một nghi phạm trốn truy nã là Ryu Ji-beom giật dây!

Tuy nhiên, bất chấp thực tế người sáng lập của 2 công ty Shinil ở Hàn Quốc và Singapore là anh em của nhau và công ty Shinil tại Singapore hứa sẽ chia kho báu thu được từ con tàu bị chìm ở cho những người đầu tư vào tiền ảo của công ty, CEO của công ty Shinil Hàn Quốc Choi Yong-seok vẫn khăng khăng cho rằng công ty của ông ta không liên quan gì đến Công ty Shinil ở Singapore.

Tờ Korea JongA Daily của Hàn Quốc khẳng định Shinil Singapore là công ty con của Shinil Hàn Quốc. Tờ báo này cho biết, Shinil Singapore đã thu hút được 53,7 triệu USD từ khoảng 100.000 nhà đầu tư kể từ khi được thành lập trong năm nay. 

Trước đó, ngay sau khi thông tin về vụ phát hiện xác tàu được công bố, trên mạng internet tại Hàn Quốc đã xuất hiện sàn giao dịch tiền ảo có tên “Donskoi International”. Trên trang web, công ty này kêu gọi công chúng mua tiền ảo để quyên tiền trục vớt tàu và sau đó sẽ được chia kho báu theo tỉ lệ đóng góp. Song, tại thời điểm đó, đại diện của Shinil khẳng định sàn giao dịch tiền ảo “Donskoi International” không liên quan đến công ty. 

Thực ra, theo truyền thông Hàn Quốc, đây không phải là vụ lừa đảo đầu tiên xảy ra ở nước này có liên quan đến con tàu của Nga. Trước đó, hồi năm 2003, một công ty khác cũng đã tạo ra một đợt bong bóng chứng khoán bằng cách công bố phát hiện xác tàu. Nhiều công ty khác cũng đã đầu tư khá nhiều tiền của vào để tìm kiếm con tàu với hy vọng có thể tìm được kho báu, bất chấp cảnh báo của các chuyên gia cho rằng Nga sẽ không có lý do để đưa một kho báu khổng lồ lên một con tàu đang đi vào trận chiến.

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng việc vận chuyển bằng đường bộ an toàn hơn nhiều so với đường thủy ngay cả trong trường hợp không có giao tranh. Một thợ lặn người Canada tham gia chiến dịch tìm kiếm xác tàu của Shinil tên Jeff Heaton tại một cuộc họp báo cũng xác nhận không nhìn thấy hộp nào trên xác tàu./.

Đọc thêm