Giọt nước mắt cuối đời
Ông là L.V.C (SN 1928, quê huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình)- cán bộ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa, thuộc diện Ban tổ chức Tỉnh uỷ quản lý. Vợ ông kém ông 3 tuổi, người huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), hai người kết hôn năm 1966. Quá trình chung sống, vợ chồng ông không có con chung, nguyên nhân do bà bị vô sinh.
Sau gần 50 năm vợ chồng chung sống cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, hiện cả hai ông bà đều đã nghỉ hưu, đều được tăng huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Đột ngột đến tháng 9/2014 bà bỗng có đơn xin được ly hôn ông. Lý do bà đưa ra là tình cảm vợ chồng không còn nữa. Sau nhiều lần hòa giải không thành, bà gửi đơn ra TAND TP Thái Bình xin đơn phương ly hôn với ông, mặc dù ông vẫn cố hàn gắn bởi cả hai vợ chồng đều già, đã chung sống với nhau gần hết cuộc. Nhưng bà vẫn cương quyết dứt tình. Vì ông là cán bộ lão thành tiền khởi nghĩa nên được Trung tâm cử trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) bảo vệ quyền, lợi ích trong suốt quá trình tham gia tố tụng.
Vấn đề vướng mắc của cuộc ly hôn này là tài sản, cái khó là mấy chục năm nay vợ ông mới là người “tay hòm chìa khóa”, còn bản thân ông chẳng bao giờ giữ đồng tiền nào. Hiện ông bà sinh sống tại nhà riêng tại phường Phúc Khánh, TP Thái Bình. Về nguồn gốc lô đất này, thì năm 2004 khi Nhà nước làm đường đã thu hồi cái nhà cũ và đền bù cho nhà này; tuy nhiên ngoài tiền đền bù, Nhà nước ưu tiên cho ông là cán bộ tiền khởi nghĩa nên được cấp lô đất có vị trí hai mặt tiền mà không phải đóng tiền sử dụng đất. Ông đã dừng số tiền đền bù để xây ngôi nhà 2 tầng hiện nay ông bà đang ở. Năm 2013, cũng do ông là cán bộ tiền khởi nghĩa nên được Nhà nước hỗ trợ cho ông số tiền là tổng cộng gần 130 triệu đồng từ ngôi nhà cũ để có được ngôi nhà khang trang như ngày hôm nay.
Hàng tháng lương của ông khoảng gần 07 triệu đồng/tháng, lương của bà khoảng 3,5 triệu/tháng, cho thuê nhà 02 triệu đồng/ tháng, tổng thu nhập khoản 12,5 triệu đồng/tháng; ngoài chi tiêu hàng tháng, số tiền còn lại vợ ông đem gửi ngân hàng nhưng ông cũng không biết số tiền hiện có là bao nhiêu? Ông cũng không hiểu biết nhiều về pháp luật nên ông yêu cầu được trợ giúp pháp lý vì sợ một khi bà đã có ý đồ ly hôn thì ông có nguy cơ ra đường tay trắng.
Vợ ông khai, tài sản chung của chồng ông bà gồm có 6 chỉ vàng và 7 chỉ là tài sản riêng của bà. Ông bà có hai sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Thái Bình đều mang tên bà gồm 2 số tiết kiệm trị giá 90 triệu đồng. Sau khi hoàn thiện các thủ tục tham gia tố tụng, qua hai lần tham gia hoà giải, bà vợ vẫn chỉ thừa nhận ông bà có những tài sản nêu trên. Ông thì cho rằng, suốt 50 năm qua vợ ông là người “tay hòm chìa khóa”, số tiền vợ chồng ông tiết kiệm 50 năm qua chắc chắn không chỉ có 90 triệu đồng; nhưng ông cũng không biết ông bà có bao nhiêu tài sản và tài sản là những gì, bản thân ông già yếu và không nắm chắc pháp luật nên đã yêu cầu TGVPL nên ông nhờ TGVPL xác minh, làm rõ khối tài sản chung vợ chồng.
