“Vũ khí” đắc lực của Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bộ máy Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, bên cạnh thẩm quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội (QH) còn có thẩm quyền giám sát tối cao với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Ngày 20/7, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc.
Ngày 20/7, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc.

Quyền giám sát của QH đã được quy định cụ thể trong một Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2016. QH có thể giám sát các vấn đề thông qua xem xét báo cáo, kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chất vấn giải trình, đi giám sát… Khi xem xét kết quả giám sát, QH có thể bãi bỏ các văn bản trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của QH; miễn nhiệm người vi phạm; yêu cầu miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, xử lý đối tượng vi phạm …

Nói chung, quyền lực của QH trong giám sát là “vô biên cương”, đúng nghĩa của từ “tối cao”. Quan trọng là giám sát có trúng, có đúng, có hiệu quả?

Vấn đề này đã được các ĐBQH đặt ra hôm qua (21/7), khi QH khóa XV thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2022.

Trước đó, UBTVQH lựa chọn bốn chuyên đề trình QH xem xét, quyết định giám sát: 1.Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; 2.Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch; 3. Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu tố từ 1/7/2016 - 1/7/2021; 4. Việc thực hiện các Nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 – 2021.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) bổ sung hai vấn đề cần giám sát. Thứ nhất, việc thực hiện chính sách pháp luật trong bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ. ĐB Vân dẫn chứng mới đây phải loại ra 1 ĐBQH vừa được bầu nhưng không đủ tư cách, mà lý do là vi phạm trước đó nhiều năm. Điều đó cho thấy công tác triển khai quy định về tổ chức nhân sự đã không chọn đúng người. Thứ hai, việc thực hiện pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công ở các DNNN, đơn vị sự nghiệp công. “Tài sản công đã bị chuyển hoá từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn. Thế mà chúng ta chưa có đợt giám sát tối cao của QH”, ông Vân nói.

Những vấn đề QH và ĐBQH nêu ra đã rất đúng và trúng. Vấn nạn sai phạm trong quy hoạch, ngày 14/6/2019, QH từng chỉ ra trong Nghị quyết 82/2019/QH14 “về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị”. Vấn nạn “trộm cắp” tài sản nhà nước, QH từng “chỉ mặt đặt tên” trong Nghị quyết 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 “về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN”… Đây là những tệ nạn nhức nhối đã rất nhiều năm nay, rất cần thiết có sự giám sát tối cao của QH để “phẫu thuật” dứt điểm những khối ung nhọt nhức nhối.

Quan trọng không kém, như ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) lưu ý, là câu chuyện hậu giám sát: “Các báo cáo hậu giám sát rất ít nên không biết đơn vị, địa phương thực hiện yêu cầu của đoàn giám sát như thế nào”. ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng cho rằng cần phải xây dựng đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH từng thẳng thắn chỉ ra năng lực giám sát của một số ĐBQH kiêm nhiệm và chuyên trách chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của hoạt động giám sát của QH. Chất lượng của hoạt động giám sát còn hạn chế, chưa đi sâu, chưa phát hiện đề xuất giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, chủ yếu là do phương thức, năng lực, trình độ, do nể nang, né tránh… Một số trong các hình thức giám sát khác như nghe điều trần, tổ chức điều tra, tổ chức đi nghiên cứu, xem xét tình hình… còn chưa được áp dụng thực tiễn.

Khắc phục những điểm còn chưa làm được như các ĐBQH đã đặt ra, tin rằng hoạt động giám sát của QH sẽ ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn nữa; là thanh gươm quyền lực vô hình khiến các đối tượng có ý định sai phạm phải run rẩy dừng tay.

Đọc thêm