Nông dân Hải Phòng vừa kết thúc một vụ đông thắng lợi nhất từ trước đến nay, với sự tăng đáng kể về diện tích, năng suất, sản lượng. Đáng mừng hơn là trồng cây vụ đông bước đầu trở thành vụ sản xuất hàng hoá, đem lại thu nhập cao, góp phần bảo đảm đời sống của bà con trong thời điểm giá cả biến động như hiện nay. Tại nhiều địa phương, trồng cây vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm.
Thu nhập gấp 3 lần cấy lúa
Chị Nguyễn Thị Hoa, nông dân xã Tiên Thanh (Tiên Lãng) hồ hởi cho biết : “Đây là vụ thứ 2 gia đình tôi trồng khoai tây giống mới Atlantic thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhà máy. Khoai tây được mùa lớn, năng suất 200- 250 tạ/ ha. Công ty thu mua toàn bộ khoai tây nguyên liệu cho nông dân. Với 4 sào trồng, gia đình tôi có thu nhập hơn 16- 17 triệu đồng/ sào, gấp 3 lần cấy luá. Cùng với 2 vụ lúa được mùa, thu nhập từ cây vụ đông chính là “mùa vàng” thứ 3 cuả nông dân sau 365 ngày vất vả. Chưa bao giờ nông dân xã Tiên Thanh phấn khởi như vụ đông vừa qua. Thời điểm thu hoạch rộ, hàng chục xe cải tiến kĩu kịt chở khoai tây về các điểm thu mua. Khoai tây nguyên liệu xuất khẩu đóng bao chất đầy sân kho HTX, sân trụ sở UBND xã, chờ đưa lên xe ô tô chở về nhà máy. Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho rằng, “Thắng lợi của vụ đông, là cơn mưa mát lành giúp làng quê, dân nghèo sau bao ngày nắng hạn. Huyện Tiên Lãng có 2.960 ha cây vụ đông, tổng giá trị sản lượng hàng hóa vụ đông đạt hơn 190 tỷ đồng, bằng vụ sản xuất chính. Tính về giá trị thì vụ đông cho nông dân thu nhập gấp 2-3 lần cấy lúa, vì diện tích vụ đông mới chiếm khoảng 1/3 diện tích gieo cấy lúa, trong khi giá trị hàng hóa lại ngang bằng 1 vụ chính”.
Bà Đào Thị Hà, Trưởng Phòng trồng trọt, lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT ) phấn khởi cho biết: “ Vụ đông năm nay, diện tích trồng tăng cao nhất từ trước đến nay với 11.039 ha, tăng hơn 1000 ha so với vụ đông năm trước. Giá trị sản xuất trên thực tế đạt 872 tỷ đồng, tăng 100 tỷ so với năm trước, tăng trung bình (năm 2005-2010) 28%/năm. Giá trị thu nhập trên 1 đơn vị canh tác vụ đông là hơn 79 triệu đồng/ha, cao hơn 53 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa, gấp 3 lần cấy lúa. Đây cũng là vụ đông đánh dấu sự thắng lợi đồng bộ cả về diện tích, năng suất, sản lượng và thu nhập”.
Nông dân xã Hồng Phong (An Dương) thu hoạch rau màu. |
Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hoá
Vụ đông 2009-2010 được đánh giá là thành công của việc quy vùng sản xuất hàng hóa lớn. Trên địa bàn thành phố đã hình thành hàng loạt vùng sản xuất rau màu quy mô liên huyện, chứ không chỉ trong địa bàn một xã như trước đây. Chẳng hạn, vùng ngô lai, ngô thực phẩm ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy...năng suất đạt 50 - 55 tạ/ha, giá trị đạt 22 - 25 triệu đồng/ha; vùng trồng cà chua ở Đồ Sơn, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Kiến Thụy…cho thu nhập 150- 180 triệu đồng/ha; vùng trồng hành tỏi ở Tiên Lãng, Thủy Nguyên... cho thu nhập 100 – 120 triệu đồng/ha; vùng chuyên khoai tây ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão….thu nhập 70-90 triệu đồng/ha; vùng dưa hấu tại Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, thu đạt 120- 150 triệu đồng/ha; vùng rau chất lượng ở An Lão, An Dương, Thủy Nguyên…thu nhập 100 triệu đồng/ha; vùng hoa, cây cảnh An Dương, Hải An….Việc quy vùng sản xuất được các địa phương chủ động từ ngay đầu vụ nên chỉ đạo các khâu sản xuất khá đồng bộ, vùng sản xuất quy nô hơn 10 ha /vùng. Các địa phương vưà chú ý quy vùng sản xuất vừa quan tâm vấn đề tiêu thụ sản phẩm bằng cách liên kết sản xuất với các doanh nghiệp. Diện tích cây vụ đông có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của toàn thành phố là 1223 ha, tăng hơn 300 ha so với vụ đông năm trước. Các loại cây có giá trị kinh tế cao như dưa thơm các loại, rau ăn lá đặc sản, cà chua, ngô ngọt, khoai tây được mở rộng diện tích có hợp đồng tiêu thụ, cho thu nhập trên 1 ha sản xuất theo hợp đồng đạt 103 triệu đồng/ ha, cao hơn 1,5- 2 lần so với diện tích nông dân tự tiêu thụ…
Cần mở rộng hơn
Vụ đông là vụ sản xuất có đặc thù riêng, với đặc điểm thời gian sản xuất ngắn (3-4 tháng), cơ cấu cây trồng đa dạng phù hợp với giai đoạn thời tiết chuyển mùa từ nóng ẩm sang khô lạnh, sản phẩm vụ đông dễ tiêu thụ và cho giá trị kinh tế cao. Nhận thấy giá trị của việc mở rộng diện tích cây vụ đông, nhiều năm qua, thành phố đầu tư cơ chế hỗ trợ cho nông dân mở rộng diện tích cây vụ đông. Riêng vụ đông năm 2009- 2010, thành phố hỗ trợ nông dân 15- 20 % diện tích gieo trồng; mức hỗ trợ trung bình 30-50% giá giống, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 3,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, diện tích trồng cây vụ đông trên địa bàn thành phố chưa tương xứng với tiềm năng đất đai, mới chiếm 30% diện tích canh tác. Ở nhiều địa phương việc mở rộng diện tích cây vụ đông vẫn rất khó khăn. Mức hỗ trợ của thành phố và một số địa phương cho sản xuất cây vụ đông thấp so với nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Chẳng hạn như Hải Dương hỗ trợ 50% giá giống khoai tây chất lượng cao trồng đại trà, tương đương 4 triệu đồng/ha, 100% giá với những giống lần đầu đưa vào cơ cấu có diện tích trên 10 ha. Nam Định hỗ trợ 25 triệu đồng/ha dưa chuột, 20 triệu đồng/ha cà chua, 8 triệu đồng/ha ngô đường, 7 triệu đồng/ha khoai tây…Vụ đông năm tới, toàn thành phố dự kiến mở rộng diện tích cây vụ đông lên hơn 12000 ha. Để đạt được mục tiêu này rất cần sự vào cuộc tuyên truyền vận động nông dân của chính quyền địa phương, chính sách hỗ trợ phù hợp của thành phố và các địa phương trong xây dựng các mô hình sản xuất mới, quy vùng sản xuất nông sản hàng hoá, vận động các doanh nghiệp cùng đồng hành trong sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân…/.
Hoàng Yên