Dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu?
Đây có thể được gọi là một kỳ án, vì nội dung vụ kiện xoay quanh tên gọi “bánh hỏi Mỹ Tho”. Bánh hỏi là loại bánh được làm từ bột gạo, có quy trình chế biến khá công phu, tỉ mỉ; thường ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... Đây là món ăn thường thấy trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi, lễ cúng của người dân một số địa phương miền Trung và miền Nam.
Theo đơn khởi kiện của Thuận Phong, Tổ hợp tác hủ tiếu Mỹ Tho được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể số 0116254 để bảo hộ nhãn hiệu có sử dụng dấu hiệu “Mỹ Tho” với các sản phẩm thuộc Nhóm 30.
Nghi ngờ BJ&T có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Tổ hợp tác hủ tiếu Mỹ Tho đã ủy quyền cho Thuận Phong thực hiện thủ tục đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu. Ngày 10/11/2019, Thuận Phong nghi ngờ container chứa hàng hóa xuất khẩu của BJ&T có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu nên đã tiến hành thủ tục đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan với container chứa hàng hóa trên.
Ngày 11/12/2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 (Cục Hải quan TP HCM) ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan với hàng hóa của BJ&T, mời Công ty này tới chứng kiến và mở container để kiểm tra. Các bên thống nhất tiến hành lấy mẫu hàng hóa trưng cầu giám định tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (KHSHTT).
Ngày 14/1/2020, Viện KHSHTT có văn bản, nêu “Hành vi bị nghi ngờ là xâm phạm: Gắn dấu hiệu “bánh hỏi Mỹ Tho” (là đối tượng giám định) lên sản phẩm bánh hỏi bị nghi ngờ là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Hủ tiếu Mỹ Tho truyền thống” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 116254”.
Cơ quan này kết luận lô bánh hỏi Mỹ Tho của BJ&T có dấu hiệu “bánh hỏi Mỹ Tho” được gắn trên sản phẩm bánh hỏi là yếu tố xâm phạm quyền nhãn hiệu được bảo hộ của Tổ hợp tác hủ tiếu Mỹ Tho.
Lô hàng hóa của BJ&T sau đó được lưu giữ tại cảng Cát Lái (TP HCM).
Sau đó, vụ việc được Bộ KH&CN lập đoàn thanh tra tới làm việc với BJ&T và Thuận Phong. Trong buổi làm việc, ông Phạm Văn Bân (trước là nhân viên Thuận Phong) cho rằng đã được BJ&T lôi kéo, dụ dỗ tới Công ty này để thực hiện dây chuyền sản xuất bánh hỏi và bún như của Thuận Phong. BJ&T sau đó làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng.
Cục Sở hữu trí tuệ trả lời sao?
Ngày 28/2, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 đã có văn bản gửi Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị cho ý kiến chuyên môn về dấu hiệu “Bánh hỏi Mỹ Tho” được gắn trên sản phẩm bánh hỏi của BJ&T có xâm phạm với nhãn hiệu “Hủ tiếu Mỹ Tho đặc sản truyền thống” được bảo hộ hay không?
Văn bản trả lời của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ |
Ngày 24/4, Cục Sở hữu trí tuệ có văn bản cho rằng “Căn cứ ảnh chụp mẫu bao gói sản phẩm của quý cơ quan cung cấp thì dấu hiệu “bánh hỏi Mỹ Tho” có thành phần “Mỹ Tho” trùng với thành phần chính của các nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể số 116254 và 116255...”.
“Do vậy, hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông, tàng trữ nhằm để bán sản phẩm bánh hỏi mang dấu hiệu “bánh hỏi Mỹ Tho” như đã nêu mà không được chủ sở hữu hai nhãn hiệu tập thể nêu trên hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu chuyển quyền sử dụng sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ...”, văn bản này nêu.
Thuận Phong làm đơn khởi kiện yêu cầu BJ&T phải loại bỏ việc sử dụng dấu hiệu “Mỹ Tho” gắn trên sản phẩm, bao bì sản phẩm; đòi BJ&T chấm dứt việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm xâm phạm nhãn hiệu; đòi BJ&T bồi thường cho Tổ hợp tác hủ tiếu Mỹ Tho 500 triệu; đòi BJ&T phải xin lỗi Tổ hợp tác hủ tiếu Mỹ Tho trên 3 tờ báo.
Đây là sự việc gây ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, vì không ít người cho rằng không thể có một ai đó được độc quyền sử dụng chữ “bánh hỏi Mỹ Tho” là tên loại bánh dân gian của một địa phương (Mỹ Tho hiện là tỉnh lỵ của tỉnh Tiền Giang). PLVN sẽ phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý trong các số báo sau.