Vụ cư dân 93 Lò Đúc xô xát với bảo vệ: có thể truy cứu trách nhiệm hình sự?

Liên quan tới việc một số cư dân xô đổ tường và đâm bị thương nhân viên bảo vệ tại tòa nhà 93 Lò Đúc, trao đổi với PLVN Online, đại diện công ty Kinh Đô cho biết đã có văn bản đề nghị cơ quan công an truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi hủy hoại tài sản của công ty này.

[links()]Liên quan tới việc một số cư dân xô đổ tường và đâm bị thương nhân viên bảo vệ tại tòa nhà 93 Lò Đúc, trao đổi với PLVN Online, đại diện công ty Kinh Đô cho biết đã có văn bản đề nghị cơ quan công an truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi hủy hoại tài sản của công ty này.

Để độc giả hiểu rõ hơn tính pháp lý của vụ việc, PLVN đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Tuấn- Trưởng văn phòng luật sư Newvision. Luật sư Tuấn cho rằng:

 "Nhìn từ góc độ căn cứ pháp lý việc một số cư dân có những hành vi xô đổ, phá dỡ bức tường đang xây dựng cũng như dùng đũa nhọn đâm bảo vệ Tòa nhà Kinh Đô Building như báo chí đưa tin có thể bị truy tố về tội phạm hình sự: “Hủy hoại, cố ý làm hư hòng tài sản” được quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự (“BLHS”) 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009".

LS Trần Văn Tuấn
LS Trần Văn Tuấn,Trưởng văn phòng luật sư Newvision

Thưa luật sư, một số cư dân cho rằng họ hành động như vậy là do công ty Kinh Đô đã tự ý xây dựng không có phép trên diện tích chung của tòa nhà mà không xin ý kiến của cư dân. Đại diện cư dân 93 Lò Đúc đã thông báo cho lãnh đạo Kinh Đô về việc nếu như Kinh Đô không chịu tháo dỡ phần xây dựng này thì cư dân ở đây sẽ tự tay dỡ bỏ. Còn công ty Kinh Đô thì lại cho rằng họ xây dựng trên diện tích do Kinh Đô quản lý chứ không phải phần không gian chung của tòa nhà vì vậy việc một số cư dân xô đổ tường, xô xát với bảo vệ là vi phạm pháp luật. Dưới góc độ pháp lý ông có thể cho biết cụ thể hơn quy định của pháp luật trong vụ việc này như thế nào?

Khoản 1, Điều 143 BLHS quy định: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.Điểm a khoản 2 Điều 245 BLHS quy định:“Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng: …….2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách…”.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS, pháp luật không đòi hỏi hành vi đó phải gây ra hậu quả thiệt hại cho sức khỏe người khác hoặc làm hư hỏng tài sản mà chỉ cần là hành vi của người có lời nói, cử chỉ tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng tỏ ra coi thường trật tự chung, gây mất trật tự hoặc là những hành vi càn quấy, hành hung người khác (nhưng không gây thương tích, nếu đã gây thương tích sẽ thuộc trường hợp của tội danh khác), gây lộn xộn, những hành vi sỉ nhục, đánh gây thương tích nhẹ.

Ngoài ra, với việc dùng đũa nhọn đâm nhiều nhát bảo vệ có thể bị cấu thành tội phạm hình sự của tội danh “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 104 BLHS: ‘Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11 đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau…” căn cứ nếu có kết quả giám định thương tích từ Kết luận của Cơ quan chức năng đối với người bị thương (cụ thể trường hợp này là ông Trung cùng hai bảo vệ khác của Tòa nhà Kinh Đô Building) hoặc rơi vào các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS.

Với những hành vi nêu trên, người dân có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hình sự, có thể bị phạt cải tạo hoặc phạt tù tùy theo mức vi phạm của mình. Ví dụ: Với hành vi hủy hoại tài sản, người dân có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm với thiệt hại từ 2-50 triệu đồng.

Song song với trách nhiệm hình sự, hành vi trên của cư dân còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xô đổ, phá dỡ bờ tường, xâm phạm sức khỏe người khác theo quy định tại Điều 604 BLDS 2005: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Ngoài ra, trách nhiệm pháp lý hành chính cũng được đặt ra, người dân có thể bị phạt tiền, cảnh cáo,….với các hành vi gây lỗi (Mức phạt hành chính có thể từ 60.000 VNĐ đến 2.000.000 VNĐ tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi quy định tại Điều 7 Nghị định 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005).

Xin cảm ơn luật sư!

Đức Thọ ( Thực hiện)

Cuối tuần qua, phóng viên PLVN Online đã tới đội CSĐT Công An quận Hai Bà Trưng- đơn vị trực tiếp thụ lý vụ việc cư dân xô xát với bảo vệ tại 93 Lò Đúc- để tìm hiểu diễn tiến của vụ việc. Qua đó được biết vụ việc hiện đang được cơ quan chức năng điều tra mở rộng và có sự phối hợp từ nhiều cơ quan chức năng trong đó có đơn vị thẩm định giá trị thiệt hại từ hậu quả do người dân gây ra để có kết luận xác đáng nhất. PLVN Online sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất xung quanh sự việc khá hy hữu này

Đọc thêm