Vụ ly hôn “nghìn tỷ”: Nhiều câu hỏi còn chưa sáng tỏ trong bản án phúc thẩm

(PLVN) - Vụ ly hôn “nghìn tỷ” của vợ chồng ông bà chủ cà phê Trung Nguyên đã có bản án phúc thẩm. Tuy nhiên, nhiều người nhận định đây là một bản án còn nhiều câu hỏi chưa được làm sáng tỏ.

Sự thắng cuộc của 'ông chủ' và sự 'thua cuộc' của đạo lý,  công lý

Nhìn lại quá trình tố tụng từ khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo khởi kiện đến nay, với những gì được phơi bày trên báo chí và mạng xã hội, công chúng truyền thông dễ dàng nhận thấy có hai phe rõ ràng:

Một phe là các vị quan toà, luật sư bên bị đơn và bị đơn Đặng Lê Nguyên Vũ. Một phe là Đại diện viện kiểm sát, luật sư nguyên đơn và nguyên đơn Lê Hoàng Diệp Thảo.

Hai phe đã có những “giao tranh” quyết liệt, nhưng rút cuộc phe nắm giữ quyền lực cán cân công lý đã “thắng”.

Tòa án tuyên bố hai vợ chồng ông bà chủ cafe Trung Nguyên ly hôn, giao toàn bộ Trung Nguyên cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tự chuyển đổi cổ phần của bà Lê Hoàng Diệp Thảo để cưỡng ép bà Thảo phải nhận tiền. Trong khi giá trị thương hiệu của Trung Nguyên được giới chuyên gia nhận định phải trên 20 ngàn tỷ đồng, không được toà tính đến, hoặc bị “lờ đi”. Còn số tiền mà bà Thảo có thể nhận được theo bản án phúc thẩm ước tính chỉ bằng khoảng 2, 3 năm lợi nhuận của tập đoàn Trung Nguyên.

Nghịch lý, trái ngang ở đây là ở chổ, phe “thua” cuộc đưa ra các quan điểm, tài liệu, chứng cứ rõ ràng, viện dẫn các điều luật, các quy định rất cụ thể, nhưng phe “thắng” cuộc thì nhận định chung chung, thiếu khách quan, có nhiều nội dung nói “lấy được” thiếu căn cứ, có những đánh giá rất chủ quan.

Ví dụ, nói rằng bà Thảo tham gia điều hành Trung Nguyên khi không còn quan hệ vợ chồng sẽ bất lợi cho công ty. Vậy hàng loạt cổ đông khác không có quan hệ vợ chồng thì sao?

Sự thắng cuộc của ông chủ, cùng với những người đang nắm quyền kiểm soát, điều hành tập đoàn Trung Nguyên, đồng nghĩa với sự “thua cuộc” của đạo lý và pháp luật.

Công luận có quá nhiều thông tin về quan hệ hôn nhân của cặp vợ chồng này, nhưng dù tình cảm vợ chồng có mâu thuẫn không thể hàn gắn thì vấn đề đạo lý và pháp lý ở đây cần phải được bảo vệ.

Điều mà công chúng không thể lý giải nổi là bà Lê Hoàng Diệp Thảo bị đẩy ra khỏi tập đoàn Trung Nguyên? Đây không còn là quan hệ hôn nhân thuận hay không thuận của hai con người cụ thể, mà còn là cả một câu chuyện lớn trong thực thi công lý và phát triển kinh tế tư nhân.

Trước khi có vụ án ly hôn này, cũng không ai dự đoán và tưởng tượng được người góp công, góp của để xây dựng thương hiệu do chính mình nắm giữ rồi đến lúc cũng phải “ra đi” rời xa nó trong sự uất nghẹn vì sự bất công của công lý.

Những người trong cuộc và những ai hiểu thấu nội tình của Trung Nguyên không có bất ngờ khi bản án phúc thẩm y án sơ thẩm. Kể cả phe “thua” cuộc thì linh cảm cũng đã dự báo trước.

Tuy không có bất ngờ nhưng sự bất thường trong bản án lại là một câu chuyện dài. Vì thế nên, tuy bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng chắc chắn vụ việc chưa thể đi đến hồi kết.

