Vụ “Cưỡng đoạt tài sản” tại Mê Linh (Hà Nội): Ngoại tình hay 'bẫy tình' trong phòng ngủ?

(PLO) - Lấy lý do “vợ ngoại tình”, Kiều Đức Hạnh (SN 1975, trú tại xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã chiếm đoạt chiếc xe máy của tình địch và sau đó còn đóng cửa, buộc người này ở trong phòng ngủ của mình gần 8 tiếng đồng hồ.
Ảnh minh họa.

Trước việc Hạnh chỉ bị xử lý về hành vi cưỡng đoạt tài sản, bị hại đã có đơn tố cáo và cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Mê Linh đã để lọt tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và lọt đồng phạm của vụ án.

Bắt tình địch viết giấy bán xe 

Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Mê Linh (Hà Nội), khoảng 22h ngày 28/1/2015, anh Tạ Văn Phi đi xe máy đến nhà chị Nguyễn Thị Tỵ (vợ Hạnh). Chị Tỵ ra mở cổng dắt xe máy của anh Phi vào nhà. Còn anh Phi đi vòng phía sau, trèo qua tường vào phòng ngủ rồi nằm lên giường ôm chị Tỵ. Khoảng 5 phút sau thì Hạnh về “bắt quả tang” anh Phi và vợ mình có quan hệ bất chính nên đã cầm cành cây bạch đàn vụt anh Phi nhiều cái và nói “mày chiếm đoạt vợ tao, phá hoại hạnh phúc gia đình tao. Tao sẽ báo công an và vợ mày đến giải quyết”.

Sau khi thấy anh Phi xin “giải quyết tình cảm” và “xin nộp phạt”, Hạnh liền nảy sinh ý định chiếm đoạt xe máy của anh Phi nên đã buộc anh Phi phải viết giấy bán xe và đưa giấy tờ xe cho mình. Sau đó, Hạnh còn yêu cầu anh Phi ở lại phòng ngủ và đóng cửa lại, đợi đến sáng gọi vợ con anh Phi đến giải quyết. 

Đến 6h hôm sau, Hạnh gọi vợ anh Phi đến nói chuyện rồi cho anh Phi về nhà. Sau đó, anh Phi đến trạm y tế xã sơ cứu vết thương và đến công an xã Tam Đồng trình báo sự việc. 

Sau khi định giá chiếc xe máy (trị giá 4 triệu đồng), Hạnh đã bị khởi tố và truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 05/5/2016, TAND huyện Mê Linh đã xử phạt Hạnh 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Lọt tội bắt giữ người trái pháp luật?

Theo nhận định của HĐXX sơ thẩm, ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản thì Hạnh còn có hành vi đánh anh Phi và hành vi giữ anh Phi tại nhà Hạnh. Tuy nhiên, quá trình điều tra, anh Phi không đề nghị gì và từ chối giám định thương tích nên CQĐT đã ra quyết định xử phạt hành chính Hạnh 2,5 triệu đồng.

Nhưng theo LS Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật THNH Trường Lộc) thì tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999) không thuộc các tội khởi tố theo yêu cầu bị hại theo Điều 105 BLTTHS 2003. Như vậy, nếu anh Phi không có yêu cầu khởi tố Hạnh về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật thì đây cũng không phải là căn cứ để CQĐT bỏ qua hành vi có dấu hiệu tội phạm của Hạnh. Việc CQĐT chỉ xử phạt hành chính đối với Hạnh là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Ngoài ra, trong vụ việc này, anh Phi còn ghi ngờ “tôi đã bị vợ chồng Hạnh “gài bẫy” để “quỵt nợ” bởi trước đó, vợ chồng Hạnh vẫn còn nợ gia đình tôi 59 triệu đồng và 15 chỉ vàng. Tối 28/01/2015, khi tôi đang đi dự một đám cưới trong thôn thì chị Tỵ có gọi điện nói là “nhờ một lát”. Khi tôi đến thì chị Tỵ liền dắt xe của tôi vào nhà và bảo tôi đi vòng cửa sau.

Lúc vừa vào nhà, tôi đã bị chị Tỵ ôm hôn và liền sau đó thì bị Hạnh nhảy vào cầm gậy đập vào đầu. Hạnh còn cầm dao đe dọa để lục ví, thu giữ điện thoại và bắt tôi phải viết giấy vay nợ vợ chồng Hạnh, viết giấy mượn xe máy. Bị đe dọa nên tôi phải thực hiện theo yêu cầu của Hạnh nhưng vẫn bị vợ chồng Hạnh đóng cửa nhốt đến 7 giờ sáng hôm sau”.

Trao đổi với phóng viên, anh Phi cho biết đã đến Công an xã Tam Đồng và Đồn Công an Thạch Đà (huyện Mê Linh) trình báo sự việc và đã có đơn trình bày đầy đủ với Công an huyện Mê Linh. Tuy nhiên, không hiểu sao đến nay Hạnh chỉ bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và thoát tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Tại phiên xử phúc thẩm bị hoãn mới đây, anh Phi đã tiếp tục khẳng định việc không đồng ý với bản án sơ thẩm vì cho rằng Tòa cấp phúc thẩm cần hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để làm rõ và truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt giữ người trái phép đối với Hạnh và làm rõ hành vi có dấu hiệu đồng phạm của vợ Hạnh trong vụ án này.

Đọc thêm