Điều tra tận nơi, xác minh tận gốc
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, TGVPL đã yêu cầu TAND TP Thái Bình xác minh và cung cấp các thông tin liên quan đến khách hàng của bà vợ với Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Thái Bình thì được biết trước thời điểm ly hôn bà vợ quản lý số tiền là 190 triệu đồng chứ không phải số tiền là 90 triệu như khai nhận. Cán bộ TGVPL cũng xác minh rõ về nguồn gốc nhà đất xác minh do ông là cán bộ lão thành tiền khởi nghĩa nên được miễn tiền sử dụng đất và được hỗ trợ tiền đền bù để xây nhà. Ngoài ra, số 1,3 cây vàng là tài sản chung của hai vợ chồng, không phải là tài sản được tặng cho riêng.
Tại phiên toà sơ thẩm, TGVPL đề nghị HĐXX xử công nhận 1,3 cây vàng, 3 sổ tiết kiệm trị giá 190.264.587 đồng và giá trị ngôi nhà và thửa đất được định giá là 815.182.700 đồng chia cho ông được hưởng 65%, bà được hưởng 35%. Tại tòa, TGVPL cho ông đã trình bày xin miễn nộp một phần tiền án phí vì hoàn cảnh kinh tế của ông hiện rất khó khăn, bản thân già yếu lại đang phải chữa bệnh phổi tắc nghẽn tại Hà Nội.
Trước những lập luận sắc sảo, có lý, có tình của TGVPL, HĐXX TAND TP Thái Bình đã tuyên về tài sản là tiền và vàng chia đôi mỗi người một nửa, nhà chia cho ông 60% giá trị nhà, bà vợ 40% giá trị nhà và giao cho ông được quyền sử dụng mảnh đất và nhà, ông được giảm 1/2 số tiền án phí.
Sau đó bà vợ có đơn kháng cáo yêu cầu chia lại tài sản; VKSND TP Thái Bình cũng kháng nghị là miễn giảm 50% tiền án phí cho ông là làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách cho Nhà nước. Còn ông kháng cáo là toàn bộ số tài sản trên phải chia cho ông 65%, bà chỉ được hưởng 35% do phần công sức đóng góp của ông nhiều hơn phần đóng góp của bà.
Tại phiên toà phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Bình, VKSND TP Thái Bình đã rút kháng nghị, HĐXX tuyên chấp nhận rút kháng nghị của VKS. HĐXX cũng chấp nhận quan điểm lập luận, phân tích của TGVPL bảo vệ quyền lợi cho ông, từ đó HĐXX đã bác toàn bộ kháng cáo của bà vợ, chấp nhận kháng cáo của ông, sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm tuyên cho ông được hưởng 60% giá tài sản là tiền và vàng bà được hưởng 40%. Đối với tài sản là nhà và đất ông được hưởng 65% giá trị, bà vợ được hưởng 35% giá trị ngôi nhà.
Vậy là khép lại một vụ án mà bản thân TGVPL đã phải lao tâm khổ tứ rất nhiều khi tiến hành điều tra tận nơi, xác minh tận gốc số tài sản để bảo vệ quyền lợi cho đương sự. Trong hành trình bảo vệ quyền lợi cho đương sự, người TGVPL gặp phải không ít khó khăn, thậm chí những cản trợ nhưng điều đó không ngăn được người cán bộ TGVPL phải đi đến tận cùng sự thật, bảo vệ quyền lợi cho các đương sự là người nghèo, đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội.
Vụ án của ông Lều Vũ Cự một lần nữa chứng minh rằng: Không chỉ những luật sư đương sự bỏ tiền ra mời mới làm việc có trách nhiệm, mới xả thân, hết lòng vì thân chủ; còn luật sư là TGVPL bảo vệ miễn phí thì họ chỉ tham gia vụ án cho đúng thủ tục mà thôi… như trong suy nghĩ chủ quan, phiến diện của nhiều người. Đồng thời cũng tăng cường niềm tin của nhân dân vào hoạt động TGVPL, để Trung tâm TGPL Nhà nước ngày càng trở thành địa chỉ để được tư vấn, TGPL tin cậy.