Dư luận và người trong cuộc

Sau khi án phúc thẩm được tuyên, dư luận cũng có những góc nhìn và cung bậc cảm xúc khác nhau. Ngoài những bất bình, bức xúc của người “thua” thì có rất nhiều đánh giá bình luận về nội dung bản án.

Có người cho rằng phán quyết như vậy là hợp lý, là thỏa đáng. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo được thanh toán nhiều tiền, được quyền nuôi 4 đứa con, con được cấp dưỡng với một số tiền lớn, 10 tỷ đồng/ năm.

Có người lại nói phán quyết của toà sơ thẩm và phúc thẩm là không thỏa đáng. “Của chồng, công vợ” được phân xử chưa hợp lý, giá trị thương hiệu Trung Nguyên không được nhắc đến là bất công đối với người nhận tiền “ra đi”.

Và cũng không ít người nghi ngờ có những 'mờ ám' từ phía người cầm cán cân công lý, khi mà tại phiên tòa phúc thẩm, viện kiểm sát kháng nghị 11 điểm nhưng không hề được HĐXX xem xét, trả lời thỏa đáng.

Dư luận từ suy nghĩ của người ngoài cuộc thường có thể đúng, có thể không, có thể có những nhìn nhận thiên lệch chưa thấu được các góc khuất, các khoảng tối của nội tình vụ việc. Nhưng đối với các luật sư thì khác. Họ đã có quá trình nghiên cứu hồ sơ, thu thập tài liệu, chứng cứ, tiếp xúc với đương sự, dự các buổi hoà giải, các phiên xử án, thì vấn đề họ quan tâm không chỉ là quyền lợi của thân chủ mà là sự khách quan, công tâm của bản án. Nhất là các luật sư có tâm với nghề, có trình độ chuyên môn giỏi, có sự tự trọng nghề nghiệp. Khi phải chứng kiến sự bất công trong việc thực thi công lý, chính là xúc phạm đạo đức nghề nghiệp của luật sư và chức danh tư pháp khác.

Nói đúng nhưng không lay chuyển được Tòa

Các luật sư thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh: Lê Thành Kính, Lê thị Hoài Giang, Phạm Công Hùng - những luật sư bảo vệ quyền lợi cho bên nguyên đơn, đã thể hiện thái độ bất bình và xót xa cho một bản án có quá nhiều lỗi tư pháp nghiêm trọng, trái pháp luật.

Các luật sư  đồng thuận với 11 điểm trong bản kháng nghị của viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời phát hiện ra những hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án sở cấp sơ thẩm. Họ đã cùng với thân chủ của mình đưa ra các dẫn chứng, lý lẽ đầy thuyết phục khi tranh luận tại phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

Thế nhưng công sức và trí tuệ của họ nói ra chỉ làm tư liệu cho giới truyền thông khai thác, còn quan toà thì chẳng ai nghe họ. Mà cũng kỳ lạ, đại diện viện kiểm sát và luật sư phát biểu đều có những căn cứ xác đáng thế nhưng không thể nào lay chuyển được ý chí chủ quan của Hội đồng xét xử.

Một bản án thuyết phục được công chúng trước hết phải từ những phán quyết đúng với pháp luật, phù hợp với đạo lý. Khi đã dùng quyền lực được giao phủ định tính khách quan vụ án, phán quyết thiên lệch, gò ép và khiên cưỡng đứng hẳn về một phía thì pháp luật và đạo lý bị làm lệch lạc.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Thị Hoài Giang chia sẻ: Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã có nhận định chủ quan, trái pháp luật, đánh tráo khái niệm khi cho rằng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và gia đình ông có công đóng góp vốn sáng lập, thành lập Trung Nguyên từ năm 1996, nên được phân chia tài sản nhiều hơn là có căn cứ.

