Tại đơn, bà Phượng cho biết, trong quá trình làm ăn, sinh sống tại địa phương, tập thể người dân gồm bà Phượng, ông Huỳnh Chí Minh, bà Trần Thị Lan Anh và bà Nguyễn Thị Bích Thủy (đã mất, có người thừa kế quyền và nghĩa vụ) và một số cá nhân khác có cho vợ chồng ông Trần Văn Ơi - bà Nguyễn Thị Liễu vay tiền, góp hụi để bán vật tư nông nghiệp.
Sau nhiều lần đòi ông Ơi, bà Liễu thanh toán tiền nhưng không được giải quyết, những người dân nói trên đã làm đơn khởi kiện ra TAND huyện và được thụ lý, giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình vụ việc đang được xét xử, phát sinh thêm 1 đơn khởi kiện do ông Trần Văn Nhì (em ruột ông Ơi) là nguyên đơn với số tiền hơn 11 tỷ đồng.
Bà Phượng cho rằng đã có dấu hiệu câu kết trong việc khởi kiện giữa ông Nhì và ông Ơi để tẩu tán tài sản khi TAND huyện Tri Tôn đang xử lý vụ án. Quá trình xét xử vụ kiện có dấu hiệu trái quy định của Bộ luật TTDS 2015, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của bà Phượng và những người liên quan.
Công văn do Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang ký, cho biết, VKSND tỉnh đã ban hành Văn bản 1693/VKS-TTra-KT ngày 14/12/2023, yêu cầu VKSND huyện Tri Tôn kiểm sát, báo cáo kết quả về việc TAND huyện ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 21/2023/QĐST-DS ngày 16/5/2023, giữa nguyên đơn ông Trần Văn Nhì (địa chỉ tổ 19, khóm An Định A); bị đơn ông Trần Văn Ơi và bà Nguyễn Thị Liễu (địa chỉ tổ 10, khóm An Hòa B, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn).
Văn bản của VKSND tỉnh An Giang gửi Báo PLVN. (Ảnh: Hồng Thương) |
Qua kiểm sát, VKSND huyện có Báo cáo 532/BC-VKS ngày 19/12/2023 như sau: TAND huyện vi phạm về thời hạn gửi Quyết định số 21 cho VKSND cùng cấp. Về án phí dân sự sơ thẩm là 56,5 triệu đồng nhưng Quyết định 21/2023/QĐST-DS ngày 16/5/2023 xác định là 28,25 triệu đồng; sau đó thẩm phán ban hành Quyết định 07 ngày 18/5/2023 sửa chữa, bổ sung quyết định sơ thẩm, xác định án phí dân sự là 56,5 triệu đồng. Các bên đương sự không có ý kiến về việc tính án phí.
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 213 Bộ luật TTDS, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự 21/2023/QDST-DS ngày 16/5/2023 là quyết định có hiệu luật pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Cụ thể, Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ theo quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ luật TTDS.