Vụ đông 2010-2011: Chuyển mạnh từ quy mô hộ sang vùng sản xuất hàng hóa

 Hiện nay, nhờ đổi mới cách thức chỉ đạo, nhiều địa phương mở rộng được diện tích cây vụ đông và dễ dàng tạo vùng sản xuất hàng hóa.Chính sự thay đổi tư duy đã giúp cho nhiều địa phương thoát khỏi vướng mắc “Làm sao mở rộng được cây vụ đông theo đúng kế hoạch trong khi thiếu lao động nông nghiệp, nông dân không thiết tha sản xuất?”

Hiện nay, nhờ đổi mới cách thức chỉ đạo, nhiều địa phương mở rộng được diện tích cây vụ đông và dễ dàng tạo vùng sản xuất hàng hóa.Chính sự thay đổi tư duy đã giúp cho nhiều địa phương thoát khỏi vướng mắc “Làm sao mở rộng được cây vụ đông theo đúng kế hoạch trong khi thiếu lao động nông nghiệp, nông dân không thiết tha sản xuất?”

Từ sự chuyển đổi tư duy…

Vụ đông năm nay, Sở Nông nghiệp- PTNT phối hợp với các địa phương có tiềm năng về diện tích trồng cây vụ đông đổi mới cách thức vận động và xây dựng kế hoạch trồng cây vụ đông ngay từ đầu vụ. Theo lãnh đạo phòng trồng trọt, lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết: “Năm nay, Sở Nông nghiệp và các địa phương không mở rộng diện tích cây vụ đông dàn trải, đại trà theo kiểu quy mô hộ, xã nào cũng xây dựng kế hoạch vận động nông dân mở rộng diện tích cây vụ đông, mà hướng mở rộng diện tích cây vụ đông vào những xã có tiềm năng diện tích lớn, có khả năng thâm canh, còn nhiều lao động nông nghiệp và đặc biệt là có khả năng quy thành vùng sản xuất hàng hóa lớn. Đối tượng cây vụ đông mà ngành và các địa phương khuyến khích nông dân mở rộng diện tích là những cây trồng có giá trị kinh tế cao, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”. Với sự đổi mới tư duy, vụ đông năm nay, thành phố hỗ trợ nông dân 15- 20% diện tích gieo trồng; mức hỗ trợ trung bình 30-50% giá giống, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 3,5 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Ngoài sự hỗ trợ của thành phố, nhiều địa phương cũng mạnh dạn hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích cây vụ đông có hợp đồng bao tiêu sản phẩm và đưa giống mới, vào sản xuất.

Nông dân xã Thiên Hương (Thủy Nguyên) thu hoạch khoai tây.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Trường Thành (An Lão) Đặng Văn Đình, khoảng 5 năm trước đây, diện tích trồng cây vụ đông của xã là 60-70 ha. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, chỉ còn khoảng hơn 2 ha. Phần lớn diện tích trước đây để trồng cây vụ đông người dân đã chuyển sang cấy lúa. Nguyên nhân là do xã thiếu lao động trầm trọng, nông dân chủ yếu cấy lúa cho dễ chăm sóc, ngại sản xuất vụ đông. Năm nay, xã không vận động nông dân mở rộng diện tích vụ đông đại trà, mỗi hộ vài luống, vài sào như trước,  mà chuyển trọng tâm sang đầu tư, hỗ trợ cho một số gia đình  có khả năng thâm canh và quy vùng lớn, đưa cây có giá trị kinh tế cao vào trồng. Hiện xã có 2,2 ha chuyên trồng ớt xuất khẩu, thay vì vài sào bắp cải, khoai lang hay rau ăn lá truyền thống như trước. Chính vì vậy,  từ chủ trương trên việc mở rộng diện tích cây vụ đông có chuyển biến tích cực. Đến nay, diện tích cây vụ đông toàn thành phố đã trồng là 11.500 ha, đạt 92% kế hoạch diện tích, tiến độ trồng nhanh hơn so với nhiều năm trước. Diện tích cây trồng cho giá trị kinh tế cao và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cũng tăng nhanh hơn. Điển hình là 2.151 ha ngô, 1.112 ha khoai lang giống mới, 1.110 ha khoai tây, 725 ha dưa chuột, 235 ha dưa hấu, 707 ha cà chua. Trong đó, bà con nông dân thu hoạch 5.000 ha cây vụ đông. Kết quả ban đầu cho thấy, nhiều loại cây trồng thu hoạch cho năng suất, sản lượng cao. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, kế hoạch mở rộng diện tích cây vụ đông lên tới 12.500 ha là đạt trong tầm tay, tăng hơn vụ đông năm trước 1500 ha.      

…đến những vùng sản xuất “liên xã, liên huyện”

Nông dân xã Tân Phong (Kiến Thụy) chăm bón cà chua năng suất cao.

Nhờ sự thay đổi tư duy,  hiện nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành hàng loạt vùng sản xuất rau màu quy mô liên huyện, chứ không chỉ trong địa bàn một xã như trước. Chẳng hạn, vùng ngô lai, ngô thực phẩm ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy...thu hoạch bước đầu cho năng suất đạt 50 - 55 tạ/ha. Tại các vùng ngô,  ngoài các giống ngô lai mới là sự xuất hiện của ngô lai dinh dưỡng như ngô lai hạt tím. Vùng trồng cà chua ở Đồ Sơn, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Kiến Thụy cũng có tới 90% diện tích sử dụng giống lai F1 cho năng suất, thu nhập cao. Vùng trồng hành tỏi ở Tiên Lãng, Thủy Nguyên; vùng chuyên khoai tây ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão; vùng dưa hấu tại Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, vùng rau chất lượng ở An Lão, An Dương, Thủy Nguyên…Việc quy vùng sản xuất được các địa phương chủ động từ ngay đầu vụ  nên chỉ đạo các khâu sản xuất khá đồng bộ, vùng sản xuất quy mô hơn 10 ha /vùng. Các địa phương vừa chú ý quy vùng sản xuất, vừa quan tâm vấn đề tiêu thụ sản phẩm bằng cách liên kết sản xuất với các doanh nghiệp. Diện tích cây vụ đông có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của toàn thành phố là 1300 ha, tăng hơn 300 ha so với vụ đông năm trước. Các loại cây có giá trị kinh tế cao như dưa thơm các loại, rau ăn lá đặc sản, cà chua, ngô ngọt, khoai tây được mở rộng diện tích có hợp đồng tiêu thụ, cho thu nhập trên 1 ha sản xuất theo hợp đồng đạt 103 triệu đồng/ ha, cao hơn 1,5- 2 lần so với diện tích nông dân tự tiêu thụ…./. 

Hoàng Yên 

Đọc thêm