Vậy quy định của pháp luật về tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được hiểu thế nào? Hồ sơ thể hiện, tài sản chung được yêu cầu chia trong các Công ty đều được thành lập sau thời điểm kết hôn năm 1998, Cơ sở cà phê Trung Nguyên hay Hợp tác xã Cà phê Trung Nguyên đều đã giải thể trước đó. Tất cả các công ty là tài sản chung đều không có sự kế thừa tài sản, chuyển giao tài sản từ Cơ sở Cà phê Trung Nguyên, chỉ duy nhất tên Trung Nguyên được sử dụng lại  nhưng thương hiệu Trung Nguyên được đăng ký nhãn hiệu lần đầu tiên vào năm 2003 (sau thời điểm kết hôn).

Sự vi phạm nghiêm trọng của cấp sơ thẩm, phúc thẩm còn là sự quy đổi cổ phần sang tiền để buộc bà Thảo phải rời khỏi tất cả các Công ty trong tập đoàn Trung Nguyên. Đây là một quyết định hoàn toàn trái pháp luật. Trong khi giá trị thương hiệu của các Công ty trong tập đoàn Trung Nguyên chưa được định giá và Luật hôn nhân và  gia đình quy định, tài sản chung vợ chồng được chia được bằng hiện vật thì phải chia bằng hiện vật, cái gì không chia được bằng hiện vật thì mới quy đổi ra tiền.

Cũng theo Luật sư Hoài Giang: Ý kiến của VKS tại phiên Tòa phúc thẩm nêu là có căn cứ phải được chấp nhận nhưng HĐXX cấp phúc thẩm đã bất chấp pháp luật để tiếp tục tuyên một bản án sai trái thể hiện sự coi thường pháp luật, nhẫn tâm tước đoạt quyền chính đáng của bà Thảo.

"Chúng tôi mong rằng, VKS cấp cao sẽ tiếp tục kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm và bà Thảo cũng sẽ tiếp tục đề nghị giám đốc thẩm bản án." - Luật sư Hoài Giang nói.

Tóm lược các nội dung vi phạm pháp luật của HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm như sau:

- Một nội dung quan trọng trong bản án ly hôn là quyết định phân xử về tài sản. Thế nhưng khối tài sản chung của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo hình thành trong thời kỳ hôn nhân (cả bất động sản và tiền bạc) toà án không tiến hành  các thủ tục định giá, thẩm định, xác định nguồn gốc, thời điểm chuyển dịch tài sản...  một cách đầy đủ theo quy định của pháp luật ; viêc thu thập chứng cứ cũng không thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật. Khoản tiền vàng, ngoại tệ của bà Thảo trong Ngân hàng chưa được Tòa án công khai chứng cứ và hòa giải nhưng vẫn được cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm lờ đi.

- Việc thu thập tài liệu chứng cứ, cũng như việc quan tâm giải quyết các khiếu nại tố cáo, kể cả thái độ xét hỏi, tranh luận tại toà... vừa thiếu chặt chẽ, vừa thiên lệch. Đặc biệt là việc “bỏ quên” Quyết định 05 của Toà cấp cao. Với hành vi này các vị thẩm phán thụ lý án có dấu hiệu phạm vào điều 375 của Bộ luật Hình sự.

- Trước phiên xử phúc thẩm, nguyên đơn đề nghị thay đổi Hội đồng xét xử vì có vị thẩm phán đã ra quyết định phúc thẩm. Theo luật thì vị thẩm phán này không được ngồi trong Hội đồng xét xử phúc thẩm. Nhưng đề nghị này vẫn bị toà bác bỏ. Hoặc trong quá trình tố tụng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có yêu cầu giám định năng lực hành vi dân sự của chồng mình nhưng toà cũng bác theo cảm tính chủ quan của họ.

- Điều làm cho dư luận bức xúc nhất là các vị thẩm phán thực thi pháp luật, nhưng đã đứng trên pháp luật, họ đã làm một việc không được phép làm đó là tước quyền cổ đông của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Bà Thảo được khôi phục chức vụ phó TGĐ thường trực tập đoàn bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Đến nay bản án này bị vô hiệu do cán cân công lý bị nghiêng về một phía? Đây là hành vi vi phạm luật dân sự, luật doanh nghiệp của các vị quan toà “đáng kính”./.

Đọc thêm