Trong phần xét hỏi hôm qua, bị cáo Bổng kêu oan và cho rằng: “Khi các xã xin ý kiến là ý kiến chỉ đạo xử lý hồ sơ đất thì tôi đã giao cho các xã tự giải quyết, chứ bản thân tôi không giao làm trái”. Đồng thời, bị cáo Bổng cho rằng, mức thiệt hại không phải như cáo trạng truy tố.
Bị cáo Bổng lập luận thực hiện chi trả số tiền này có thành viên Hội đồng giải phóng mặt bằng, UBND xã, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, Kho Bạc thực hiện thông qua cán bộ ngân hàng hợp đồng chi trả trực tiếp. Cán bộ Hội đồng không tham gia trả tiền mặt. Số tiền hơn 10 tỉ đồng, đã chi trả 100% cho các hộ dân và ngân sách xã. Trong khi đó, đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh lập luận có căn cứ xác định rằng số tiền thiệt hại như bản cáo trạng đã nêu là đúng.
Trước đó, trong ngày đầu tiên xử vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Bổng cho rằng với vai trò Chủ tịch Hội đồng GPMB ông được giao chủ trương và giải phóng mặt bằng cực kỳ phức tạp, khối lượng công việc lớn, không kiểm soát nên dẫn đến sai phạm.
“Thứ nhất việc làm của tôi sai dẫn đến vi phạm của tôi. Nhưng sai phạm trong một thế bị ép tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án lớn. Khối lượng công việc cực nhiều. Giải phóng mặt bằng cực kỳ phức tạp. Bốn tháng mà phải cào 1.600ha đất nông nghiệp. Cán bộ hội đồng giải phóng mặt bằng ít, khối lượng công việc lớn, không kiểm soát. Mà địa bàn giải phóng mặt bằng là 5 xã, rất đông dân. Cái thứ hai là mình không kiểm soát được. Việc xử lý đất tranh chấp thiếu kiểm tra, thiếu giám sát. Phần cuối cùng, mong HĐXX tính lại cho số tiền thất thoát. Quá trình tôi cống hiến để có mặt bằng là thành công rất lớn cho tỉnh nhà, nay có khu kinh tế phát triển năng động, nhân dân cũng phấn khởi…” - bị cáo Bổng cũng trình bày.
Trong khi đó, Chủ tọa cho rằng, bị cáo đổ cho tiến độ, áp lực, nhưng mình phải làm đúng quy định, không phải bất cứ ai cũng nói do công việc rồi làm sai.
Về phía bị cáo Phạm Huy Tường, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện lại khai do thực hiện lệnh của bị cáo Bổng, khi đó là cấp trên. “Do áp lực, do tiến độ giải phóng mặt bằng, nên tôi không có thời gian để xem lại hồ sơ. Tôi phải nhắm mắt ký”, bị cáo Tường nói. Đồng thời cho rằng, khi xử lý vấn đề đất chuyên trách bị cáo không trực tiếp được tham gia.Khi thực hiện kê khai, kiểm kê bị cáo không biết, chỉ đến khi lập hồ sơ bồi thường bị cáo được bị cáo Bổng chỉ đạo ký.
Bị cáo Tường trình bày: “Dự án này được khởi động từ tháng 8/2008, nhưng tôi được điều động về làm là tháng 11/2008. Lúc ban đầu tôi không biết, không tham gia kiểm kê, khi đã hoàn thành hồ sơ áp giá rồi bị cáo Bổng bảo tôi ký thì tôi ký. Ông Bổng bảo, giao chỉ tôi ký là để dân tin và để trả tiền, để được dự án”.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Văn Bổng - nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (nay chia tách thành thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh), kiêm Chủ tịch Hội đồng Bồi thường GPMB - đã gây thất thoát hơn 10,4 tỉ đồng. Liên quan đến sai phạm này còn có nhiều cán bộ cấp huyện và cấp xã cũng bị truy tố ra tòa, gồm: Phạm Huy Tường (nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện), Lê Anh Đức (nguyên cán bộ Hội đồng Bồi thường GPMB huyện Kỳ Anh), Lê Xuân
Nghinh (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Long), Lê Hữu Diện (nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Long), Lê Quang Hà (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Long), Hồ Xuân Cường (nguyên cán bộ Hội đồng Bồi thường GPMB huyện Kỳ Anh) và Lê Công Diếu (nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương). Các bị cáo này cũng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo hồ sơ, từ năm 2008 - 2009, trong quá trình thực hiện chủ trương bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Khu Liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (Tập đoàn Formosa làm chủ đầu tư), bị cáo Bổng và cấp dưới biết rõ một số diện tích đất công do UBND hai xã Kỳ Long và Kỳ Phương quản lý không thuộc diện được Nhà nước bồi thường.
Tuy nhiên, bị cáo Bổng và các bị cáo nêu trên đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, của Chính phủ, của UBND tỉnh Hà Tĩnh để hợp thức 72,78ha đất công do UBND 2 xã Kỳ Long (hơn 61 ha) và Kỳ Phương (hơn 11 ha) quản lý không thuộc diện đất được bồi thường thành “đất tranh chấp” và quy chủ cho các hộ dân đứng tên trong hồ sơ bồi thường để hưởng 100% tiền bồi thường đất nông nghiệp trái quy định của Nhà nước.
Hành vi của bị cáo Bổng và các bị cáo nêu trên đã gây thất thoát hơn 10,4 tỉ đồng (trong đó tại xã Kỳ Long hơn 9,6 tỉ đồng, tại xã Kỳ Phương hơn 840 triệu đồng) trong ngân sách nhà nước bồi thường của Dự án Formosa Hà Tĩnh.